Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đánh giá và kiểm soát một cách khoa học về việc sử dụng Ethylene Oxide

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên quan đến việc các sản phẩm mì gói ăn liền xuất khẩu của Việt Nam vừa bị một số nước của Liên minh châu Âu (EU) thu hồi do có chứa Ethylene Oxide, vi phạm chỉ thị số 91/414/EEC của EU, thiết nghĩ cần phải có sự đánh giá và kiểm soát việc sử dụng Ethylene Oxide dựa trên cơ sở khoa học, để từ đó có những tiêu chuẩn phù hợp cùng sự nhìn nhận khách quan về việc sử dụng chất này trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm.

Nói Ethylene Oxide là chất cấm, thuốc trừ sâu là hoàn toàn không chính xác

Có thể nhiều người không để ý tới Ethylene Oxide, nhưng nó được sử dụng khá rộng rãi trong khử khuẩn thực phẩm, dệt may, thuốc. Ngay như chiếc khẩu trang chúng ta sử dụng hàng ngày, ngay bao bì bên ngoài, có thể đọc được dòng chữ khử khuẩn bằng Ethylene Oxide. Trong thuốc trừ sâu cũng có chứa một lượng Ethylene Oxide, nhưng như thế không có nghĩa Ethylene Oxide là thuốc trừ sâu. Như vậy, việc nói Ethylene Oxide là chất cấm là hoàn toàn không chính xác. Bởi nếu là chất cấm thì người ta đã không quy định mức tồn dư tối đa, tức mặc định cho phép sử dụng nhưng phải tuân theo định mức.

Bởi có tính khử khuẩn nên Ethylen Oxide có khả năng khử khuẩn salmonella (gây tiêu chảy, thương hàn) tuyệt hảo, nên được dùng diệt khuẩn trong các loại gia vị như bột tiêu, bột nghệ, các gói gia vị hỗn hợp… hoặc các loại bánh có hạt. Do vậy, một số sản phẩm mì ăn liền của các công ty tại Việt Nam hay kể cả sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… xuất khẩu đi châu Âu bị cảnh báo có Ethylene Oxide, bị buộc thu hồi có khả năng "là tồn dư trong nguyên liệu có nguồn gốc từ nông sản" vì như đã nói, Ethylene Oxide dùng diệt khuẩn, nấm mốc trong các loại gia vị, rau củ.

Theo ghi nhận của người viết, trong quy trình sản xuất mì ăn liền, có một bước rất quan trọng là công đoạn chiên để làm khô sợi mì và chiên bằng dầu thì nhiệt độ sẽ tăng lên hơn 150 độ C, làm các vi sinh vật, nấm... đều bị tiêu diệt. Do đó, doanh nghiệp không cần thiết phải sử dụng chất Ethylene Oxide vào việc khử khuẩn.

Trong quy trình sản xuất mì ăn liền có một bước quan trọng là chiên để làm khô các sợi mì, với nhiệt độ cao, tất cả các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm… đều bị tiêu diệt nên không có lý do gì để dùng Ethylene Oxide vào quy trình khử khuẩn.

Quy định về hàm lượng và cho phép sử dụng chất Ethylene Oxide khác nhau

Hiện nay, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng Ethylene Oxide trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với cơ sở và ngưỡng giới hạn có sự chênh lệch lớn.

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều thực phẩm có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, kể cả sản xuất tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất EO vượt quá giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm theo quy định của EU.

Đến thời điểm này, theo dữ liệu của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF), các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).

Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao....

Nhưng, quy định về dư lượng EO trong thực phẩm trên thế giới rất khác nhau. Bộ Công Thương cho biết, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp,thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm.

Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.

Đơn cử, tại EU, tùy tùy loại thực phẩm/phụ gia mà giới hạn nằm trong khoảng 0,02 – 0,2 mg/kg (tổng hàm lượng EO và 2-chloroethanol). Mỹ quy định trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng: 7 mg/kg đối với EO; 940 mg/kg đối với 2-chloroethanol. Canada quy định rong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng: 7 mg/kg đối với EO; 940 mg/kg đối với 2-chloroethanol. Còn Qàn Quốc giới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg đối với thực phẩm cho trẻ sơ sinh.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia tại châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc,… trong đó Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm.

Việc mỗi quốc gia, khu vực đưa ra quy định khác nhau phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia, khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Vì vậy, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác nên "thu hồi ở quốc gia này không có nghĩa là không được sử dụng ở quốc gia khác chiếu theo tỷ lệ hàm lượng mà từng nước quy định”.

Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.

Cập nhật quy định mới từ thị trường, kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu

Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cẩn kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng, thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công, sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro, đồng thời, doanh nghiệp cần làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy.

Trên cơ sở đó, theo quan điểm cá nhân người viết, việc cho rằng sử dụng thực phẩm có chứa hàm lượng nhỏ chất này sẽ gây ra ung thư như nhiều người vẫn lầm tưởng là không đúng. Bởi, theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nếu người tiêu dùng ăn mì sống, thì trung bình một người phải ăn 5 gói/ngày trong suốt cả cuộc đời, thì trong 1 triệu người sẽ có 10 người bị ung thư.

Như vậy, từ quan điểm cá nhân tôi cho rằng, việc đồng nhất EO với thuốc trừ sâu, chất cấm rồi nhấn mạnh vào chuyện gây ung thư là chưa đầy đủ cơ sở. Người dân cần bình tĩnh, nhận định thông tin rõ ràng, chính xác để yên tâm sử dụng sản phẩm, tránh thêm sự lo lắng không cần thiết, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Do đó, với những trường hợp vừa phát sinh của Công ty cổ phần Acecook hay của Công ty cổ phần Thiên Hương, theo tôi nghĩ các doanh nghiệp cần kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, cũng như luôn cập nhật mọi thông tin, quy định mới từ thị trường các nước châu Âu trước khi sản xuất để việc xuất khẩu không xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên, vì đây là thị trường rất khắt khe, luôn có những quy định mới, đòi hỏi nhà sản xuất phải nắm bắt kịp thời.

Trong giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng trên toàn mặt của xã hội, nhất là về kinh tế, các doanh nghiệp đang phải gồng mình sản xuất để vừa cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân, vừa thực hiện "3 tại chỗ", đảm bảo an toàn và điều kiện ăn ở cho công nhân. Sự nhìn nhận không khách quan, không khoa học về sản phẩm có thể tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, và trong lúc này, doanh nghiệp đang cần an tâm để nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch bệnh để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới