Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Đế chế ô tô’ của Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tập đoàn ô tô đa quốc gia Geely của Trung Quốc đang âm thầm tiến vào vào thị trường Mỹ thông qua các thương hiệu như Volvo Cars, Polestar, Lotus and Zeekr. Người đứng sau Geely là Li Shufu, người giàu thứ ba trong hàng ngũ doanh nhân ô tô trên thế giới.

Minh tinh màn bạc Leonardo DiCaprio (phải) và Thomas Ingenlath CEO của Polestar dự lễ ra mắt mẫu xe điện Polestar 3 ở New York hồi tháng 4. Polestar là công ty con của Tập đoàn ô tô Geely. Ảnh: Getty

Li Shufu thành lập Geely vào cuối thập niên 1990 và đặt trụ sở tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Năm 2010, Geely mua lại thương hiệu xe Volvo Cars của Thụy Điển từ hãng xe Ford (Mỹ). Thương vụ này đã đưa Geely ra thị trường toàn cầu và Volvo Cars cũng là tài sản giá trị nhất của Li Shufu.

Ngoài ra, danh mục đầu tư của Li Shufu còn bao gồm cổ phần ở Mercedes-Benz (Đức) và thương hiệu xe sang Aston Martin Lagonda (Anh) cũng như các lợi ích chi phối trong các công ty khởi nghiệp xe điện như Polestar, Zeekr và Lotus Technology.

Gần đây, nhiều thương hiệu xe của Li bắt đầu huy động vốn thông qua các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Năm 2021, Volvo Car tiến hàng IPO ở Stockholm (Thụy Điển) thu về 2,3 tỉ đô la Mỹ dựa trên mức định giá 14,6 tỉ đô la.

Năm ngoái, Polestar, trước đây là một thương hiệu phụ của Volvo Car, tiến hành sáp nhập vào một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) của Mỹ để niêm yết cổ phiếu ở Sở giao dịch chứng khoán New York. Đến tháng 1, hãng xe điện siêu sang Lotus Technology, có trụ sở tại Vũ Hán cũng đồng ý sáp nhập vào một SPAC khác dựa trên mức định giá 5,4 tỉ đô la để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Lotus Technology là đơn vị thành viên của hãng xe thể thao Lotus Cars (Anh), nơi Geely  nắm cổ phần đa số.

Đến tháng 2, Zeekr, một thương hiệu xe điện cao cấp khác của Geely mới thành lập năm 2021 đã huy động được 750 triệu đô la dựa trên mức định giá 13 tỉ đô la. Thương hiệu này đang lên kế hoạch IPO tại Mỹ.

Các thương vụ IPO khác của đế chế ô tô Geely cũng có thể được tiến hành, gồm London Electric Vehicle Company (LEVC), nhà sản xuất xe taxi đen nổi tiếng của London. Geely đã thâu tóm LEVC  từ một thập niên trước.

Cổ phiếu của Volvo Car và Polestar đang giao dịch dưới mức đỉnh khi giới đầu tư lo lắng về khả năng sinh lời của xe điện. Dù vậy, chỉ riêng giá trị cổ phần được niêm yết của Li đã lên tới gần 30 tỉ đô la. Sau khi tính toán khoản nợ của Geely, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông vào khoảng 17,3 tỉ đô la, chỉ đứng sau sau Elon Musk, ông chủ của hãng xe điện Tesla và Wang Chuanfu, người sáng lập hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD, trong hàng ngũ doanh nhân ô tô.

Tháng 11 năm ngoái, hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P Global hạ bậc triển vọng tín dụng của Tập đoàn Geely và mảng kinh doanh ô tô của Geely từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do tác động tài chính của việc “thúc đẩy sản xuất xe điện”.

Li Shufu đã đặt cược sớm hơn và quyết liệt hơn vào xe điện so với hầu hết các nhà sản xuất ô tô truyền thống khác. Đợt IPO gây tiếng vang Volvo Car năm 2021, đã giới thiệu công ty này như một câu chuyện chuyển đổi nhanh nhất trong ngành. Xe thuần điện, hiện chiếm 17% doanh số bán hàng của hãng trong nửa đầu năm nay và xe điện lai (hybrid) đóng góp 23% doanh số nữa. Các tỷ lệ này xa mức trung bình doanh số xe điện của các hãng xe bên ngoài Trung Quốc.

BYD đang nhắm đến các mục tiêu kinh doanh đầy vọng ở châu Âu nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các thương hiệu cao cấp của Geely đang cạnh tranh giành thị phần ở đây.

Gây được tiếng vang sau chiến dịch quảng bá ở giải siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl, Polestar đã bán được gần 10.000 ô tô do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ vào năm ngoái, bất chấp thuế nhập khẩu 27,5%. Bắt đầu từ năm tới, các mẫu xe của Polestar sẽ được sản xuất tại nhà máy của Volvo Cars ở Charleston, bang Nam Carolina để tránh thuế quan. Lotus Tech và Zeekr cũng muốn tung ra thị trường Mỹ các mẫu xe được sản xuất tại Trung Quốc. Hai thương hiệu này cũng có thể tính đến phương án lắp ráp tại Mỹ.

Những người mua xe và nhà đầu tư ở Mỹ sẽ nghe nhiều hơn về Geely trong những năm tới. Ở Mỹ, Geely có những lo ngại địa chính trị để “núp bóng” sau Volvo Cars, với nhà máy ở Charleston ráp xe cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang trở nên khó khăn hơn khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tập trung giám sát chuỗi cung ứng pin.

Volvo Cars không có tên trong danh sách các thương hiệu đủ điều kiện nhận tín dụng thuế xe điện mới của Mỹ, vốn yêu cầu một tỷ lệ thành phần nhất định của pin phải được sản xuất tại Mỹ hoặc các nước đã ký hiệp định tự do thương mại với Mỹ như Mexico và Canada.

Một vấn đề nữa về sự căng thẳng giữa thương hiệu và lợi ích giữa các mẫu xe điện cao cấp khác nhau của Geely. Một số mẫu xe mới của Volvo, Polestar, Zeekr và Lotus, được dựng xây dựng dựa trên các nền tảng chung, sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành khách hàng.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới