Thứ Tư, 23/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cúc trắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cúc trắng

Lưu Thị Lương

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Lần đầu đặt chân lên đất Đà Lạt, cách đây gần ba mươi năm, tôi bàng hoàng thích thú khi thấy cúc trắng mọc khắp nơi. Đó là những chỗ rõ ràng không cố ý trồng trọt gì hết: bên luống rau cải thảo ú nần như con heo đất, bên bờ rào kẽm gai xộc xệch quanh khu đất vắng tiếng người, dưới gốc cây cà phê trong vườn nhà, ở mỏm đất nham nhở sụt lở cheo leo cuối sân…

Vậy mà mọc lên một cây hoa cúc, không nhớ là một cây có mấy cành nhưng có mấy cái nụ tròn tròn như trái cà pháo! Một cành nở một bông thôi, như bông hồng ấy. Một bông có hai hay ba chục cánh hoa thon thon, dài cỡ một ngón tay. Màu trắng của nó là màu của củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch. Đầu cánh hoa cái thì nhọn, cái thì có khía như cằm chẻ có duyên. Tất cả các phiến cánh trắng đục, trắng ngần ấy bị ghim chặt và phóng ra từ cái nhụy tròn xoe, vàng như xoài chín.

Những bông cúc trắng bắt gặp lần đầu ở Đà Lạt làm tôi lác mắt, tấm tắc khen thầm trong bụng: “Hoa thế mới là hoa chứ. To cỡ miệng chén cơm”. Vì tôi thấy rõ, cúc trắng bán theo chục ở Sài Gòn thường nhỏ bằng cái nắp đục lỗ trong phin cà phê thôi. Mới buổi sáng chúng cứng cáp chen nhau che kín xô nước ở hàng hoa, vậy mà tới chiều đã ủ rũ gục đầu, để lộ cái xô nhựa cũ bạc màu, bong tróc.

Hay là ở chốn thị thành quá nóng nên cánh hoa cao nguyên ngậm sương mát lạnh đã co rút lại vì bao nhiêu nước chứa trong cánh, trong cành, trong lá đã bốc hơi bay mất hết. Mà thực sự thì tôi nôn nao đi Đà Lạt chỉ để được tận mắt thấy cúc trắng còn sống nhăn trên cây xanh tươi của nó, trên đất đỏ quạch của nó. Ở Sài Gòn nó đã bị cắt cụt, tước lá nhiều rồi.

Lần đầu lên chơi Đà Lạt, bạn học cùng lớp khoe hình đám cưới, đen trắng nhiều hơn màu. Tôi chỉ thích mỗi tấm hình chụp bình hoa cúc trắng chưng trên bàn khách. Hai năm sau, trong sân một nhà nghỉ, tôi lại bị mê hoặc bởi cúc trắng - hoa to - mọc rải rác khắp đường đi lối lại. Cứ tưởng mình đang ở trong vườn hoa vậy. Gây sững sờ cho cả đoàn khách là một vạt cúc trắng (chắc là trồng) giữa sân.

Vạt hoa rộng hơn chiếc chiếu trải giường đôi, mọc kín mít những thân cây có màu xanh đậm của lá cây bông giấy, nhưng lại mơn mởn, loang loáng mỡ màng như màu lá rau muống. Phe phụ nữ đua nhau chụp hình với vạt hoa đó. Trong những tấm hình đen trắng, chỉ có màu trắng tinh của hoa là nổi bật giữa nhóm người xúng xính áo ấm, nón len đen đen, xám xám.

Ba năm sau, ở một triền đồi thông, tôi xót tiếc nhìn cúc trắng bị cắt ngang thân, quăng vứt chồng đống trong vườn. Chủ vườn vừa cắt vừa than, phí công chăm bón, bán rẻ chẳng ai mua, chặt xuống làm phân trồng thứ khác cho rồi. Lần đó, khi về Sài Gòn, tôi vội vàng đi mua một chục cúc trắng về chưng. Hình như đó là lần cuối cùng tôi gặp cúc trắng Đà Lạt bán ở thành phố phương Nam. Người bán cũng kêu rêu, “thứ này mau héo, mất giá thấy bà! Mai mốt nhớ chừa mặt nó ra, không thèm mua bán gì nữa”.

Mấy năm sau nữa, tôi tìm mãi mới thấy một cụm cúc trắng trong khu du lịch Thung lũng Tình yêu. Cụm hoa mọc trơ trọi ngay cổng ra vào, dưới chân mấy con ngựa cho thuê chụp hình làm cảnh. Lúc này máy chụp hình màu có nhiều lắm rồi, thiên hạ cứ vồ lấy những khóm hoa sặc sỡ đỏ, vàng, cam, tím mà chụp hình cho “nổi”. Mớ hoa cúc trắng thành ra bị bỏ rơi, chẳng ai ngó ngàng.

Năm 2007, tôi chụp được một thẻo cúc trắng đang nở lác đác trước sân ủy ban nhân dân phường chỗ tôi đang ở trọ. Chẳng cần chú thích, ai nhìn cũng biết cảnh này chỉ trên Đà Lạt mới có mà thôi. Cúc trắng rải rác khắp nơi: chùa, nhà thờ, nhà ở, cơ quan, trường học, bãi cỏ, bờ đất, vườn rau, lề đường…

Vậy đó, nó sống ở xứ sở đất đai của nó. Mắc mớ gì tôi lại tương tư cúc trắng? Có lẽ vì hồi mới lớn, cái sự mộng mơ phát triển thừa mứa, thấy phong cảnh phương Tây qua hình ảnh đẹp mà xa tay với nên bị nỗi ám ảnh đeo đuổi tới già chăng? Người ta cứ bảo Đà Lạt là thành phố có hơi hướm châu Âu, cứ ca tụng bảo tồn mấy tòa nhà cổ nhiều mái nhọn lô nhô, còn giống hoa mọc thơ thẩn đây đó thì đương nhiên được nghĩ là nó phải sống ở đó thôi. Nay nhà lầu đúc kín bưng đã nghễu nghện suốt từ đầu dốc tới cuối dốc.

Cúc trắng - giống hoa dại, hoa đồng rất riêng của Đà Lạt trở nên hiếm hoi phải chăng cũng là “chuyện gì đến sẽ đến?”. Cúc trắng biết đi đâu bây giờ? Không lẽ chui ngược vào những tấm hình đã phai màu nước rửa?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới