Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đánh giá tác động môi trường nhà máy điện khí Bạc Liêu

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW đã chính thức được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm, đó là khi vận hành, mỗi năm nhà máy sẽ phát thải hơn 2.200 tấn khí NOx và gần 61 tấn chất thải nguy hại.

Dự án điện khó Bạc Liêu khi hoạt động phát sinh hơn 2.500 tấn CO2 mỗi năm. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Phụ lục "Các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án nhà máy điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Bạc Liêu" được Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành kèm theo quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án này cho thấy, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và hoạt động, dự án nêu trên phát sinh một lượng lớn khí thải và chất thải nguy hại.

Theo đó, thành phần chất ô nhiễm là Nox (tính theo NO2) có nồng độ khoảng 24,02 mg/Nm3 ở điều kiện chuẩn, tức điều kiện không khí khô và oxy dư là 15%. Tải lượng thải NOx của mỗi tổ máy khoảng 528 tấn/năm, tức khoảng 2.212 tấn/năm cho cả 4 tổ máy của dự án. Trong khi đó, phát sinh khí CO2 của nhà máy khoảng 2.532,4 tấn/năm (trường hợp đốt khí hoàn toàn).

Khối lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 60,8 tấn/năm chủ yếu từ hoạt động sản xuất của nhà máy. Trong khi đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 140 kg/ngày đêm; chất thải rắn công nghiệp, cặn rắn súc rửa lò thu hồi nhiệt định kỳ 1 lần/năm khoảng 0,3 tấn/lần/năm; cặn rắn và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của nhà máy có khối lượng phát sinh ước tính khoảng 0,1 tấn/ngày đêm.

Dự án nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu khi vận hành thử nghiệm và hoạt động sẽ xả nước làm mát ra biển qua tuyến hành lang kỹ thuật số 2 với lưu lượng khoảng 1,2 m3/s của nước xả đáy tháp làm mát.

Ngoài ra, dự án có lượng nước thải sinh hoạt phát sinh với lưu lượng khoảng 47,88 m3/ngày đêm. Dự án cũng gây ra tác động môi trường bởi tiếng ồn và độ rung từ hoạt động sản xuất của nhà máy (động cơ, máy phát, tuabin trong nhà máy).

Trong khi đó, ở giai đoạn chuẩn bị và xây dựng dự án cũng tạo ra các tác động môi trường và chất thải phát sinh, bao gồm bụi phát sinh do hoạt động bóc dỡ lớp thực vật che phủ, đào, đắp, san gạt mặt bằng.

Bụi và khí thải phát sinh từ hoạt động vận chuyển vật liệu san nền, vật liệu xây dựng; hoạt động của các thiết bị, máy móc thi công xây dựng các hạng mục công trình.

Nước thải sinh hoạt: lưu lượng khoảng 270 m3/ngày đêm, chủ yếu phát sinh từ hoạt động của cán bộ, công nhân và người lao động.

Nước thải xây dựng: lưu lượng khoảng 30 m3/ngày đêm, chủ yếu phát sinh từ các hố móng, khoan, quá trình trộn bê tông và các công việc khác.

Nước thải nhiễm dầu: lưu lượng khoảng 10 m3/ngày đêm, chủ yếu phát sinh từ gara, cảng, khu vực vệ sinh thiết bị xây dựng, đào móng...

Nước thải từ quá trình sục rửa đường ống dẫn khí: lưu lượng khoảng 8.000 m3/1 tổ máy (tức khoảng 32.000 m3 cho cả nhà máy- PV), chủ yếu phát sinh từ đường ống dẫn khí từ kho cảng đầu mối vào bờ, các hệ thống ống của tuabin và lò thu hồi nhiệt cho toàn bộ quá trình làm sạch thiết bị trước khi đi vào vận hành.

Chất thải rắn thông thường: khối lượng khoảng 23,5 tấn/ngày đêm (khoảng 1,25 tấn/ngày đêm chất thải rắn sinh hoạt và khoảng 22,22 tấn/ngày đêm chất thải rắn công nghiệp), chủ yếu phát sinh từ hoạt động san gạt mặt bằng, thi công xây dựng và hoạt động của nhân viên.

Đất hữu cơ và vật liệu thải bỏ: khối lượng khoảng 450.000 m3, bao gồm khoảng 119.500 m3 đất hữu cơ, chủ yếu phát sinh trong quá trình phá dỡ các công trình trên đất, lượng chất thải rắn xây dựng.

Lượng sinh khối bị phá bỏ của thảm thực vật rừng ngập mặn và cây mọc dại dọc hành lang mương rạch: khối lượng khoảng 141,5 m3.

Chuyển đổi 2,53 héc ta diện tích đất rừng phòng hộ sang mục đích khác.

Chất thải nguy hại: khối lượng khoảng 7 kg/ngày đêm và 162 lít/3 tháng như dầu mỡ thải, chủ yếu phát sinh từ thiết bị và phương tiện thi công xây dựng.

Tiếng ồn và độ rung phát sinh chủ yếu từ hoạt động của các máy móc thiết bị trên công trường xây dựng.

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Bạc Liêu được xây dựng tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd của Singapore (DOE) là chủ đầu tư.

Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu được DOE thành lập để thực hiện dự án điện khí nêu trên. Ông Đỗ Bá Cảnh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc công ty này và là người đại diện pháp luật.

Dự án nhà máy điện khí LNG có công suất 3.200 MW, bao gồm 4 tổ máy có công suất khoảng 800 MW/tổ máy, với tổng vốn đầu tư khoảng 93.600 tỉ đồng (khoảng 4 tỉ đô la Mỹ).

Theo tìm hiểu của KTSG Online, NOx là tên gọi chung của nhóm khí thải oxit nitơ được hình thành từ quá trình đốt khí N2. Đây là một trong những loại khí thải cực độc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. NOx là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính và mưa axit.Trong khi đó, khí CO2, tức khí Cacbon đioxit là loại khí gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên, gây ảnh hưởng đến đời sống con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới