(KTSG XUÂN) - Năm cũ đi qua, mở ra năm mới. Cần nhìn lại, soát xét những gì đã làm được, chưa làm được để định hình cách thức đi tiếp. Dấu ấn đậm nét nhất của năm cũ chính là “cơn bão” mang tên Covid-19 quét qua, làm đảo lộn nhiều thứ. Nó cũng làm lộ rõ điểm yếu liên kết vùng trong nhiều năm qua, đã được nhận diện rõ hơn, nhưng thực tiễn thì đang thúc bách hơn…
Trước “bão”, tàu đi đúng hướng
Kết thúc năm 2021 cũng đánh dấu bốn năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tầm nhìn dài hạn, cách tiếp cận tổng hợp, tư duy kiến tạo, thích ứng thuận theo tự nhiên, yêu cầu phải chuyển đổi mô hình phát triển vùng, định hướng bố trí không gian, huy động nguồn lực, tăng cường liên kết vùng và liên vùng với TPHCM đã được định hình và thực thi.
Kết quả triển khai thực hiện nghị quyết cho thấy “con tàu” phát triển vùng đang đi đúng hướng. Các quyết sách tiếp theo của Quốc hội, Chính phủ về ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động vốn đầu tư và các cơ chế chính sách đột phá phát triển vùng; sự cam kết mạnh mẽ các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương về tăng cường liên kết đang tiếp tục tạo ra kỳ vọng mới.
Đại dịch Covid-19 ập đến, toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng nông nghiệp vẫn là trụ đỡ, hệ đệm của nền kinh tế cả nước và ĐBSCL xuất hiện các điểm sáng. Bức tranh giao thông vùng cũng tạo ra được các dấu son với hệ thống đường dọc, trục ngang, các cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư và đang được kỳ vọng “bứt tốc” thoát khỏi “vùng trũng” trong thời gian tới.
Đã đến lúc không cần nêu lại tiềm năng, thế mạnh, thách thức sống còn của vùng này, sự cần thiết phải tăng cường liên kết vùng, liên vùng nữa, mà quan trọng hơn là kiểm đếm cái gì làm được, chưa được, nguyên nhân và điểm nghẽn để có giải pháp, quyết sách cho thời gian tới. Bằng cách nào, bố trí không gian phát triển ở đâu, phân bổ nguồn lực như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai để phát triển đồng bằng đạt được mục tiêu đã định?
Điểm nghẽn ở đâu?
Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu trong liên kết vùng. Lẽ ra trong những hoàn cảnh khó khăn thì các địa phương càng phải đoàn kết, chung tay để cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhưng thực tế lại xảy ra tình trạng mỗi tỉnh làm một kiểu, chẳng những không giúp được nhau mà còn khiến cho khó càng thêm khó.
Nhà nước bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo; doanh nghiệp hành động; người dân hưởng ứng là cần thiết. Phía sau “cơn bão” Covid-19 không thể mãi là những điểm yếu của liên kết vùng càng lộ ra mà nó cần được xem là trở ngại buộc phải vượt qua.
Yêu cầu giao thông là kết nối, thông suốt mang tính liên ngành, liên vùng và quốc gia, không thể bị tắc nghẽn bởi ranh giới quản lý hành chính riêng của mỗi tỉnh. Trong lúc đại dịch xảy ra, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh, nguyên liệu dùng cho sản xuất càng bức thiết, thì lại bị nghẽn mạch bởi cách làm không giống ai của một số địa phương bằng các loại “giấy phép con”, nghe đã bất hợp lý nhưng vẫn tồn tại như buộc xếp dỡ hàng hóa cồng kềnh sang xe, tìm đổi tài xế khi “quá cảnh” qua địa phương.
Sự lúng túng, chuệch choạc của các cơ quan quản lý trước thực tiễn chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19 cần được cảm thông, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông chính là biểu hiện của căn bệnh kỷ cương không nghiêm, cách làm tùy tiện, quản lý yếu kém và thiếu liên kết, phối hợp cần được dẹp bỏ.
Phát triển vùng ĐBSCL vẫn trong điều kiện các nguồn lực phân tán, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều bất cập nên đang gặp phải các điểm nghẽn cần được tháo bỏ. Trong đó nổi lên ba điểm nghẽn là thiếu vốn đầu tư, thiếu sản phẩm quy hoạch tích hợp và chưa vận hành được một cơ chế điều phối phát triển vùng, liên vùng một cách hiệu quả.
Những tồn tại, vướng mắc do chồng chéo, níu kéo nhau của hơn 2.500 bản quy hoạch ngành và địa phương trong vùng đang tạo ra sự chia cắt. Quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch ngành, địa phương chưa đồng bộ, tính khả thi chưa cao, thiếu tính liên kết toàn vùng, chưa gắn kết chặt chẽ với TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiểu vùng sông Mêkông. Thiếu các sản phẩm quy hoạch tích hợp, bài bản đang cản trở các dòng vốn đầu tư. Trong khi đó, việc phân bổ vốn ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư liên kết vùng đòi hỏi phải vượt ra ngoài không gian hành chính tỉnh và nội bộ một ngành vẫn đang bị vướng mắc bởi nhiều quy định của Luật Ngân sách, Luật Ðầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Cho đến nay, vẫn chưa thể chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án thực hiện nhiệm vụ liên kết vùng ĐBSCL và các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và tiểu vùng ven biển phía Đông. Trong khi yêu cầu thu hút các nguồn vốn khác cho các chương trình, dự án liên kết vùng theo hình thức hợp tác công - tư đang rất cần những cơ chế, chính sách mới. Nếu không có cơ chế đầu tư - tài chính đặc biệt trong thời gian tới, thì mục tiêu huy động và bố trí vốn đầu tư cho liên kết vùng vẫn khó thoát ra ngoài “chiếc áo cũ”.
Cơ chế vượt trội, hành động đột phá
Năm 2022 đang mở ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra các quyết sách mới phục hồi và tăng tốc sau đại dịch. Các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL và TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước cũng sẽ vận hành các kịch bản phục hồi kinh tế và thích ứng trong điều kiện bình thường mới, càng đặt ra yêu cầu cao hơn về tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên vùng.
Trước tiên cần phải định rõ lộ trình từ nay đến kết thúc kỳ Kế hoạch 5 (2021-2025) và tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, chúng ta đang ở thời điểm tái cấu trúc, định hình lại cách thức phát triển, tính toán nguồn lực quốc gia để huy động, chuẩn bị các kịch bản phát triển sau đại dịch Covid-19. Cùng với định hướng huy động, bố trí nguồn lực, cần xác định rõ đâu là nhiệm vụ trọng tâm, địa chỉ chịu trách nhiệm từng đầu việc, thời hạn hoàn thành, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Theo đó, cần ưu tiên tập trung ba nhóm giải pháp vượt điểm nghẽn, tạo chuyển biến.
Một là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng. Tiếp tục xây dựng, bổ sung cơ chế phối hợp, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả của Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120. Tổ chức rà soát, đánh giá, tổng kết cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế liên kết hiệu quả các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng giữa sông Tiền, sông Hậu và ven biển phía Đông.
Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL dưới sự chỉ đạo của một phó thủ tướng, sự tham gia của các bộ, ngành, các tỉnh, thành trong vùng và TPHCM đã được thành lập, cần có thực quyền hơn và tập trung vào ba lĩnh vực then chốt là điều phối quy hoạch; quản lý, sử dụng tài nguyên nước; và quyết định các dự án đầu tư có tính liên kết vùng theo quy mô, tính chất dự án.
Phục vụ cho hoạt động điều phối hiệu quả, cần cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản để cập nhật đầy đủ các thông tin, dữ liệu toàn vùng, phục vụ công tác quy hoạch không gian lãnh thổ, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng. Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế điều phối và vận hành trung tâm thông tin dữ liệu vùng để bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời cho việc ra quyết định của hội đồng điều phối vùng và chính quyền địa phương.
Hai là, tổ chức huy động nguồn lực. Xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác. Cần thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, vốn ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân là điều kiện cần để giải quyết điểm nghẽn vốn đầu tư. Xây dựng Chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực trung ương, địa phương, ODA, FDI với cam kết một khoản vốn trong số 2 tỉ đô la Mỹ tăng thêm so giai đoạn 2016-2020.
Ba là, đầu tư và phát triển hạ tầng theo quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các “điểm nghẽn” phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với quy hoạch vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.
Để đạt được yêu cầu đó, phải huy động vốn đầu tư toàn xã hội, sức lực, trí tuệ của các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền các cấp, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của người dân. Nhà nước bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng là cần thiết. Phía sau “cơn bão” Covid-19 không thể mãi là những điểm yếu của liên kết vùng càng lộ ra mà nó cần được xem là trở ngại buộc phải vượt qua.