(KTSG) - Nếu không khai thác được tối đa món quà từ cơ cấu dân số vàng, chúng ta sẽ phải đối diện với những bài toán khó giải. Trong những thập kỷ sắp tới, hiền tài phải thực sự trở thành “nguyên khí quốc gia”.
- Việt Nam tính tích hợp ví điện tử lên ứng dụng công dân số quốc gia VneID
- Tìm cơ hội từ thị trường có dân số lớn nhất Đông Nam Á
Sự lệch pha đáng buồn
Người viết bài từng trao đổi với một chuyên gia kinh tế có tiếng về dự định xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Không phải ưu điểm về múi giờ hay các chính sách ưu đãi về cơ chế, hạ tầng…, theo vị chuyên gia này, quan trọng nhất là phải xây dựng được các ngân hàng đầu tư, với nhân sự có khả năng huy động hàng tỉ, thậm chí chục tỉ đô la Mỹ trong một thời gian rất ngắn, cung ứng vốn cho các dự án không chỉ trên đất nước Việt Nam mà cho cả khu vực và thế giới.
Khi người Việt trong nước chưa đảm đương được các yêu cầu này, chúng ta có thể kêu gọi sự chung tay của lực lượng Việt kiều đã thành danh trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - đầu tư trên khắp thế giới, một mặt để đáp ứng nhu cầu nhân lực trước mắt, mặt khác hỗ trợ xây dựng đội ngũ trong nước. Quả thật, đó là một lời giải rất đáng để cân nhắc.
Thế nhưng, đằng sau câu chuyện này đang là một thực trạng buồn đã tồn tại rất lâu tại thị trường lao động Việt Nam. Còn nhớ, năm 2008, một vị lãnh đạo của Intel đã phải cất lời than thở về tình trạng không tuyển được nhân lực chất lượng cao cho các vị trí lãnh đạo nhóm, kỹ sư chính, kỹ thuật viên lành nghề.
Qua gần 15 năm, nền kinh tế Việt Nam đã chào đón sự góp mặt của hầu hết các đại gia công nghệ như Samsung, Apple, Foxcom, Luxshare…, số lượng lao động trong ngành điện tử vào khoảng 1,3 triệu người nhưng theo nhận định của bà Trần Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại một cuộc hội thảo tổ chức tháng 7-2022 thì vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp linh kiện, tham gia vào khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng.
Đã vậy, cùng với sự chuyển dịch của các công ty công nghệ sang Việt Nam, xuất hiện lo ngại về sự thiếu hụt nhân lực ngành điện tử. Dường như, kịch bản cũ vẫn lặp lại dù ở một mức độ khác.
Rõ ràng, đang có một sự lệch pha đáng kể giữa nhu cầu nhân lực và khả năng đáp ứng của thị trường, cả ở nhóm lao động cần kỹ năng và nhóm nhân sự cao cấp, phục vụ cho những dự án chiến lược trọng điểm của Việt Nam.
Có thể, nhiệm vụ tạo ra công việc cho lớp thanh niên trưởng thành sau chiến tranh, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu dựa trên nhu cầu thị trường là lý do chúng ta buộc phải chấp nhận các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần sử dụng nhiều lao động, giản đơn và dù các nhà tuyển dụng dần đặt ra những yêu cầu cao hơn, đào tạo nhân lực của Việt Nam nhất thời chưa thể đáp ứng.
Nguyên nhân còn đến từ bản thân người lao động. Đối với đa phần thế hệ X, Y (sinh năm 1965-1999), việc học để làm… trong hệ thống công quyền được coi là lựa chọn tốt nhất. Khi không xác quyết mục tiêu trở thành người thợ giỏi, công việc trong các khu công nghiệp chỉ mang tính chất vá víu, tạm thời và họ cũng không chú tâm nâng cao tay nghề, kỹ năng của mình.
Thêm nữa, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, dựa vào xuất khẩu của khối FDI, khai thác tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, có biểu hiện thâm dụng vốn và thâm dụng lao động… cũng không đòi hỏi sự phát triển tương xứng của thị trường lao động. Những điều này buộc phải thay đổi.
“Dân số vàng” không chỉ là món quà
Báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân lực 2022 vừa được ManPower Group công bố(*) mô tả chi tiết hơn về những bất cập trong thị trường lao động Việt Nam. Chẳng hạn, dù tỷ lệ phổ cập giáo dục cao (khoảng 88%), chỉ có 11,67% người lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao, con số không thay đổi nhiều so với ba năm trước đó. Như vậy, việc đào tạo nhân lực và quá trình giáo dục nói chung chưa thực sự nằm trên một đường ray thẳng tiến.
Hay dù có tới 70,3% cá nhân sử dụng Internet, lao động phù hợp để làm việc từ xa chiếm 9,05%. Thực tế này buộc những người lạc quan về sự phát triển của kinh tế số Việt Nam phải cẩn trọng hơn. Tỷ lệ người dùng Internet, điện thoại thông minh, thời lượng truy cập mạng… chỉ đảm bảo cho việc người Việt nhanh chóng trở thành những “thượng đế” trong nền kinh tế số chứ không là bảo chứng về khả năng hội nhập và đồng sáng tạo dựa trên các nền tảng công nghệ phổ biến toàn cầu.
Trong khi đó, xu hướng thay thế lao động giản đơn bằng robot được dự báo sẽ có tác động nặng nề tới những thị trường lao động tương tự như Việt Nam.
Hiện nay, với mức thu nhập 275 đô la Mỹ/tháng, tương đương 3.300 đô la Mỹ/năm, đồng nghĩa, trong bảy năm sắp tới, thu nhập đầu người phải tăng thêm gần 800 đô la để Việt Nam bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao (từ 4.046 đô la/người đến 12.535 đô la/người theo bảng phân nhóm năm 2020 của Ngân hàng Thế giới) vào năm 2030.
Giải pháp là tăng năng suất lao động trong một nền kinh tế phát triển có chiều sâu và kinh tế số nhưng tréo ngoe ở chỗ để làm được như vậy, chất lượng nhân lực phải đi lên tương ứng.
Hành trình bước đến mức thu nhập cao (trên 12.536 đô la/người) còn khó khăn hơn rất nhiều. Theo mục tiêu đặt ra, trong vòng 15 năm sau thời điểm 2030, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam phải tăng thêm hơn 8.000 đô la, đòi hỏi sự bứt phá cả về lực lượng sản xuất lẫn phương thức sản xuất. Chúng ta đã nhắc nhiều tới khát vọng và niềm tin, và giờ đây, có lẽ cần thảo luận, phản biện nhiều hơn về những biện pháp cụ thể.
Đối với Việt Nam, thậm chí, đó còn là yêu cầu bức thiết. Nhiều nghiên cứu xã hội học nhận định, bắt đầu từ năm 2040, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Từ thời điểm này, vấn nạn dân số già sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế, hạ tầng an sinh xã hội, quỹ lương hưu, đặc biệt khi tuổi thọ trung bình của người Việt trên 73 năm nhưng số năm sống khỏe chỉ khoảng 64 năm, theo số liệu từ Bộ Y tế công bố tháng 8-2022.
Gánh nặng có thể còn nặng hơn bởi theo báo cáo của ManPower Group, tỷ lệ lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động và ít có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội chiếm đến 55% tổng lực lượng lao động. Tạo dựng nền tảng, thể chế kinh tế để người dân đạt được mức thu nhập ngày càng cao là chiếc chìa khóa duy nhất cho sự thịnh vượng, ổn định, bền vững của quốc gia.
Cách nào để nâng cao chất lượng nhân lực?
Trong bối cảnh hiện tại, song song với chiến lược đào tạo nguồn lao động gắn với các mục tiêu phát triển của nền kinh tế, nhận diện và tận dụng các lợi thế so sánh để nâng cao chất lượng nhân lực có thể là con đường ngắn nhất.
Việt Nam đang đặt ra những tham vọng rất lớn như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới… Chuẩn bị lao động nguồn, ở các vị trí quản lý cao nhất là vấn đề cần được đặt ra ngay từ khi khởi động các ý tưởng.
Từ đó, sẽ có các bước đi để gây dựng lực lượng này, sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chất lượng cao trong và ngoài nước, trải thảm đỏ mời lực lượng Việt kiều, các chuyên gia nước ngoài với vai trò tư vấn, đào tạo nhân lực cấp dưới…
Làn gió thu hút người tài từ khu vực nhà nước sẽ kích thích không chỉ quá trình đào tạo trong nước mà còn là động lực giúp cho nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục đi đúng hướng. Nói nôm na, các gia đình có điều kiện sẽ lựa chọn ngành nghề học cho con em họ phù hợp với nhu cầu trong nước, để sau này chúng sẽ trở về.
Tất nhiên, điểm nghẽn cố hữu vẫn là tiền lương và môi trường làm việc có khuyến khích nhân tài hay không. Nhưng một khi đặt ra những mục tiêu, dự án kinh tế quan trọng để kinh tế Việt Nam bắt kịp với thế giới, quản trị nhân lực không thể tiếp tục theo lối cũ.
Xu hướng các doanh nghiệp công nghệ FDI mở rộng đầu tư, lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) tại Việt Nam cũng là cơ hội cho thị trường lao động. Ở đây, rất cần những cam kết ở tầm mức quốc gia từ phía doanh nghiệp, cùng với sự giám sát thực hiện các cam kết này từ phía các cơ quan quản lý.
Vòng luẩn quẩn chuyển giao công nghệ và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp và người lao động Việt sẽ chấm dứt nếu quá trình này được thực hiện theo một lộ trình cụ thể. Và Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa về công nghệ và đào tạo để tiếp nhận sự chuyển giao nói trên.