Đầu tư và sáp nhập sẽ làm thay đổi bộ mặt viễn thông
Tuyết Ân
![]() |
S-Fone đang cần một nhà đầu tư có khát vọng để tăng cường khả năng cạnh tranh. Ảnh: Thu Hiền. |
(TBVTSG) - Việc mua bán sáp nhập các mạng di động đã được khởi động từ năm 2010, cùng với việc ngành viễn thông trong nước đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là những “điểm sáng” của ngành này. Thị trường chưa có nhiều biến động nhưng dự báo những “đòn bẩy” về dài hạn.
Ai sẽ tham gia sở hữu S-Fone?
Trong ba nhà đầu tư đang nhắm vào mạng S-Fone có đến hai doanh nghiệp trong nước. Một trong số đó, theo một nguồn tin không chính thức của TBVTSG, là tập đoàn Saigon Invest (SGI), có khả năng tham gia phát triển mạng S-Fone theo hình thức đầu tư vào Saigon Postel (SPT) – công ty đang sở hữu một trong bảy mạng điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay. Chưa có bên nào chính thức xác nhận thông tin này, tuy nhiên SPT cho biết mức tối đa mà đối tác tham gia vào SPT là 40% giá trị công ty. Dự kiến cuối tháng Giêng, thương vụ này sẽ hoàn tất. Cho dù SGI hay đối tác nào tham gia vào SPT thì đó phải là nhà đầu tư thực sự có khát vọng, bởi thị trường này đang cạnh tranh khốc liệt và không còn dễ ăn như cách đây nhiều năm.
Nhìn vào cuộc “mua bán” giữa FPT và EVN Telecom, cho thấy kỳ vọng của FPT là khá mãnh liệt bởi sau khi phát triển hầu hết các dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông, từ phần mềm, gia công, Internet, điện thoại cố định cho đến thương mại điện tử... hạ tầng di động là mảng quan trọng còn lại để FPT nhắm vào.
Khi các “phi vụ” mua bán này hoàn tất thì cục diện ngành viễn thông Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi về mặt thị trường và tính cạnh tranh. Khát vọng của các đối tác mới hứa hẹn một cuộc chơi hấp dẫn. Các nhà đầu tư “chung lưng đấu cật” bằng khả năng tài chính, năng lực thị trường và công nghệ cùng với nhiều yếu tố khác. Thực tế thị trường cho thấy các nhà đầu tư viễn thông thành công là những tập đoàn hàng đầu về công nghệ và am hiểu thị trường địa phương.
Thị trường viễn thông Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận, do vậy xu hướng sáp nhập hay hợp tác chắc chắn sẽ xảy ra. Ngành viễn thông đã chứng tỏ được một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, mà ở đó doanh nghiệp yếu sẽ bị thâu tóm hoặc buộc phải cộng hưởng với đối tác để phát triển. |
Thị trường viễn thông Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận, do vậy xu hướng sáp nhập hay hợp tác chắc chắn sẽ xảy ra. Đây là một phần tất yếu đã được các chuyên gia dự báo từ khá sớm. Trước đây, mảng viễn thông còn chịu sự chi phối về mặt quản lý nhà nước chứ không hoàn toàn tuân theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, đến giai đoạn này ngành viễn thông đã chứng tỏ được một thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, mà ở đó doanh nghiệp yếu sẽ bị thâu tóm hoặc buộc phải cộng hưởng với đối tác để phát triển. Cho dù thị trường “xương xẩu” nhưng theo các chuyên gia, nhìn dưới góc độ nào thì hạ tầng viễn thông và tần số vẫn là mảnh đất màu mỡ làm nền tảng khai phá thị trường công nghệ rộng lớn hơn rất nhiều chứ không chỉ riêng các thuê bao di động.
Cho đến nay, tổng tỷ lệ cổ phần của FPT và công ty con FPT Telecom tại EVN Telecom vẫn chưa được công bố chính thức; tuy nhiên chắc chắn một điều họ phải đạt được tỷ lệ trên 50% mới có đủ quyền chi phối và tập trung phát triển mạng này vốn èo uột trong nhiều năm qua. Nắm được hạ tầng mạng, FPT sẽ nắm thế chủ động khai thác thị trường thay vì thực hiện mạng ảo hay chờ LTE trở thành hiện thực.
Về cục diện thị trường, dù đi sau trong cuộc chơi viễn thông di động nhưng FPT vẫn được xem sẽ là đối thủ đáng gờm cho cả Viettel lẫn VNPT, vì họ đang có lợi thế về năng lực và cả cộng đồng trong các mảng thị trường khác cùng với kinh nghiệm dày dạn ở thị trường trong nước, năng lực tài chính và nhiều lợi thế cộng hưởng khác. Điều nhà đầu tư muốn là nắm giữ hạ tầng để chủ động phát triển đa lĩnh vực. FPT đưa ra chiến lược cho năm 2011 mà một trong ba mảng quan trọng là phát triển hạ tầng viễn thông; các dịch vụ di động và điện toán đám mây. Như vậy tần số và hạ tầng đang là “xa lộ” để chạy hầu hết các mảng dịch vụ công nghệ trong cuộc cạnh tranh vị trí hàng đầu trên thị trường hiện nay.
Bộ mặt viễn thông Việt Nam ở nước ngoài
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ đầu tư vào Mozambique thông qua Movitel, liên doanh giữa Viettel, SPI và Invespar của Mozambique. Viettel trở thành hãng viễn thông thứ ba nhận giấy phép viễn thông tại nước này sau khi trúng giấy phép với mức thầu 28,2 triệu đô-la Mỹ. Liên doanh Movitel sẽ đầu tư 400 triệu đô-la Mỹ để xây dựng hạ tầng mạng lưới và dự kiến sẽ khai trương dịch vụ sau một năm nhận được giấy phép với mục tiêu trở thành một trong các nhà khai thác dịch vụ di động lớn nhất tại Mozambique.
Đây là thị trường thứ tư mà Viettel đầu tư ra nước ngoài, sau Campuchia, Lào và Haiti. Mạng lưới tại Haiti vừa kết nối thành công vào tháng trước, trong khi doanh thu tại hai thị trường Campuchia và Lào vượt mức 220 triệu đô-la Mỹ trong năm 2010. Viettel đã nhanh chóng phủ mạng 3G ở hai thị trường này nhằm tận dụng lợi thế hạ tầng liên thông với Việt Nam để phát triển khách hàng khi thực hiện chuyển vùng đến những quốc gia mà Viettel đầu tư. Cả bốn thị trường này có hơn 60 triệu dân, Viettel cũng đang kỳ vọng sẽ khai thác các thị trường khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh để có được thị trường khoảng 100 triệu khách hàng. Quy luật của thị trường dịch vụ công nghệ là ai nắm số đông cộng đồng, người đó sẽ chiến thắng. Với cộng đồng lớn trong và ngoài nước, Viettel đang nắm nhiều thế mạnh trong mảng viễn thông và dịch vụ gia tăng trong tương lai.
Năm qua cũng đánh dấu sự thành công của Viettel ở một lĩnh vực mới là sản xuất thiết bị viễn thông mang thương hiệu Viettel về máy điện thoại cố định không dây, điện thoại chuyên dụng dành cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ, thiết bị USB, modem ADSL kết nối cho ngành giáo dục và từng bước thành công với một số máy thông tin quân sự phục vụ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Đó là một trong những nỗ lực bước đầu của doanh nghiệp này để đi vào chiều sâu về nghiên cứu và phát triển, một yếu tố tất yếu trong thị trường dài hạn.
Sự thành công của Viettel ở thị trường viễn thông trong nước và Đông Dương đang tạo nên những kỳ vọng cho ngành viễn thông Việt Nam. “Thành công lớn nhất mà chúng tôi rất tự hào là đưa được thương hiệu viễn thông Việt Nam đến với quốc tế”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh.