Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu năm bàn chuyện quà cáp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu năm bàn chuyện quà cáp

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Vào thời chúng tôi học lớp Nhì bậc tiểu học (tức lớp Bốn ngày nay), chiến tranh ở miền Trung diễn ra ác liệt. Hàng ngày đi bộ đến trường, chúng tôi gặp từng đoàn xe chở lính Mỹ và hàng hóa chạy xuôi ngược trên đường. Không biết những từ như “hello”, “ok”, “chap-chap” từ đâu đến, nhưng cứ thấy lính Mỹ trên xe chúng tôi thường hét lên những từ này và đưa tay vẫy.

Mỗi lần như thế lính Mỹ vứt xuống đường khi thì đồ hộp, khẩu phần ăn sáng đựng trong túi, thậm chí cả bao thuốc lá, gói kẹo cao su đang dùng dở dang. Theo lẽ tự nhiên, chúng tôi tranh nhau nhặt mang về nhà, hoặc giấu trong cặp, nếu trên đường đến trường.

Chuyện xì xào, nhỏ to lộ ra trong lớp. Cô giáo chủ nhiệm họp lớp và yêu cầu từng người tự giác thú nhận hành vi của mình. Từng cánh tay lần lượt giơ lên. Không khí trong lớp ngột ngạt. Cô giáo từ tốn nói: “Từ nay trở về sau, khi ra đường các em không được làm thế. Vì các em xin nên người ta mới cho. Nhưng nhìn cảnh các em giành giật nhau đồ ăn đâu có khác gì loài súc vật? Nhỡ họ chụp hình rồi đưa về Mỹ, các em nghĩ thế nào? Còn gì là thể diện của người Việt Nam?”.

Thú thiệt, hồi đó còn quá nhỏ, chúng tôi chưa hiểu gì về lòng tự trọng dân tộc như cô giáo đã nói, nhưng vì sợ điểm xấu, chúng tôi đành từ bỏ kiểu xin xỏ “bụi đời” ấy.

Câu chuyện này đã ăn sâu vào ý thức của tôi nhiều năm tháng qua. Nó như thứ vũ khí bí mật hay còn được giới kiếm hiệp võ lâm gọi là “bửu bối” giữ cho tôi duy trì được sự cân bằng trong quan hệ xã hội đầy rẫy cơ chế xin cho ngày nay.

Quả thật, sẽ là ảo tưởng hoặc duy ý chí nếu chúng ta từ bỏ tập tục tặng quà đã tồn tại hàng ngàn năm và đã trở thành một truyền thống văn hóa. Thay vào đó, chúng ta hãy tìm cách sử dụng tập quán này như một công cụ quản lý để làm cho đời sống tinh thần và vật chất của mọi thành viên trong xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Ông bà mình hay nói: “Miếng trầu làm đầu câu chuyện”, ám chỉ rằng, hãy tặng chút quà mọn để cho công việc được dễ dàng. Các cơ quan ngoại giao thường đặt làm những món quà nhỏ của nước mình để nhân viên gửi đến những người đã giúp đỡ họ làm tốt công tác trong một năm qua, thay cho lời cảm ơn. Mức tặng quà theo thứ tự cấp bậc nhưng không vượt quá một mức đã được tập thể lãnh đạo quy định trước.

Cách làm này rất hay, vừa duy trì tính minh bạch bên trong tổ chức, vừa tiếp thị được sản phẩm của quốc gia đến những người có uy tín và ảnh hưởng trên thị trường nước ngoài. Quả vậy, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu sau khi dùng thử chai rượu vang quà biếu của cơ quan ngoại giao nọ đã liên hệ lần ra cho bằng được xuất xứ của sản phẩm. Ông cho biết, không chỉ nhập mặt hàng này vì hợp gu thưởng thức rượu của mình mà còn giới thiệu sản phẩm ưa chuộng cho cả thị trường tiêu dùng.

Thời gian qua có một số công ty kinh doanh sử dụng sản phẩm do chính đơn vị sản xuất làm quà biếu vào dịp lễ, Tết. Cách làm này có tác dụng vừa giới thiệu sản phẩm, vừa thu phục cảm tình của khách hàng. Chị T. cho biết, trước đây gia đình chị ít sử dụng đồ hộp. Từ khi chồng chị mang các hộp cá ngừ ngâm dầu do một xí nghiệp chế biến đồ hộp ngoài Bắc tặng về dùng, cả nhà bắt đầu ghiền món xà lách trộn cá ngừ. Bây giờ, hầu như tháng nào gia đình chị cũng mua sản phẩm của công ty đó. Chị mua sản phẩm này không chỉ vì ngon, giá vừa phải, mà còn vì quý tình cảm của công ty đó dành cho ông xã mình.

Tặng quà vào những ngày lễ, Tết, theo truyền thống văn hóa Á Đông còn là dịp để đền ơn đáp nghĩa. Anh H. là giám đốc chi nhánh ngân hàng ở một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Anh cho biết năm nay mặc dù tình hình kinh doanh khó khăn, anh đã tìm mọi cách để duy trì việc tặng quà cho những ân nhân của chi nhánh ngân hàng trong dịp Tết.

Anh tâm sự, mỗi năm danh sách tặng quà của anh dài thêm ra vì do quá trình công tác khá lâu năm, những cán bộ cao niên lần lượt về hưu. Tuy đã nghỉ, nhưng họ là những người có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh ngân hàng do anh quản lý. Anh cho biết, các cán bộ kỳ cựu khi về nghỉ thường “quy hoạch” một số cán bộ trẻ để kế tục. Những người này có thể là con cháu, đồng hương, nhưng cũng thường là những người qua công tác, được tin tưởng giao trách nhiệm kế tục sự nghiệp kinh doanh. Vì thế, tiếng nói của những cán bộ về hưu này rất có trọng lượng.

Duy trì quan hệ tốt với cán bộ kỳ cựu, như thế, làm cho cả hai thế hệ cán bộ đều đồng thuận hỗ trợ cho hoạt động của chi nhánh. Anh H. còn cho biết, mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh ở các địa phương, việc tặng quà còn tạo ra uy tín lớn hơn cho chi nhánh trước cộng đồng xã hội.

Ngẫm lại mới hiểu hết ý “Của cho không bằng cách cho”. Chuyện quà cáp luôn có hai mặt phải trái. Trong cuộc sống hiện tại, để giữ gìn uy tín và không đánh mất bản thân trước nạn quà cáp biếu xén, ví dụ về giữ gìn lòng tự trọng của dân tộc cũng là một bài học đáng nhớ. Xin cảm ơn bài học của cô giáo tôi thời niên thiếu.

VÕ ĐẮC KHÔI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới