(KTSG Online) – Kèm theo thông báo tiếp tục áp dụng nghiêm chủ trương “ai ở đâu thì ở đó” trong 10 ngày tới, thành phố Đà Nẵng nới lỏng các điều kiện để tạo thuận tiện hơn cho siêu thị, cửa hàng giao hàng thiết yếu cho người dân.
Từ 8 giờ ngày 26-8 đến 8 giờ ngày 5-9, Đà Nẵng tiếp tục áp dụng biện pháp thực hiện các hoạt động quy định tại Quyết định số 2788/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (thực hiện nghiêm chủ trương “ai ở đâu thì ở đó” từ 16-8), theo thông báo của UBND thành phố Đà Nẵng hôm nay (25-8).
Bên cạnh đó, Đà Nẵng thêm các phương án để tăng cường việc cung ứng hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh có nhiều phản ánh về vấn đề giao nhận lương thực, thực phẩm từ nhiều hộ dân và ban điều hành khu phố trong những ngày qua.
Cụ thể, các công ty thương mại đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, được bố trí tối đa 100% số người làm việc.
Đối với những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các điều kiện, bao gồm đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ mỗi 3 ngày 1 lần bằng phương pháp RT-PCR và đảm bảo các quy định về phòng chống dịch theo quy định.
Trong ngày hôm nay, Sở Y tế phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các bên liên quan để triển khai tiêm vaccine gấp cho các shipper.
Sở Công Thương rà soát danh sách các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini) và số lượng người làm việc (bao gồm shipper) được phép theo quy định, gửi Công an thành phố để được cấp thẻ nhận diện tham gia giao thông.
Về vấn đề thiếu hụt cung ứng thực phẩm trong thời gian qua, Sở Công Thương cho biết từ ngày 22-8-2021 đến nay, nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân không còn nhiều, nhu cầu đặt hàng tăng cao.
Trong khi đó, năng lực cung ứng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối (chỉ đáp ứng tối đa 30% nhu cầu trong điều kiện bình thường) bị hạn chế do phải đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch (lượng nhân viên, số lượng phương tiện vận chuyển bị hạn chế, làm việc 3 tại chỗ...).
Các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa... đáp ứng 75% nhu cầu trong điều kiện bình thường dừng hoạt động nên khi nhu cầu mua hàng hóa tăng cao trong cùng một thời điểm đã dẫn đến tình trạng quá tải trong việc cung ứng hàng hoá trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp về phương án giao nhận hàng hóa nói trên, Sở Công Thương đã đề xuất UBND thành phố đề xuất cho phép lò giết mổ Đà Sơn (một trong những lò mổ lớn nhất Đà Nẵng) hoạt động trở lại và kết nối với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn.
Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục đề xuất UBND thành phố cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng tạp hoá; tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch; huy động, bổ sung lực lượng để hỗ trợ ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân.
Đà Nẵng phân chia vùng đỏ, vàng và xanh để quản lý
- Những địa bàn có mức độ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày.- Những địa bàn có mức độ nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) áp dụng các biện pháp thực hiện như 10 ngày vừa qua (“ai ở đâu thì ở đó” kèm một số hoạt động được phép).- Những địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) do Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Vùng xanh theo quy mô cấp phường, xã áp dụng các biện pháp theo quy định tại Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (phải có giấy đi đường nếu muốn ra khỏi nhà).