Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Danh chính ngôn thuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Danh chính ngôn thuận

Thu Trang – Ban pháp chế (VCCI)

(TBKTSG) – Sự tham gia hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề có liên quan đến chính sách thương mại quốc tế có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc tận dụng những lợi thế, vượt qua các thách thức từ các cam kết thương mại quốc tế hiện tại của chúng ta còn không ít bất cập.

Lấy ý kiến doanh nghiệp: một tỷ lệ quá thấp

Thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nội địa. Điều này đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Một hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh đầu tư với những thay đổi căn bản theo hướng thông thoáng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp, từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế là một minh chứng cho việc này.

Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các chính sách, cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam chưa có được sự phối hợp công – tư như vậy. Luật Ký kết và Gia nhập Điều ước quốc tế (2005), văn bản cơ sở về vấn đề này, không có quy định bắt buộc nào về việc lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cũng không có cơ chế nào để cộng đồng này được thông tin về định hướng đàm phán cũng như không có kênh chính thức nào để chủ động có tiếng nói, phản ánh nguyện vọng của mình đối với quá trình này.

Trên thực tế, dù không có quy định, đâu đó trong các đàm phán thương mại quốc tế (đặc biệt trong đàm phán gia nhập WTO), một số cơ quan bộ ngành vẫn lấy ý kiến và sử dụng thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội.

Tuy nhiên, điều này là chưa đủ bởi việc tham gia này của doanh nghiệp không ổn định (phụ thuộc vào ý chí của cơ quan đàm phán), thiếu tính tin cậy (do thông tin không phải lúc nào cũng được chuẩn bị đầy đủ để cung cấp khi được yêu cầu), không mang tính đại diện (bởi không phải tất cả các doanh nghiệp, các ngành liên quan đến vấn đề được hỏi đều được lấy ý kiến) – và do đó hiệu quả của việc góp ý giảm sút rất nhiều.

Sự thiếu vắng một cơ chế chính thức cho hoạt động quan trọng này cũng như thực tế tham gia hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề có liên quan đến chính sách thương mại quốc tế có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc tận dụng những lợi thế, vượt qua các thách thức từ các cam kết thương mại quốc tế hiện tại của chúng ta còn không ít bất cập.

Điều này đã được phản ánh khá rõ qua kết quả điều tra sơ bộ về vấn đề này đối với 30 hiệp hội ngành nghề mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây.

Ví dụ, với các câu hỏi về số lần hiệp hội được hỏi ý kiến trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO và các cam kết mở cửa thương mại khác, kết quả cho thấy ngay cả đối với quá trình đàm phán gia nhập WTO, một trường hợp được xem là hỏi ý kiến doanh nghiệp nhiều nhất thì cũng có đến gần 70% số hiệp hội không được hỏi ý kiến. Tỷ lệ này còn cao hơn đối với các trường hợp đàm phán các FTA và hiệp định thương mại trước đây (trên 81%).Tình trạng này thậm chí còn kém hơn nữa đối với các đàm phán hiện tại (trên 88%).

Đặc biệt, số liệu điều tra còn cho thấy trong đàm phán WTO, những trường hợp doanh nghiệp được hỏi ý kiến nhưng hiệp hội thì không cũng có tỷ lệ xấp xỉ 13% (khiến tính đại diện của ý kiến thu thập được không cao và chỉ thể hiện lợi ích của một nhóm doanh nghiệp nhất định trong ngành).

Doanh nghiệp: vai trò mờ nhạt

Kết quả điều tra về nguồn thông tin mà hiệp hội sử dụng để cung cấp cho cơ quan đàm phán cũng gây lo ngại. Nguồn thông tin chủ yếu được sử dụng (gần 30%) lại xuất phát từ các phương tiện thông tin đại chúng (với nguồn và mức độ chính xác ít được kiểm chứng và phục vụ các mục tiêu đưa tin khác nhau).

Bên cạnh đó, một nguồn thông tin quan trọng khác mà hiệp hội cung cấp cho cơ quan đàm phán trong những trường hợp hiếm hoi được hỏi ý kiến là thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của thành viên mà hiệp hội thu thập định kỳ, không nhằm cho việc góp ý đàm phán (trong khi thông tin phục vụ mục tiêu này đòi hỏi tính dự báo về tương lai và khả năng cạnh tranh tiềm năng của doanh nghiệp).

Không được tham gia vào quá trình đàm phán, cũng không được hướng dẫn đầy đủ và chính xác về nội dung các cam kết khi kết thúc đàm phán, các hiệp hội có thông tin và kiến thức rất hạn chế về tình hình thị trường, về các cam kết, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp ở Việt Nam (biểu đồ 3) cũng như ở thị trường nước ngoài (biểu đồ 4) – họ chủ yếu chỉ biết sơ qua hoặc không biết gì.

Với các hiệp hội, đơn vị được suy đoán là phải nắm vững thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, tình hình còn như vậy thì không khó để thấy được doanh nghiệp khó khăn như thế nào trong việc bắt kịp các cơ hội và vượt qua các thách thức do các cam kết quốc tế mang lại.

Đặc biệt, kết quả điều tra cũng cho thấy khả năng của hiệp hội trong việc phát hiện các biện pháp (quy định, thủ tục) của chính phủ nước ngoài vi phạm WTO gây thiệt hại cho mình là rất hạn chế (gần 15% không biết thông tin gì, gần 50% chỉ biết sơ qua).

Tình trạng không khá hơn đối với thông tin về các loại rào cản thương mại ở nước ngoài. Điều này có thể khiến cho việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài khó khăn hơn nhiều, và từ đó có thể làm triệt tiêu nhiều lợi ích mà hội nhập mang lại.

Trong khi đó, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở cả các nước phát triển và đang phát triển đều cho thấy nếu việc cam kết và đàm phán thương mại quốc tế của Chính phủ có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp thì hiệu quả hội nhập sẽ được tăng cường một cách đáng kể cho cả hai phía.

Về phía các cơ quan đàm phán, việc doanh nghiệp tham gia ý kiến và cung cấp thông tin sẽ mang đến cho các cơ quan này thêm một “nguồn nguyên liệu đầu vào” phong phú và nhiều chiều. Trong hoàn cảnh các đàm phán thương mại hiện đại hầu hết đều là đàm phán cả gói (trên nhiều ngành nghề), đây là yếu tố rất quan trọng để các cơ quan này tính toán nhằm đạt được mức đàm phán phù hợp.

Cụ thể, thông qua ý kiến của doanh nghiệp, các cơ quan đàm phán không chỉ được cung cấp thông tin đầy đủ về nhiều vấn đề khác nhau mà với mỗi vấn đề còn có quan điểm từ nhiều góc độ khác nhau.

Theo logic thông thường, ngành nào cũng muốn bảo vệ tối đa lợi ích của ngành mình với tất cả các lập luận, lý lẽ có thể và thông tin mà họ đưa ra phục vụ mục tiêu này về cơ bản mang tính chủ quan và bị ảnh hưởng bởi yếu tố lợi ích.

Vấn đề quan trọng là với sự tham gia phản biện của họ, cơ quan đàm phán có đầy đủ thông tin về tất cả các yếu tố liên quan để từ đó có tính toán hợp lý nhất có thể.

Nói cách khác, nếu không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hoặc có nhưng không đầy đủ (thiếu một số ngành nhất định), việc tính toán về điểm cân bằng lợi ích trong đàm phán cả gói của cơ quan đàm phán có thể bỏ qua những yếu tố quan trọng cần thiết để đạt được kết quả khách quan và phù hợp.

Ngoài ra, những cam kết xuất phát từ thông tin do doanh nghiệp, hiệp hội cung cấp cũng sẽ là cơ sở để đạt được một sự đồng thuận trong xã hội cho quá trình thực thi, một điều mà không phải khi nào cũng có được đối với những cam kết chỉ dựa trên ý chí chủ quan của các cơ quan nhà nước.

Về phía các doanh nghiệp, việc tham gia vào quá trình này là một cơ hội tốt để tiếng nói, lợi ích, đề xuất của các ngành được cơ quan đàm phán biết đến và tính đến trong quá trình hoạch định, đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế. Từ đó lợi ích của ngành có thể được hiểu rõ hơn và được bảo vệ trong quá trình mở cửa, hội nhập.

Tất nhiên, không phải mọi đề xuất của doanh nghiệp đều được chấp nhận (bởi điều này là không thể), tuy nhiên cơ hội để được trình bày bản thân nó đã là một lợi thế cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, và nếu lập luận thuyết phục và hợp lý, rất có thể đề xuất đó sẽ được tính đến trong quá trình đàm phán.

Ngoài ra, chính trong quá trình tập hợp thông tin, thảo luận trong ngành với nhau và với các đơn vị liên quan khác để có thể có ý kiến hợp lý với các cơ quan liên quan cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao kiến thức thương mại quốc tế, điều rất cần thiết cho quá trình kinh doanh của họ.

Hơn nữa, tham gia vào quá trình này, cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội rất tốt để được thông tin về các xu hướng đàm phán từ đó có thể chủ động trong việc hoạch định chính sách, phát triển kinh doanh cũng như bảo vệ lợi ích của mình trong quá trình hội nhập. Cũng bằng việc này, doanh nghiệp sẽ có sự chuẩn bị trước để không bị “sốc” trong quá trình thực thi các cam kết khi chúng có hiệu lực.

Trong mối quan hệ với quá trình tham gia xây dựng pháp luật trong nước của doanh nghiệp, việc góp ý và đưa đề xuất ngay từ giai đoạn hoạch định chính sách thương mại quốc tế sẽ giúp quá trình tương tự trong pháp luật trong nước có ý nghĩa và thực chất hơn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu biết rằng hiện tại pháp luật trong nước bị “chặn trên và dưới” bởi các cam kết quốc tế (đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ và thuế quan) theo nghĩa pháp luật trong nước phải đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại quốc tế đã có hiệu lực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới