Thứ Tư, 16/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chạy đua đầu tư Net-Zero bứt tốc ở châu Á

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Châu Á- Thái Bình Dương phát thải nhà kính lớn nhất thế giới nhưng khu vực này cũng đang đóng góp lớn cho nỗ lực đầu tư đổi mới xanh và công nghệ carbon thấp trên toàn cầu.

Trong khi các sáng kiến và nỗ lực để hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng khí carbon về mức zero (Net-Zero) đang vấp phải sự phản đối chính trị ở Mỹ và châu Âu thì đầu tư chống biến đổi khí hậu đang trở thành chủ đề trọng điểm ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trang trại điện mặt trời và điện gió ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chú trọng rủi ro khí hậu trong chính sách đầu tư

Nhận định trên được nêu ra trong bài viết của Henry Fernandez, Chủ tịch kiêm CEO của Morgan Stanley Capital International (MSCI), đăng trên tờ Business Times hôm 9-9. MSCI là nhà cung cấp các chỉ số chứng khoán, thu nhập cố định và bất động sản hàng đầu trên toàn cầu.

Theo bài viết, trong bối cảnh sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục cùng với sự phản đối chính trị đối với các chính sách Net-Zero ở Mỹ và châu Âu thì mối lo ngại về việc các nỗ lực chống biến đổi khí hậu có thể bị đình trệ ngày càng tăng. Điều cấp bách hiện nay là các chính phủ cần xây dựng những chính thức khuyến khích khử carbon. Với khu vực tư nhân, nhiều doanh nghiệp đã không chờ giới chức trách mà đã có những hành động.

Theo cuộc khảo sát gần đây, do Đại học Stanford (Mỹ) và Viện Phát triển bền vững MSCI thực hiện, đa số nhà đầu tư trên toàn cầu toàn cầu cân nhắc vấn đề khí hậu hoặc lượng khí thải carbon trong quyết định đầu tư. Tuy nhiên, chỉ có 4% nhà đầu tư tin rằng, phần lớn rủi ro khí hậu đã được phản ánh qua giá cả tài sản hiện tại.

Quá trình toàn cầu chuyển đổi sang nền kinh tế Net-Zero sẽ đòi hỏi sự tái phân bổ vốn và định giá lại tài sản lớn nhất trong lịch sử. Các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu giữa các khu vực rất khác nhau khi các nước tìm cách cân bằng giữa giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này đã trở thành trọng tâm ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo báo cáo của Nhóm nhà đầu tư châu Á về biến đổi khí hậu (AIGCC), 70% nhà đầu tư châu Á, với phần lớn là các nhà quản lý tài sản, đánh giá biến đổi khí hậu tạo ra rủi ro và cơ hội lớn. 57% nhà đầu tư châu Á cho biết, có cân nhắc rủi ro khí hậu trong quyết định đầu tư.

Theo cuộc khảo sát của công ty quản lý tài sản Robeco (Hà Lan) vào đầu năm nay, 79% nhà đầu tư ở châu Á-Thái Bình Dương xem biến đổi khí hậu là trung tâm hoặc một phần quan trọng trong chính sách đầu tư. Tỷ lệ này lần đầu tiên vượt qua châu Âu và cao hơn so với ở Bắc Mỹ, nơi chỉ có 35% nhà đầu tư có quan điểm tương tự.

Dẫn đầu thế giới về điện gió và mặt trời

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tỷ trọng sản lượng điện than của khu vực này trên toàn cầu thậm chí còn lớn hơn. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực đóng góp lớn cho hoạt động đầu tư đổi mới xanh và công nghệ carbon thấp.

Một báo cáo nghiên cứu của MSCI cho thấy, nhiều công ty ở khu vực này đang nổi lên như những “tay chơi” có ảnh hưởng trong đổi mới công nghệ sạch. Báo cáo dẫn ra các ví dụ về những công ty đầu ngành trong khu vực sử dụng chuỗi cung ứng để mở rộng quy mô triển khai công nghệ sạch và đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến.

Đáng chú ý nhất, Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và cũng là thị trường xe điện hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới về tài chính khí hậu và nghiên cứu năng lượng sạch. Trong năm nay, Nhật Bản trở thành nước phát hành trái phiếu chuyển đổi khí hậu có chủ quyền đầu tiên trên thế giới. Nguồn tiền thu từ trái phiếu này sẽ được đầu tư cho các dự án giúp chuyển đổi khí hậu. Trong 10 năm tới, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch phát hành khoảng 20 nghìn tỉ yen (142 tỉ đô la Mỹ) trái phiếu chuyển đổi khí hậu có chủ quyền.

Trong khi đó, Hàn Quốc hiện được xếp thứ 5 trong danh sách những nước sản xuất năng lượng hạt nhân carbon thấp hàng đầu thế giới. Nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực đã công bố mục tiêu Net-Zero. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đặt mục tiêu này vào năm 2050; Trung Quốc hướng tới năm 2060 còn Ấn Độ chọn năm 2070 là mốc mục tiêu.

Theo Zero Carbon Analytics, châu Á có tốc độ tăng trưởng công suất điện gió và mặt trời nhanh nhất thế giới, ở mức 35% mỗi năm và vượt xa các châu lục khác kể từ năm 2015. Đầu tư vào năng lượng tái tạo trong khu vực tăng trung bình 23% mỗi năm, lên mức 345 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Trong cùng năm đó, khu vực này chiếm hơn một nửa công suất điện gió và mặt trời trên toàn cầu.

Châu Á có mức tăng trưởng nhu cầu điện nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác, ở mức khoảng 5% mỗi năm. 50% nhu cầu điện tăng ở khu vực được đáp ứng bằng điện sạch trong giai đoạn 2016-2023.

Xe điện đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Ấn Độ, nơi doanh số xe máy và xe tay ga điện tăng 3000% trong giai đoạn 2015-2022. Tại Việt Nam, công suất năng lượng mặt trời tăng vọt 18.380% trong giai đoạn 2018-2022, vượt mục tiêu của chính phủ.

Cần đầu tư hơn 70 nghìn tỉ đô la để đạt mục tiêu Net-Zero

Henry Fernandez của MSCI cho rằng, trong tương lai, châu Á-Thái Bình Dương có tiềm năng lớn để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS). Hãng tư vấn quản lý McKinsey dự báo, khu vực này có thể chiếm 55% thị trường CCUS toàn cầu vào giữa thế kỷ 21.

Các nhà nghiên cứu của MSCI cho biết, số lượng tín chỉ carbon được cấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng nhanh kể từ năm 2014, với Ấn Độ, Trung Quốc, Úc và Indonesia dẫn đầu. Trong khi đó, trên thị trường vốn, Singapore và Hồng Kông đang chạy đua để để trở thành trung tâm đầu tư khí hậu hàng đầu khu vực.

Dù vậy, các nước châu Á sẽ cần đẩy nhanh tốc đốc khử carbon hơn nữa để đáp ứng mục tiêu Net-Zero. Theo một báo của Viện Chính sách xã hội châu Á, để đạt được mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, châu Á-Thái Bình Dương cần đầu tư hơn 70 nghìn tỉ đô la Mỹ.

Cuộc khảo sát hồi năm ngoái của hãng tư vấn quản lý Boston và Quỹ Rockefeller, với sự tham gia của hơn 100 nhà lãnh đạo tài chính khí hậu cho thấy, những thách thức lẫn tiềm năng của hoạt động đầu tư Net-Zero.

Về mặt tiêu cực, cuộc khảo sát nêu bật mối lo ngại của nhà đầu tư khí hậu về những trở ngại như lãi suất tăng, tình trạng bất ổn kinh tế nói chung, rủi ro ngoại hối ở các nền kinh tế mới nổi và sự phức tạp về chính sách. Về mặt tích cực, cuộc khảo sát chỉ ra rằng, nhà đầu tư ở khu vực công lẫn tư nhân tin rằng, cơ hội tài chính khí hậu tồn tại ở mọi thị trường và chủ đề đầu tư lớn.

 Theo Business Times, zerocarbon-analytics.org

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới