Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc sống vẫn cứ trôi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc sống vẫn cứ trôi

Dù trong thời buổi khó khăn, nhiều người Singapore vẫn mạnh tay chi tiêu mua sắm

(TBKTSG) – Du khách nước ngoài có dịp đến tham quan đảo quốc Sư Tử vào thời gian này ai dám nói Singapore đang trong tình trạng suy thoái.

Các siêu thị vẫn nườm nượp người đến mua sắm, có nơi mở đến tận 11 giờ đêm tối thứ Bảy như khu mua sắm Bugis hay 24/24 giờ như siêu thị Mustafa ở khu Tiểu Ấn Độ.

Cuối tháng 11 vừa rồi, chuỗi cửa hàng Nike thậm chí còn mở thêm một cơ sở mới diện tích 800 mét vuông với kinh phí 5 triệu đô la Singapore (SGD) tại khu siêu thị Wisma Atria trên phố mua sắm cao cấp Orchard Road; đây cũng là trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm Nike lớn nhất Đông Nam Á. Chuỗi siêu thị thuộc tổ chức nghiệp đoàn Singapore NTUC cũng mở thêm một vài cơ sở lớn khác để phục vụ dân Singapore sắm sửa dịp Giáng sinh và đón mừng năm mới Dương lịch…

Thế nhưng, sự thật vẫn cứ là sự thật và người dân Singapore hiện đang phải đối đầu với tình hình kinh tế suy thoái trầm trọng sau nhiều năm kinh tế phát triển thịnh vượng. Theo khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Synovate, cứ 10 người Singapore thì có 4 người cho biết “mất việc” là nỗi lo sợ lớn nhất và kế đó là “không đủ ăn”; 3 trong số 10 người được hỏi cho biết họ sẽ không đi nghỉ mát trong trường hợp thắt lưng buộc bụng và 56% người Singapore được phỏng vấn tiết lộ rằng họ đã tiêu xài hàng xa xỉ ít hơn trước trong sáu tháng vừa qua và mua sắm ít hơn, thậm chí chi tiêu những mặt hàng nhu yếu phẩm cũng dè xẻn. Theo một khảo sát mới đây của nhật báo Singapore The Straits Times (TST), phân nửa trong số hơn 600 chủ doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẽ cắt giảm nhân công trong đầu năm 2009 và chỉ có không quá 10% sẽ tuyển dụng người mới vào làm việc.

Thật vậy, kinh tế Singapore trong quí 3-2008 đã bắt đầu lâm vào suy thoái với mức tụt giảm 0,6% và tình hình cũng sẽ không có gì khác trong quí 4. Tuy nhiên, theo nhận định một số nhà kinh tế, nếu vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn này, kinh tế Singapore sẽ khởi sắc trong năm tới và tạo tiền đề tăng trưởng cho những năm sau. Đó cũng chính là lý do vì sao cựu Thủ tướng Singapore nay là Bộ trưởng Cao cấp Goh Chok Tong “khuyến cáo” người dân Singapore nên tiếp tục tiêu xài bất chấp tình hình kinh tế suy thoái. Ông nói: “Hãy cứ tận hưởng những thú vui giản đơn trong cuộc sống. Nếu bạn có đủ tiền tích lũy, hãy đi xem phim, ăn uống, thư giãn… Nếu những ai có khả năng tài chính dồi dào mà không chịu tiêu xài thì điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế”.

Còn theo giải thích của ông Tilak Abeysinghe, giáo sư kinh tế hiện đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore: “Nếu ai cũng tiết kiệm, không ai tiêu xài thì dẫn đến việc không có người mua, không có người mua tức là không sản xuất, mà không sản xuất thì không có việc làm”.

Nhưng kinh tế suy thoái cũng là cơ hội kiếm thêm tiền của một số ngành dịch vụ. Chẳng hạn như do có nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tại Singapore nay bị sa thải hay phải chuyển sang nước khác, những công ty cung cấp dịch vụ dọn nhà lại ăn nên làm ra. Qua điều tra thăm dò, phóng viên nhật báo TST tiết lộ cho độc giả biết có ít nhất 5 công ty làm dịch vụ này doanh số tăng gấp đôi. Ví dụ như với Công ty Moving Star Express thì mỗi ngày trung bình phải thực hiện việc dọn chuyển đến 8 hộ gia đình, so với con số 5 trong năm trước. Còn với Crown Relocations có 200 văn phòng trên 50 quốc gia cũng xử lý thêm 25% các trường hợp chuyển nhà trong những tháng cuối năm 2008. Thậm chí Bill Cain, Giám đốc của một doanh nghiệp đang thuận buồn xuôi gió trong ngành dịch vụ này là Santa Fe Relocation còn “lạc quan” tuyên bố rằng hoạt động kinh doanh của công ty là tốt nhất từ trước đến nay, suy thoái chỉ mới bắt đầu hai ba tháng nay, và chắc hẳn sẽ có nhiều chuyên gia nước ngoài bị sa thải.

Là một nền kinh tế mở với xuất khẩu chiếm 80% GDP, Singapore lệ thuộc đáng kể vào các thị trường bên ngoài, nhất là Mỹ – bạn hàng lớn thứ ba với tổng kim ngạch ngoại thương khoảng 88 tỉ SGD. Kinh tế suy thoái chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân Singapore. Nhưng một cơn khủng hoảng lớn xảy ra như tại Mỹ cũng sẽ khó xảy ra trên đảo Sư Tử. Gần 90% người dân Singapore sống trong các căn hộ HDB với tiền cho vay mua nhà rất thấp. Trong trường hợp người dân bị mất việc, Ủy ban Nhà ở và Phát triển (HDB) sẽ cho phép người này kéo dài thời gian trả nợ trong lúc tìm công việc mới. Người Singapore còn có cả một cơ chế bảo hiểm tiết kiệm bắt buộc gọi tắt là CPF và có thể dùng số tiền này mua nhà, trả tiền cho con ăn học hay mua bảo hiểm y tế.

Kinh tế suy thoái, không ai biết cơn bĩ cực lúc nào sẽ qua đi nhưng điều chắc chắn là cuộc sống vẫn cứ trôi. Các trung tâm và đường dây nóng hỗ trợ người dân gặp khó khăn của Bộ Phát triển Cộng đồng (MCYS), các tổ chức tôn giáo, từ thiện, các thiết chế xã hội đều đã sẵn sàng để ứng phó kịp thời trong tình huống xấu nhất. Và có lẽ ở một đảo quốc bé nhỏ không có tài nguyên, ai cũng nghĩ đến việc kiếm tiền thì kinh tế suy thoái cũng làm cho người ta thấm thía hơn những giá trị của cuộc sống. Và đó cũng là điều mà nhà báo Tan Yi Hui của nhật báo TST chia sẻ với người dân Singapore trong chuyên đề “Keep Calm and Carry On” (Bình tĩnh và tiếp tục) trong tình hình kinh tế khó khăn: cuộc sống không chỉ là tiền mà có những thú vui vô giá: một đứa bé mới ra đời, một mái ấm gia đình, sống khỏe và tinh thần sảng khoái.

LÊ HỮU HUY (*)

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới