Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng đẩy nhanh thủ tục dự án trọng điểm để khôi phục kinh tế

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một số công trình, dự án trọng điểm có khả năng khởi công trong năm 2022 sẽ được lựa chọn để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các trình tự thủ tục cũng như xác định rõ lộ trình thực hiện.

Khu vực dưới chân đèo Hải Vân, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - nơi sẽ hình thành các dự án nghìn tỉ đồng trong tương lai. Ảnh: Nhân Tâm

Đây là yêu cầu ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, dành cho Ban cán sự đảng UBND thành phố, các địa phương, sở, ban, ngành tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 22 diễn ra hôm nay, 12-10.

Các dự án này bao gồm Cảng Liên Chiểu, Làng Vân, ba khu công nghiệp và khu công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trong đó, hai dự án lớn đầu tiên đều nằm tại quận Liên Chiểu.

Cụ thể, sau khi cảng Liên Chiểu được đầu tư xong hạ tầng dùng chung và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025), cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác hai bến đầu tiên từ cuối năm 2026 hoặc 2027, theo báo cáo Đoàn nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) – đơn vị đang hợp tác với Đà Nẵng trong nghiên cứu dự án.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến gần 3.500 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ dự án là gần 3.000 tỉ đồng; phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương của TP. Đà Nẵng. Dự án được đầu tư công theo Luật Đầu tư công và các quy định liên quan của pháp luật. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong khi đó, khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân nằm ở chân đèo Hải Vân, được quy hoạch trên diện tích đất gần 1.000 hecta do Vingroup đầu tư với vốn dự kiến 35.000 tỉ đồng.

Bên cạnh khởi công các dự án đầu tư, Đà Nẵng cũng đưa ra một số giải pháp để phục hồi kinh tế. Đà Nẵng sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 114/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Việc đề xuất, triển khai nhanh, sớm việc thực hiện thí điểm mô hình “bong bóng du lịch” trên địa bàn thành phố và chuẩn bị công tác đăng cai sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) năm 2022 cũng sẽ có kế hoạch cụ thể để khôi phục du lịch.

Kinh tế Đà Nẵng 9 tháng: Hầu hết các chỉ số đều giảmMột số thông tin về kinh tế Đà Nẵng trong 9 tháng đầu năm cũng được công bố trong hội nghị lần này.Cụ thể, ảnh hưởng của dịch bệnh từ tháng 5-2021 đã kéo nền kinh tế thành phố giảm sút mạnh với tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 là -1,25%. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,06 triệu lượt, giảm 48,4% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố giảm 4,16% so cùng kỳ do sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường nội địa yếu.Tính đến ngày 30-9-2021, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn ước đạt 3.500 tỉ đồng; đạt 36,7% kế hoạch thành phố và 50,5% kế hoạch Trung ương giao.Từ đầu năm đến tháng 9-2021 đã có 542 doanh nghiệp giải thể và 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động).Chỉ có kim ngạch xuất khẩu đạt 1.306 triệu đô la, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 978 triệu đô la, tăng 13%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới