Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đa cấp và nhạc pop

Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Không có Lou Pearlman sẽ không có Backstreet Boys, NSYNC cũng như nhiều nhóm nhạc nam khác. Bằng cách tạo ra những nhóm nhạc thành công không chỉ ở Mỹ mà toàn cầu, Lou Pearlman đã tự dự phần vào lịch sử âm nhạc thế giới. Lou Pearlman bí ẩn được cho là đã lừa khoảng 500 triệu đô la từ các nhà đầu tư theo hình thức góp vốn kinh doanh, khoảng 2.000 người và gia đình đã mất trắng khi đầu tư cho Pearlman.

Khi ban nhạc Backstreet Boys hát I don’t care who you are/Where you›re from/What you did/As long as you love me (Tôi không quan tâm bạn là ai/Nơi bạn đến/Bạn đã làm gì/Miễn là bạn yêu tôi) chắc chắn họ không ngờ rằng có ngày mình phải suy nghĩ về chuyện “quan tâm” hơn đến người mình đã đặt trọn niềm tin. Nhất là khi người đó còn nắm trong tay sự nghiệp và cả tương lai của họ, như Lou Pearlman chẳng hạn.

Nhưng Lou Pearlman là ai? Cho những khán giả hâm mộ nhóm nhạc nam lừng lẫy này nhưng vẫn chưa biết, thì đây là… thành viên thứ sáu của Backstreet Boys. Một thành viên không hát, không nhảy, nhưng vẫn được chia tiền cát xê biểu diễn. Với thân hình đồ sộ, tóc tai lưa thưa, trông giống một ông chú hàng xóm tốt tính hơn là một ngôi sao nhạc pop, khó lòng kêu Lou Pearlman trình diễn trên sân khấu được.

Dù vậy, nếu không có Lou Pearlman sẽ không có Backstreet Boys, NSYNC cũng như nhiều nhóm nhạc nam khác. Bằng cách tạo ra những nhóm nhạc thành công không chỉ ở Mỹ mà toàn cầu, Lou Pearlman đã tự dự phần vào lịch sử âm nhạc thế giới.

Nhưng ở một chương “lịch sử kinh tế” đen tối khác, Lou Pearlman cũng kịp ghi tên mình vào danh sách những nhà xây dựng mô hình kinh doanh đa cấp lâu dài nhất, thành công nhất và với số tiền huy động từ các nhà đầu tư lớn nhất.

Bộ phim tài liệu dài ba tập vừa trình chiếu năm 2024, Pop bẩn: Vụ lừa đảo nhóm nhạc nam (Dirty Pop: The Boy Band Scam) sẽ hé mở cho khán giả thấy cách thức mà Lou Pearlman xây dựng đế chế của riêng mình cũng như cách đế chế đó sụp đổ theo hướng mà các chàng trai theo đuổi giấc mộng ca sĩ không ngờ tới.

Pearlman đã chứng kiến thời hoàng kim và chứng nhân cho giai đoạn suy tàn của mô hình nhóm nhạc nam ở phương Tây.
Ảnh: Getty Images

Vào thập niên 1990, vài chàng trai trẻ tuổi hội ngộ nhau ở Orlando, bang Florida (Mỹ). Tại đây, Pearlman hứa hẹn cho họ một tương lai xán lạn, thời điểm họ có thể chinh phục khán giả châu Âu và nhiều nơi bên ngoài nước Mỹ. Những đĩa vàng, đĩa bạch kim sẽ rót xuống đời họ và vầng hào quang sân khấu không bao giờ tắt.

Kỳ thực, Lou Pearlman đã hoàn thành những mục tiêu đó cho Backstreet Boys và sau này là NSYNC. Ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, mọi người vây quanh Pearlman, muốn trở thành một phần trong sự thành công của ông. Lou Pearlman đã đưa những chàng trai khi ấy trong độ tuổi đôi mươi, từ con số không trở thành những hoàng tử mới của làng nhạc pop.

Thành công của các nhóm nhạc nam thập niên 1990 không chỉ có ý nghĩa với nền âm nhạc US-UK mà còn có sức ảnh hưởng lên mô hình xây dựng các nhóm nhạc nam thần tượng K-pop, một trong những ngọn sóng dẫn đầu của Hallyu (thuật ngữ chỉ làn sóng văn hóa Hàn Quốc) từ những năm đầu thế kỷ 21 đến tận ngày nay.

Không chỉ đầu tư vào việc đào tạo các thành viên Backstreet Boys, Pearlman còn sắp xếp những chuyến lưu diễn, xây dựng hình ảnh cho nhóm. Đi xa hơn, ông còn tạo cho họ một đối thủ.

Vào giữa lúc Backstreet Boys đang trên đỉnh vinh quang, Pearlman gây dựng NSYNC. Việc này vừa phá vỡ thế độc tôn của Backstreet Boys vừa giúp họ nỗ lực hơn nữa trước sự cạnh tranh với những tân binh mới.

Sau NSYNC, Pearlman nhào nặn tiếp nhiều nhóm nhạc nam khác. Dù vậy, có lẽ bàn tay Midas có khả năng biến mọi thứ thành vàng đã suy yếu quyền năng. Backstreet Boys và NSYNC vẫn chỉ là hai cái tên ấn tượng nhất trong sự nghiệp của ông bầu này. Nhưng trở lại câu hỏi ban đầu, vậy thì Lou Pearlman là ai?

Sinh năm 1954 ở New York, Pearlman thoạt đầu kinh doanh trong ngành hàng không nhưng sau đó chuyển sang lĩnh vực giải trí.

Bộ phim Pop bẩn khắc họa hình ảnh một doanh nhân thành đạt và thân thiện, có mối quan hệ rộng từ giang hồ cho đến quan chức chính phủ và hết lòng với âm nhạc. Cả những người bạn lâu năm nhất của Pearlman cũng nói rằng họ nghĩ ông gần như vô tính.

Cùng các ban nhạc nam của mình, ông đi khắp thế giới, dẫn họ đến các bữa tiệc, phía sau cánh gà… và giới thiệu họ với những doanh nhân khác. Sự thành công của các ban nhạc trở thành ngọn đèn thu hút những con thiêu thân đầu tư vào những dự án ảo của Pearlman. Trong bộ phim, các cuộc phỏng vấn còn chỉ ra một tấm hình Pearlman chụp cạnh chiếc máy bay có logo của hãng hàng không mà gã làm chủ. Bức ảnh là thật, nhưng chiếc máy bay chỉ là mô hình đồ chơi Pearlman cầm trên tay, canh góc chụp để làm như nó đang đậu trên phi trường.

Rõ ràng, Pearlman không phải là một doanh nhân thất bại sa cơ lỡ vận mà đã có tính lừa đảo từ sớm. Y biết làm giả giấy tờ, dựng nên những công ty giả với những ban điều hành giả. Ở đoạn cuối của mô hình kinh doanh đa cấp, khi mọi thứ dần sáng tỏ, các nạn nhân nhận được thư trấn an từ một người điều hành công ty, nhưng thực chất nhân vật này đã chết từ rất lâu vào thời điểm bức thư được gửi cho các nhà đầu tư.

Sự sụp đổ của giấc mơ hoang đường mang tên Pearlman có lẽ xuất phát từ những vụ kiện tụng của Backstreet Boys chống lại “thành viên thứ sáu” Pearlman. Những khoản thù lao vô lý mà Pearlman thu từ công sức của ban nhạc trở thành vết rạn đầu tiên trên lâu đài pha lê mà ông xây dựng.

Sau đó là chuỗi kiện cáo từ chính luật sư của Pearlman, người đã giúp ông giành lợi thế trong vụ kiện với Backstreet Boys. Theo thỏa thuận, Pearlman phải trả phần thưởng tương xứng cho luật sư nhưng ông đã từ chối. Từ vụ việc này, người ta nghi ngờ về sự giàu có, hào nhoáng của Pearlman chỉ là cái vỏ rỗng.

Bộ phim thành công khi tìm được những nhân vật liên quan tới Pearlman để phỏng vấn như bạn bè, người quen, y tá, cộng sự, vài thành viên trong các nhóm nhạc và thậm chí là cả bạn tù của ông. Từ đó, bức tranh cuộc đời Pearlman trở nên rõ ràng và sinh động hơn. Ta có thể thấy, khi bức màn khép lại và mọi việc bị phanh phui, vẫn có những người yêu mến và bênh vực Pearlman.

Lou Pearlman được cho là đã lừa khoảng 500 triệu đô la từ các nhà đầu tư theo hình thức góp vốn kinh doanh. Chỉ 10 triệu đô la được thu hồi để khắc phục hậu quả. Trong suốt 30 năm, đã có khoảng 2.000 người và gia đình đầu tư cho Pearlman. Vụ án Pearlman được xem là “mô hình ponzi” duy trì lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Khi Pearlman bị bắt, nhiều gia đình đã lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, mất đi những khoản tiền mà lẽ ra nên dành dụm để cho những việc chính đáng khác.

Sau rốt, cần đánh giá cuộc đời con người phức tạp và lạ kỳ này như thế nào? Một tên tội phạm lừa đảo. Một ông bầu mát tay. Một doanh nhân kém may mắn? Lou Pearlman đã không thể sống để chờ đến ngày được xem bộ phim tài liệu về chính cuộc đời mình. Ông qua đời năm 2016 trong khi đang thụ bản án 25 năm tù.

Pearlman đã chứng kiến thời hoàng kim và chứng nhân cho giai đoạn suy tàn của mô hình nhóm nhạc nam ở phương Tây. Cây gậy chạy tiếp sức đã truyền lại cho một thế hệ nhóm nhạc nam khác, một nền công nghiệp sản xuất thần tượng khác, ở châu Á.

Hai từ đa cấp, từ bỡ ngỡ thuở ban đầu lúc mới xuất hiện ở Việt Nam, giờ đây đã trở nên “thân thuộc”. Dẫu thế, kiểu kinh doanh đa cấp này mỗi năm vẫn lôi kéo được không ít nạn nhân mới. Một phần nó đánh vào lòng tham của nhà đầu tư với những lời hứa hẹn về khoản lợi nhuận khủng trong tương lai.

Ông tổ của kinh doanh đa cấp là Charles Ponzi (1882-1949), một “doanh nhân” gốc Ý nhập cư đến Mỹ, đã kết thúc đời mình trong nghèo khó, sau những năm tháng tù tội, kiện tụng và lừa đảo kinh hoàng ở Mỹ. Nhưng tên ông thì còn sống mãi với cụm từ “mô hình ponzi”, tên gọi phổ biến trong kinh doanh đa cấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới