Thứ Bảy, 19/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cung ứng thực phẩm trong ngành du lịch: Thách thức cũ, yêu cầu mới

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Du lịch hè sôi động trở lại, kéo theo cơ hội cho nhiều ngành liên quan khác, trong đó có dịch vụ cung ứng thực phẩm cho các khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, để có thể tận dụng bền vững cơ hội này, có nhiều thứ cần phải làm.

Trải qua hai năm nhiều biến động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã phải vật lộn với nhiều khó khăn để phục hồi. Bước qua năm 2023, những người trong trong cuộc xem đây là cơ hội để phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên để nắm bắt những cơ hội này, họ phải đương đầu với những thách thức mới.

Trong đó, ngành dịch vụ khách sạn trong mùa du lịch sắp tới, cụ thể trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn, không nằm ngoài cuộc chơi.

Cơ hội đi kèm những yêu cầu

Theo thống kê của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, số lượng khách du lịch đến thăm Đà Nẵng đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Tính trong quí 1-2023, Đà Nẵng đã đón tiếp hơn 1,42 triệu lượt khách lưu trú, tăng 365,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng trưởng đáng kể.

Đà Nẵng cũng từng bước triển khai các chương trình du lịch hè xuyên suốt mùa du lịch 2023. Ngày 1-3-2023, UBND thành phố Đà Nẵng và tập đoàn Sun Group ra thông báo về Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) sẽ kéo dài từ ngày 3-6 đến ngày 8-7/2023.

Nguyên vật liệu dùng để chế biến thức ăn tại một cuộc thi ẩm thực của Hội Khách sạn Đà Nẵng năm 2022. Ảnh: Nhân Tâm

Đây là chương trình thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Đà Nẵng, góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng ra thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành du lịch và cung ứng giới thiệu sản phẩm, tăng doanh thu và nâng cao uy tín thương hiệu.

Anh Nguyễn Xuyên, quản lý nhà hàng Xuyên Sushi tại Đà Nẵng, bày tỏ: “Mong rằng mùa du lịch sắp tới, Đà Nẵng có thể lấy lại lượng khách du lịch như các năm trước, mang lại cơ hội việc làm và doanh thu cho khối nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng.” Cùng trao đổi về vấn đề này, anh Mai Ngọc Thịnh, trưởng bộ phận thu mua của Danang Marriott Resort & Spa cũng chia sẻ sự kỳ vọng về lượng khách sẽ đổ về Đà Nẵng vào lễ hội pháo hoa quốc tế sắp tới, hi vọng ngành du lịch Đà Nẵng sẽ phát triển ổn định và mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp địa phương, trong đó có ngành thực phẩm.

Song song với tiềm năng phát triển là những thách thức lớn quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Việc chuẩn bị nguồn cung ứng cho khách sạn phải đối mặt với nhiều thử thách đáng kể, bao gồm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Giải quyết thách thức mới và cũ

Có thể nhắc đến sự tăng giá đột biến của mặt hàng cá hồi Na Uy vào năm 2020 và sự khan hiếm mặt hàng gan ngỗng do dịch cúm gia cầm ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành cung ứng thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề vận chuyển. Phần lớn nguyên nhân đến từ việc giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông trong giai đoạn bùng dịch và giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành này.

Cùng với đó, hậu quả để lại của đại dịch Covid-19 cũng khiến các doanh nghiệp dè chừng trong việc chuẩn bị nguyên liệu để chào đón lượt khách của mùa du lịch sắp tới.

Chị Jolie Kim Huyền, CEO của Công ty Cổ phần Dịch vụ Lương Nguyên chia sẻ: “Hai năm vừa qua, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề khiến công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên công ty cũng rất kỳ vọng vào mùa du lịch năm nay và bắt đầu nhận các đơn hàng từ khối dịch vụ lưu trú. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để các doanh nghiệp có thể vực dậy và tìm được giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới.”

Theo đại diện của Hội Khách sạn Đà Nẵng, hiện nay các cơ sở lưu trú đang tối ưu hóa chi phí và chất lượng nguồn cung thực phẩm để phục vụ du khách trong mùa cao điểm du lịch sắp tới. Hiện nay, có khá nhiều công ty cung ứng thực phẩm sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu hoạt động, vì vậy các khách sạn có nhiều lựa chọn về nguồn cung. Vì vậy, đơn vị nào không đảm bảo chất lượng trong thời gian dà sẽ bị loại khoải cuộc chơi.

Có thể nói, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phát triển cung ứng thực phẩm bền vững mùa du lịch 2023, việc tập trung phát triển nguồn cung trong nước và khai thác thế mạnh của sản phẩm địa phương chính là vấn đề cần lưu ý.

Đồng thời, ngành dịch vụ du lịch và cung ứng thực phẩm cần có sự tối ưu về quy trình cung ứng và áp dụng công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa khách sạn và đơn vị cung ứng cũng rất quan trọng nhằm ổn định nguồn cung và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Chị Jolie Kim Huyền gợi ý cần xây dựng các hội nhóm giữa các doanh nghiệp cung ứng và các khu du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian ngắn nhất.

Để làm được điều này, các trưởng bộ phận thu mua và các đơn vị cung ứng trên địa phương nên xây dựng các nhóm trên mạng xã hội như zalo hoặc facebook để thuận tiện trao đổi các thông tin về hàng hóa giữa các bên.

Dần dần các hội nhóm về thu mua và cung ứng sẽ mở rộng ra theo khu vực và phát triển mạng lưới liên kết đồng bộ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, hội nhóm này sẽ thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm hoặc các buổi tọa đàm của các chuyên gia trong ngành.

Nhờ vậy, các thành viên trong mạng lưới liên kết có cơ hội cập nhật kiến thức và phát triển ngành theo hướng chủ động hơn. Sự phối hợp chặt chẽ bổ trợ lẫn nhau giữa các khối ngành cũng là điều mà doanh nghiệp vô cùng kỳ vọng để cùng xây dựng nền du lịch Việt Nam phát triển bền vững.

Có thể thấy, mùa du lịch 2023 mang lại những thách thức hay cơ hội còn phụ thuộc vào sự nhìn nhận và phản ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu ngành dịch vụ du lịch và cung ứng thực phẩm có sự phối hợp chặt chẽ, rất có thể mùa du lịch 2023 chính là chìa khóa mở ra sự phát triển rực rỡ của nền du lịch Đà Nẵng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới