Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đám cưới xưa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đám cưới xưa

Những dịp đám tiệc ở quê, các cụ thường xây sòng tổ tôm thâu đêm. Ảnh: TMB

(TBKTSG) – Miền Bắc đã bước vào mùa đông nhưng cái lạnh hãy còn ban sơ nên chỉ làm người ta thích thú khoác thêm vào cái áo mỏng. Bầu trời đầy ánh sáng và nắng, những vạt nắng hồng ấm áp và rực tươi. Cái tiết khô ráo và đẹp nhất trong năm rất thuận cho việc tính chuyện trăm năm.

Nhưng thời điểm cuối năm được xem là mùa cưới còn bắt nguồn từ những miền quê, khi việc đồng áng đã vãn, nơi đồng ruộng vắng người, nứt nẻ hanh hao chỉ trơ lại những gốc lúa khô cong sau mùa gặt.

Đám cưới ở quê có lệ ăn cỗ đến hai, ba ngày, người làng không phải chỉ đến ăn một bữa mà hai, ba bữa, ăn từ hôm dựng rạp, từ lúc chiếc cổng chào được tết rất khéo từ hai tàu lá dừa tươi. Các cụ đánh tổ tôm suốt đêm, người nhà phải thức để nấu cháo hầu hạ.

Cỗ quê đều tự tay người nhà làm, đậm đà hương vị và rất thật. Tôi thấy cỗ quê ngày xưa ngon và vừa miệng hơn rất nhiều cỗ cưới được nấu sẵn kiểu công nghiệp như trên thành thị bây giờ. Ngay đến cái bàn uống nước, thuốc lá và những miếng trầu têm cánh phượng được bày rất khéo trên đĩa, trông vừa duyên vừa ngon mắt. Không khí vui tươi, phảng phất men rượu ngà ngà làm khách đến lòng cũng lây lây.

Đám cưới ở quê có nét văn hóa và phong tục rất đẹp mà người thành thị còn lâu mới theo kịp. Ở quê bao giờ ăn uống xong mới đi đón dâu. Đây mới là nét đặc sắc. Đại diện nhà trai, nhà gái lên có lời thưa chuyện với quan viên hai họ. Các cụ thì xơi trầu, hút thuốc, trẻ con thì ăn kẹo, cắn hạt bí, nghe nam thanh nữ tú trong làng hát hò.

Văn nghệ đều tự biên tự diễn, không kịch bản cũng chẳng có người dẫn chương trình, mà tự đùn đẩy, gán ghép thành đôi lên hát mừng cô dâu chú rể. Thế nên các “ca sỹ” thật mộc mạc, chân phương. Tôi nhớ một đám cưới, có chị hát rất hay, vừa bế con vừa hát, giữa chừng thằng bé ngứa ngáy, ngặt ngẹo rồi đưa tay sờ ti mẹ. Quan khách được một trận cười nghiêng ngả, còn chị thì mặt đỏ bừng vì xấu hổ giữa tiếng vỗ tay, hò reo hể hả. Mỗi đám cưới qua đi còn được người làng kể mãi với nhau những chuyện vui, chuyện cười trong nhiều ngày sau nữa.

Lũ trẻ con bọn tôi hay chạy theo lễ rước dâu, chen nhau xem cô dâu chú rể chắp tay khấn trước bàn thờ gia tiên, xem người ta trải chiếu trên gường cưới. Người được chủ nhà mời phải là một cụ già phúc hậu, con đàn cháu đống, ngoan ngoãn thảo hiền, nếu không cũng phải là một bà khỏe mạnh, được dân làng quý trọng và cả… mắn đẻ. Người được mời sẽ tự tay trải cặp chiếu hoa lên giường cưới ngay trước mặt cô dâu chú rể, vừa trải miệng vừa đọc những lời chúc phúc cho cặp tân lang trăm năm đầu bạc và thỏa lòng đêm hợp cẩn.

Mỗi lần gặp lại những tấm ảnh đen trắng cứ có cảm giác đẹp mà sao rất thương. Cái mốt quần ống bó, áo chít tay, đi dép nhựa, cô dâu mặc áo dài trắng, chủ rể vận complet màu tàn thuốc lá, rồi còn có cả phù dâu, phù rể, bóng thôn nữ cài lên mái tóc bông hồng ta, má phấn ửng đỏ và những tà áo hồng dân dã xúng xính trong ngày lễ. Những hình ảnh cứ xa xôi, miên man trong trí nhớ như khói bếp bềnh bồng mái rạ.

Têm trầu trước giờ đón khách. Ảnh: TMB

Không cần tinh tế lắm cũng cảm nhận được kỹ càng những vùng quê lạc hậu, đám cưới có phần rườm rà, lễ nghĩa nhưng thật thuần hậu, ấm áp nghĩa tình. Những làng ven đô, đám cưới là dịp thể hiện sinh động nhất sự giao thoa và hợp lưu giữa văn hóa làng xã và phố thị, chưa biết cái nào thắng thế nhưng chắc chắn cả hai đều bị lu mờ.

Phần “lễ” trong tục cưới hỏi giờ đây đã mất đi nhiều nét đẹp, vùng quê hay chốn tỉnh, đám cưới na ná giống nhau, người dẫn chương trình nói oang oang như lệnh vỡ, khách vừa ăn uống, chúc tụng vừa nghe hát hò. Cái mốt văn nghệ là quan họ Bắc Ninh nhưng liền anh, liền chị toàn là đồ rởm, cũng váy yếm, nón quai thao, quanh đi quẩn lại với ngồi tựa mạn thuyền, khách đến chơi nhà, xê đi dịch lại í a thành điệu… xàng xê, nghe phát nhàm. Ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống, gặp nhau lời chào cũng vội. Thành thử đi ăn cỗ cưới cốt cho phải phép với gia chủ là chính.

Người ta thích nói đến một nếp sống hiện đại, quanh năm quần là áo lượt, bận bịu trong phòng máy lạnh hai “cục”, với những áp lực này nọ… Để nói về tầm vóc một nền kinh tế, hãy nhìn vào những chỉ số. Các nhà kinh tế, các doanh nhân hơn ai hết nhận diện được nền kinh tế nước ta lớn, nhỏ thế nào, chỉ biết rằng khi đọc hiểu những chỉ số ấy, tôi thấy nó không đến mức ghê gớm như con ngáo ộp. Những người cổ cồn trắng ở nhiều cơ quan dán mắt vào máy tính chỉ là bận lướt web, bói toán và tán chuyện… quốc tế.

Những cửa hiệu bóng loáng, sáng rực ánh đèn neon, như chốn thủ đô văn hiến này, từ Hồ Gươm loanh quanh một vòng bất kỳ hướng nào trong bán kính chừng 15 cây số dễ dàng bắt gặp ngay những đống rơm nghễu nghện chặn ngang lối đi, hàng đàn trâu bò thả rông nhẩn nha gặm cỏ, có khi chỉ cách một bờ sông lở, đi qua một cây cầu không dài lắm, ta đã ở giữa một cái làng.

Chừng ấy đủ thấy người phố thật ồn ào, nhiều khi tự huyễn hoặc, ra dáng rất hệ trọng về một nền kinh tế con rồng, con cọp, vạch ra những đường biên và tự kỷ ám thị kéo giãn cái khoảng cách giữa làng quê và thành thị thật xa xăm, dễ lầm tưởng chốn quê đã thành của hiếm!?

Hơn 80 năm dưới sự cai trị của người Pháp, chúng ta không bị đồng hóa. Các nhà sử học Pháp phải rất lâu sau này mới tìm được lời giải, tất cả là do đặc trưng dân cư chúng ta hầu hết phân bố ở đơn vị làng xã. Đó chính là cái nôi, là thành trì phản kháng mãnh liệt, tiềm tàng trước văn hóa ngoại lai. Hơn hai chục năm hội nhập, đổi mới, khoảng thời gian chưa phải là dài nhưng văn hóa và nhiều tục lệ đẹp nơi chốn làng xã đã gần như thất truyền.

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới