Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dấu hiệu sản xuất phục hồi nhẹ với chỉ số thu mua vượt trên mức cân bằng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau nhiều tháng liên tục ở mức dưới trung bình, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam bước sang tháng 8-2023 của S&P Global khảo sát đã lên trên ngưỡng 50 điểm (thang điểm từ 0 đến 100), cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện phần nào.

Cuộc khảo sát nói trên của S&P Global cũng có dữ liệu trùng hợp với thông tin mà một số doanh nghiệp sản xuất đã chia sẻ với KTSG Online gần đây khi cho rằng đơn hàng xuất khẩu dần quay trở lại.

Cuộc khảo sát của S&P Global trong tháng 8-2023 cho thấy đã có một số dấu hiệu phục hồi về đơn đặt hàng lẫn sản lượng của các nhà sản xuất Việt Nam. Ảnh minh họa: L.Vũ

Ngày 5-9, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 8-2023 với 3 điểm nhấn nổi bật: sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại; việc làm tiếp tục giảm nhẹ và chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng. PMI được xem là chỉ số đo lường sức khỏe của nền kinh tế trong ngành sản xuất và dịch vụ, được xác định dựa trên 5 lĩnh vực khảo sát chính bao gồm đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng của nhà cung cấp và việc làm.

Báo cáo của S&P Global cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 8 vừa qua khi một số dấu hiệu phục hồi của nhu cầu đã giúp cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.

Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm lần đầu trong sáu tháng liên tục bị sụt giảm. Với kết quả 50,5, tăng so với mức 48,7 của tháng 7, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ.

Theo báo cáo của S&P Global, sự phục hồi trở lại của "sức khỏe" ngành sản xuất đã phản ánh những dấu hiệu cải thiện của nhu cầu. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong sáu tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng theo S&P Global chỉ là nhẹ. Sự phục hồi của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới là đáng kể nhất trong lĩnh vực hàng hóa đầu tư cơ bản.

Trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản xuất tăng, các công ty đã tăng mạnh hoạt động mua hàng. Đây là lần tăng đầu tiên trong 6 tháng và là mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9-2022. Từ đó, tồn kho hàng mua cũng tăng, đánh dấu lần tăng tháng thứ hai liên tiếp.

Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra, việc làm tiếp tục giảm phản ánh năng lực sản xuất trong ngành không được dùng hết, và lượng công việc tồn đọng đã giảm tháng thứ tám liên tiếp. Các công ty cũng ghi nhận tồn kho hàng thành phẩm tăng tháng thứ hai liên tiếp khi có một số báo cáo cho thấy nhu cầu yếu đã khiến hàng hóa thành phẩm chưa bán được.

Dữ liệu của tháng 8 cho thấy giá cả đầu vào tăng mạnh, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài ba tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân tăng chi phí đầu vào là do giá dầu tăng, trong khi giá thực phẩm tăng cũng được nhắc đến. Từ đó, các công ty cũng tăng giá bán hàng, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ. Đây là lần tăng giá đầu ra đầu tiên kể từ tháng 3.

Theo S&P Global, sự cải thiện tạm thời của nhu cầu thị trường đã giúp nâng cao niềm tin kinh doanh vào giữa quí 3-2023 khi các công ty hy vọng sự phục hồi sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Mức độ lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới là cao nhất trong 5 tháng, nhưng vẫn nằm dưới mức trung bình của chỉ số khi tiếp tục có những quan ngại về lực cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới