Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cung ngoại tệ tăng mạnh, liệu cung tiền sẽ được nới lỏng?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong khi chờ chính sách giảm lãi suất phát huy hiệu quả, khả năng tiếp cận vốn thông thoáng và tình trạng tắc nghẽn dòng tiền dường như vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, một số ý kiến cho rằng cần nới lỏng cung tiền hơn.

Hoạt động thương mại và đầu tư đã mang về 28,31 tỉ đô la trong năm tháng qua. Ảnh: LÊ VŨ

Ngoại tệ dồi dào

9,8 tỉ đô la Mỹ là giá trị thặng dư thương mại hàng hóa trong năm tháng đầu năm 2023, gấp nhiều lần so với mức 0,24 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,76 tỉ đô la; ngược lại, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu lên đến 18,56 tỉ đô la. Dù tổng kim ngạch thương mại sụt giảm so với cùng kỳ gây ra không ít lo ngại, nhưng với nhập khẩu giảm nhanh hơn đã giúp nền kinh tế ghi nhận xuất siêu lớn và tác động tích cực đến thị trường ngoại hối.

Nguồn cung ngoại tệ trong nước còn đón nhận 10,86 tỉ đô la ở hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân cũng ổn định trở lại ở mức 7,65 tỉ đô la. Như vậy, chỉ tính riêng hoạt động thương mại và đầu tư đã mang về 28,31 tỉ đô la trong năm tháng qua, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Đó là chưa nói đến hoạt động du lịch và kiều hối đang tiếp tục phục hồi, khởi sắc trở lại, cũng đóng góp một lượng ngoại tệ quan trọng cho Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tính chung năm tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu về kiều hối tuy được công bố hạn hẹp hơn nhưng các báo cáo cho thấy riêng lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong quí 1-2023 đạt trên 2,1 tỉ đô la, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước và dự báo lượng kiều hối về thành phố có thể đạt 7 tỉ đô la trong năm 2023, tăng khoảng 6-7% so với năm 2022.

Đó là bức tranh khá tươi sáng về nguồn cung ngoại tệ trong năm tháng vừa qua, góp phần hóa giải những áp lực tỷ giá và nguy cơ tiếp tục sụt giảm dự trữ ngoại hối như năm 2022. Theo dữ liệu từ trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cán cân vãng lai lũy kế năm 2022 (bao gồm cán cân thương mại hàng hóa, dịch vụ, thu nhập và các chuyển khoản) chỉ thâm hụt hơn 1 tỉ đô la, nhưng cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt hơn 22,7 tỉ đô la, tương ứng với lượng dự trữ ngoại hối sụt giảm khi nhà điều hành buộc phải ra tay bơm ngoại tệ để can thiệp và ổn định thị trường ngoại hối, giảm sức ép lên tỷ giá.

Đây có lẽ cũng là yếu tố khiến thanh khoản tiền đồng trở nên bị thiếu hụt, đẩy lãi suất tiền đồng tăng vọt trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh những ảnh hưởng từ e ngại lạm phát leo thang, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và sự cố ở một vài điểm trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, có thể tạo điều kiện cho nhà điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại.

Và việc nới lỏng cung tiền

Về cơ bản, để thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, NHNN có thể sử dụng các công cụ sau: (i) tăng cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng thương mại; (ii) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; (iii) bơm tiền trên thị trường mở; (iv) giảm lãi suất điều hành; (v) tăng hạn mức tín dụng và cuối cùng là chính sách tỷ giá hối đoái.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có đến ba lần giảm lãi suất điều hành, gồm các loại lãi suất như tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng và trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Công cụ phù hợp nhất để nới lỏng cung tiền có lẽ vẫn là qua kênh thị trường mở và sử dụng chính sách hối đoái linh hoạt để tiếp tục mua ròng ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối và bơm lượng lớn tiền đồng tương ứng. Thực tế đây cũng là công cụ mà NHNN đang sử dụng tích cực từ đầu năm đến nay, khi đã mua vào 6 tỉ đô la.

Với công cụ cho vay tái cấp vốn, nhiều năm qua NHNN ít khi sử dụng đến giải pháp này. Trong khi đó, đối tượng cần tiếp cận nguồn thanh khoản qua kênh hỗ trợ này cũng có những hạn chế nhất định, thường chỉ là các ngân hàng thương mại gốc nhà nước, nhưng nhóm này lại luôn ở trạng thái thanh khoản dồi dào và luôn là người cho vay chính trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, lượng tiền bơm qua kênh tái cấp vốn nếu có cũng không đáng kể.

Với công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cũng gần như không được NHNN sử dụng trong hơn 11 năm qua. Thực tế, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay của Việt Nam rất thấp đối với tiền đồng, cụ thể là 3% đối với tiền gửi dưới 12 tháng và 1% đối với tiền gửi trên 12 tháng, nên dư địa nếu muốn giảm thêm là không nhiều. Vì vậy, công cụ này có lẽ cũng không phù hợp.

Về việc tăng hạn mức tín dụng, câu chuyện hiện nay lại nằm ở khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế và niềm tin vào triển vọng kinh tế trong tương lai. Bên cạnh những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, hoặc phải thu hẹp hoạt động nên không có nhu cầu vay, còn có những doanh nghiệp, cá nhân bi quan với xu thế sắp tới nên thắt chặt các hoạt động đầu tư.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay được xác định từ 14-15%. Con số này không hề thấp nếu dựa trên quy mô tín dụng trong nền kinh tế đã lên tới hơn 11,9 triệu tỉ đồng, tức số tuyệt đối tín dụng tăng thêm theo kế hoạch năm nay có thể lên tới gần 1,7-1,8 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây từ đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng năm tháng qua chỉ mới đạt 3,15% và nhiều ngân hàng còn dư địa cho vay rất lớn theo hạn mức đã được nhận.

Do đó, công cụ phù hợp nhất để nới lỏng cung tiền có lẽ vẫn là qua kênh thị trường mở và sử dụng chính sách hối đoái linh hoạt để tiếp tục mua ròng ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối và bơm lượng lớn tiền đồng tương ứng. Thực tế đây cũng là công cụ mà NHNN đang sử dụng tích cực từ đầu năm đến nay, khi công bố gần nhất cho thấy NHNN đã mua vào 6 tỉ đô la từ đầu năm đến nay.

Nếu so với con số 28,31 tỉ đô la đã nói ở trên, lượng mua vào 6 tỉ đô la thời gian qua là khá khiêm tốn. Do đó, NHNN có lẽ sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ để bơm thêm tiền đồng trong những tháng tới, song song với việc sử dụng chính sách hối đoái linh hoạt và phù hợp hơn để hỗ trợ cho kế hoạch tiếp tục mua vào này.

Thực tế, dù giá bán ra và tỷ giá trung tâm vẫn đang cao hơn so với đầu năm nay, nhưng vào ngày 29-5 vừa qua, NHNN đã giảm 50 đồng ở giá mua vào đô la Mỹ, về mức 23.400 đồng. Quay lại thời điểm giữa tháng 12 năm trước, khi NHNN bất ngờ nâng giá mua vào đô la Mỹ lên đến 900 đồng, thì sẽ thấy việc giảm giá mua vào mới đây cho biết nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào như thế nào.

Thật ra chính sách mua ngoại tệ những năm trước đây đã góp phần không nhỏ lên việc ổn định lãi suất, với điều kiện tỷ giá cũng được giữ ổn định. Cũng trong những giai đoạn đó, để hạn chế lượng cung tiền đồng tăng quá nhanh, NHNN thường trung hòa bớt qua kênh thị trường mở và phát hành tín phiếu.

Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, với dòng tiền trong nền kinh tế tại một số khu vực vẫn đang bị tắc nghẽn, thì bên cạnh động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp gần đây, NHNN có thể tận dụng nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào để tăng cường mua ngoại tệ, nhưng có lẽ cũng không nên siết chặt quá mạnh trên thị trường mở bằng cách hút tiền về, dựa trên những cân nhắc về áp lực lạm phát đang suy yếu dần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới