(KTSG Online) - Thành phố Đà Nẵng dự kiến tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” dành cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngày 24-9.
Sự kiện với sự tham dự của gần 150 khách mời trực tiếp mỗi phiên (buổi sáng dành cho doanh nghiệp trong nước và buổi chiều dành cho doanh nghiệp nước ngoài) và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom.
Với sự chủ trì của lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng, hội nghị này nhằm mục đích đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để kịp thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thành phố sẽ tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến; cũng như kịp thời sửa đổi, ban hành các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, thành phố cũng sẽ khen thưởng cho các doanh nghiệp tiêu biểu trong việc vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và có đóng góp lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng miền Trung và Tây Nguyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch và thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị ngưng trệ, đời sống người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Trong đó, ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến nay mới đạt 48%.
Vì vậy, ông Chinh thay mặt thành phố đề nghị Trung ương một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế như: giảm lãi suất tín dụng, thuế, tính giá điện dịch vụ bằng giá điện sản xuất, kinh doanh. Sớm ban hành quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để địa phương có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân một số dự án sang năm 2022 như dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, tuyến đường cấp bách chiến lược quốc phòng phục vụ quân sự và dân sinh quận Liên Chiểu, tuyến đường giao thông nội thị Cẩm Lệ...
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Đà Nẵng hoàn tất thủ tục giải thể cho 538 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, tăng 1,5% và có 2.225 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động, tăng 39,6% và 1.360 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động so với cùng kỳ.Về thu hút đầu tư trong nước, tính từ đầu năm đến ngày 15-8-2021, thành phố có 15 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư gần 2.309 tỉ đồng. Đặc biệt trong tháng 8-2021 không phát sinh dự án được cấp mới, theo Cục Thống kê Đà Nẵng.Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 8-2021, thành phố cấp mới 4 dự án với tổng vốn đăng ký 117.000 đô la, có 2 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 740.000 triệu đô la, 2 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với giá trị 111 triệu đô la.Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-8-2021, thành phố có 29 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 149,135 triệu đô la nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 914 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3,8 tỉ đô la; 37 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 12,5 triệu đô la.
Tình hình nước sôi lửa bỏng, khủng hoảng cận kề. Nên tập trung cho giải pháp mạnh và mạnh hơn, chứ không nên nghe ngóng nhiều nữa. Trước hết là tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp. Sau đó là tạo điều kiện thông thoáng cho sản xuất kinh doanh lưu thông hàng hóa. Cuối cùng là kết nối với kinh tế trong và ngoài nước càng sớm càng tốt.