(KTSG Online - Lũy kế kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh, ngành lâm nghiệp và các địa phương trồng được gần 770 triệu cây, tương đương 77% kế hoạch, theo số liệu của Cục Lâm nghiệp.
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng nguồn vốn huy động để thực hiện đề án trong 3 năm (2021-2023) đạt gần 9.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm gần 24%, còn lại vốn là ODA, xã hội hoá và các nguồn vốn khác.
Nhờ vậy mà năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 42%, diện tích rừng có chứng chỉ ước đạt 465.000 hecta. Năm 2023, Việt Nam chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn cacbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 đô la Mỹ/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu đô la Mỹ (gần 1.200 tỉ đồng). Theo Cục Lâm nghiệp, đây là nguồn tài chính quan trọng, bền vững để đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển rừng.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024 - 2025, ngành lâm nghiệp và địa phương trồng mới thêm hơn 492 triệu cây xanh tại nhiều nơi khác nhau. Dù có kế hoạch là vậy nhưng theo Cục Lâm nghiệp, nhiều địa phương gặp khó khăn vì quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp. Nguyên nhân là do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng cây rừng. Cùng với đó, các địa phương có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất, mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn sản xuất.
Ngày 1-4-2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, trong đó trồng 690 triệu cây ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng.
Có hai cách bảo vệ rừng. Một là, chấm dứt ngay việc tàn phá rừng tự nhiên. Hai là, trồng mới rừng trên diện tích đã bị tàn phá. Cả hai việc này đều khó. Mặc dù đã có lệnh của thủ tướng về “đóng cửa rừng”, nhưng rừng vẫn cứ “mở tan hoang”. Hai là, rừng trồng mới phần lớn là loại ngắn ngày, dễ khai thác làm nguyên liệu, rốt cuộc có trồng cũng như không. Như vậy, chủ trương bảo vệ và phát triển rừng, mới chỉ dừng lại trên giấy mà thôi.