Đại học Quốc gia Singapore cùng Becamex IDC hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp
Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Ngày 25-11, NUS Enterprise, "cánh tay" nối dài về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã ký kết bản ghi nhớ với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) để thành lập BLOCK71 nhằm nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo tại Việt Nam.
Giáo sư Freddy Boey (trái) bắt tay với ông Nguyễn Văn Hùng sau khi ký kết hợp tác - Ảnh: Hồng Sơn |
Việc ký kết diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á (Horasis 2019) tại thành phố mới Bình Dương do UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp cùng Cộng đồng Tầm nhìn Toàn cầu Horasis, Tổng công ty Becamex IDC, VSIP Group và Hiệp hội Quản lý Ấn Độ (AIMA), Tổ chức Lãnh đạo Trẻ (YPO) đồng tổ chức.
BLOCK71 tại Việt Nam là sự mở rộng mới nhất của mạng lưới cửa ngõ khởi nghiệp quốc tế thuộc NUS, giúp cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ của NUS tiếp cận các thị trường mới, và ngược lại, thúc đẩy tiếp cận các chương trình giáo dục và đổi mới sáng tạo tại NUS cho sinh viên và doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam.
Theo đó, NUS Enterprise và Becamex IDC sẽ phối hợp để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, và xây dựng cầu nối phát triển kinh doanh tại Việt Nam. BLOCK71 hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp bằng việc cung cấp truy cập vào các mạng lưới toàn cầu - NUS Enterprise và Becamex với mạng lưới quan hệ toàn diện, bao gồm các nhà đầu tư, công ty đối tác, người cố vấn và các doanh nghiệp. Các công ty khởi nghiệp ở Singapore có thể tiếp cận thị trường dễ dàng hơn và các công ty khởi nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các trung tâm khởi nghiệp của NUS Enterprise tại Hoa Kỳ, Indonesia, Trung Quốc và Singapore, để liên doanh vào các thị trường này.
NUS Enterprise sẽ hỗ trợ ươm mầm khởi nghiệp bằng việc tổ chức các chương trình hỗ trợ để giúp các doanh nhân khởi động và phát triển ý tưởng. Các nhà khởi nghiệp còn có cơ hội để thí điểm và thử nghiệm công nghệ và ý tưởng kinh doanh; tham gia vào các sáng kiến khởi nghiệp như các cuộc thi kinh doanh, các buổi chia sẻ, hội nghị và các sự kiện liên quan đến khởi nghiệp khác,...
Tại BLOCK71, hai bên sẽ thường xuyên tổ chức các sự kiện và hoạt động khởi nghiệp; đồng thời các công ty khởi nghiệp còn có cơ hội tham gia các chương trình giáo dục về đổi mới sáng tạo trong công nghệ và tư duy kinh doanh khởi nghiệp tại NUS.
Theo Giáo sư Freddy Boey, Phó hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Singapore (phụ trách mảng đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp), BLOCK71 Việt Nam sẽ mở ra cho các cá nhân tham gia khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cơ hội để tiến tới các thị trường mới. Sinh viên sẽ được tiếp cận những chương trình thực tập thú vị, các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình đào tạo tại Singapore như chương trình thạc sỹ và chương trình tiếp cận công nghệ NUS.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công ty Becamex, cho biết việc thiết lập mối quan hệ chiến lược cùng với NUS nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các cá nhân tài năng ở địa phương trong việc học và theo đuổi kinh doanh khởi nghiệp. Becamex cũng đón chào các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn tiến vào thị trường Việt Nam cũng như tiếp cận các tài năng công nghệ địa phương.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Indonesia. Trong hai năm vừa qua, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp công nghệ đã tăng gấp sáu lần. Với thị trường tiêu dùng lớn, hệ sinh thái hiện đang có được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư quốc tế và nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ cho khởi nghiệp. Sự mở rộng của BLOCK71 hướng đến việc phục vụ các nhu cầu đó, và là đơn vị tập hợp các hỗ trợ xuyên quốc gia, đầu tư và trao đổi kiến thức.
BLOCK71 được lấy tên từ chính nơi sinh ra nó – toà nhà Block 71 trong quần thể công nghiệp Ayer Rajah tại Singapore, nơi các toà nhà công nghiệp bỏ hoang được chuyển đổi thành vị trí địa lý chiến lược cho đổi mới sáng tạo qua việc quy tụ và phát triển cộng đồng khởi nghiệp công nghệ địa phương. Ngoài Singapore, BLOCK71 đã được thành lập tại San Francisco ở Mỹ, Jakarta, Bandung và Yogyakarta ở Indonesia và hai địa điểm tại Tô Châu, Trung Quốc.
Hàng trăm nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tham dự Horasis 2019
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis 2019 quy tụ trên 1.000 khách mời là lãnh đạo cao cấp đến từ các tập đoàn kinh tế hơn 60 quốc gia trên thế giới; lãnh đạo đến từ Trung ương, Bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp Việt Nam. Trong 2 ngày, diễn đàn diễn ra nhiều hoạt động theo hình thức diễn đàn kinh tế thế giới với 4 phiên họp toàn thể và 35 phiên đối thoại song song. Các phiên đối thoại được tổ chức theo từng chuyên đề về các vấn đề kinh tế thế giới và khu vực, các xu hướng mới về phát triển công nghệ với các bài tham luận và phát biểu của các diễn giả hàng đầu thế giới. Khách mời tham dự chủ yếu là các vị đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng, Thứ trưởng; CEO các tập đoàn nổi tiếng thế giới, các nhà lãnh đạo kinh doanh chủ chốt, các nhà lãnh đạo tư tưởng nổi tiếng… Đây là lần thứ tư Diễn đàn Horasis Châu Á được tổ chức trên thế giới và là lần thứ hai diễn đàn được tổ chức tại Bình Dương. Hai diễn đàn đầu tiên diễn ra tại Bangkok, Thái Lan (2016) và Kolkata, Ấn Độ (2017). Diễn đàn Horasis Châu Á - Bình Dương 2019 diễn ra theo khuôn khổ nội dung của Horasis, đặc biệt chú trọng thảo luận về Châu Á; những cơ hội, thách thức và tầm nhìn cho các tổ chức trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư – xu thế thành phố thông minh. Việc Diễn đàn Horasis Châu Á được tổ chức hai năm liên tiếp tại Bình Dương là cơ hội để quảng bá hình ảnh của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung với các đối tác quốc tế, nâng cao năng lực quản lý, trình độ khoa học - công nghệ góp phần tăng tốc phát triển Đề án thành phố thông minh. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đây là sự kiện quốc tế mở ra cơ hội quan trọng để Bình Dương và tất cả các doanh nghiệp tham dự diễn đàn tăng cường phát triển một hệ thống thương mại đa phương mở; kết nối kinh doanh, tham gia vào nền kinh tế chia sẻ, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh; thảo luận về định hướng tầm nhìn tương lai; thúc đẩy tự do hóa mậu dịch, đầu tư và hợp tác kinh tế vì lợi ích chung của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác trên thế giới. |