Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe điện Trung Quốc tìm cách khai phá thị trường châu Âu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bằng cách giới thiệu những mẫu xe điện SUV (thể theo đa dụng) và sedan sang trọng với giá bán cạnh tranh ở các nước như Đức và Na Uy, Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một thế lực mới trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Bastian Stark, tổng giám đốc một đại lý ô tô ở thị trấn Unterpleichfeld, Đức, đang mở bán các mẫu xe điện của hãng xe MG, công ty con của hãng xe SAIC Motor thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Tận dụng làn sóng chuyển đổi sang xe điện

Thương hiệu MG từng được coi là đồng nghĩa với những chiếc xe thể thao mạnh mẽ nhưng tinh xảo đến từ Anh. Ngày nay, thương hiệu MG với logo hình bát giác mang tính biểu tượng này phục vụ cho tham vọng trở thành tay chơi lớn trên thị trường ô tô toàn cầu của Trung Quốc.

SAIC Motor, một trong 4 hãng ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã mua lại MG vào năm 2007 và đang gắn thương hiệu này lên một loạt xe SUV điện mới đang chào bán ở Đức và các thị trường khác ở châu Âu.

MG là một ví dụ về cách mà các hãng xe Trung Quốc tận dụng làn sóng chuyển đổi sang xe điện để thách thức các đối thủ tên tuổi ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vốn đã thống trị ngành công nghiệp ô tô từ lâu.

Các hãng xe Trung Quốc đang nổi lên khi xu thế xe điện ngày càng mạnh mẽ. Xe điện đang chiếm 10% doanh số bán xe mới ở Tây Âu. MG đã xây dựng được mạng lưới 350 đại lý ở 16 nước châu Âu và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Hai hãng xe điện khác của Trung Quốc, Nio và BYD, đang tiến vào châu Âu thông qua Na Uy, thị trường xe điện lớn nhất thế giới nếu xét theo tỷ lệ xe điện trong tổng doanh số xe mới được tiêu thụ.

Nio, có trụ sở tại Thượng Hải, đã mở đại lý ở thủ đô Oslo của Na Uy vào cuối tháng 9 và đó là đại lý đầu tiên của công ty bên ngoài Trung Quốc. BYD, có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng đã giao chiếc xe điện SUV, có tên gọi là Tang, cho khách hàng Na Uy đầu tiên hồi tháng 8.

Great Wall Motor, một hãng xe khác của Trung Quốc, đã công bố kế hoạch mở bán một mẫu xe điện cỡ nhỏ và một mẫu xe SUV hybrid (được trang bị động cơ điện và động cơ xăng) ở châu Âu vào năm tới. Hãng xe Polestar, có trụ sở tại Thụy Điển nhưng thuộc sở hữu của hãng xe Geely của Trung Quốc, đã bán mẫu xe điện đầu tiên ở châu Âu và Mỹ từ năm 2020.

Cạnh tranh bằng giá bán mềm

Các hãng xe nước ngoài như Volkswagen, Mercedes-Benz hay General Motors bán được hàng triệu xe mỗi năm tại thị trường Trung Quốc, vì vậy, họ khó có thể phàn nàn khi các đối thủ Trung Quốc xâm nhập vào thị trường sân nhà của mình.

Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới nhưng các thương hiệu của họ chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường quốc tế. Ngay cả người dân Trung Quốc cũng thích các thương hiệu nước ngoài dù các hãng xe trong nước đang phát triển nhanh chóng và đã chiếm lĩnh hơn 40% thị trường nội địa.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của những chiếc ô tô do Trung Quốc sản xuất trên thị trường châu Âu là một tín hiệu đáng ngại khác đối với các hãng xe tên tuổi, có thương hiệu lâu đời ở khu vực này, vốn đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ dùng pin.

Các hãng xe Trung Quốc đã học hỏi được bí quyết kinh doanh từ các hãng xe châu Âu vì chính phủ Trung Quốc từ lâu yêu cầu các hãng xe nước ngoài phải hoạt động ở Trung Quốc thông qua liên doanh với các đối tác trong nước và phải chia sẻ chuyên môn.

SAIC Motor, chủ sở hữu của MG, là đối tác của Volkswagen (Đức) tại Trung Quốc từ năm 1984. Hiện MG đang tiến thị trường sân nhà của Volkswagen. MG đang quảng bá mẫu xe SUV cỡ nhỏ ZS, với giá khởi điểm là 30.420 euro (35.400 đô la). Khi được tính trợ cấp của chính phủ Đức dành cho xe điện, giá bán của xe ZS chỉ còn 24.000 euro, thấp hơn 4.000 euro so với mẫu xe điện SUV cỡ nhỏ của Volkswagen, ID.4.

Matthias Schmidt, nhà phân tích ở Berlin, ví động thái giới thiệu mẫu xe điện ZS của SAIC Motor tại thị trường Đức giống như hành động “bếp phó” mở nhà hàng riêng. Trong khi đó, MG tuyên bố Volkswagen vẫn là “đối tác chiến lược, cùng có lợi”.

Julian Emrich, chủ một đại lý xe ở ở Bietigheim-Bissingen, Đức, cho biết nhu cầu xe điện giá mềm đã vượt quá nguồn cung. Ông nói: “Rất nhiều người quan tâm nhưng không có sản phẩm nào, ít nhất không phải là sản phẩm có mức giá bình thường”.

Khi đại diện của MG gửi cho ông email để hỏi ông có muốn trở thành một đại lý của MG không, Emrich nói: “Đó chính xác là những gì tôi đang mong chờ”. Không giống như hầu hết các hãng xe truyền thống, MG không yêu cầu ông phải trả trước để mua xe. MG cung cấp những chiếc xe và các đại lý kiếm được hoa hồng khi họ bán được chúng.

Bastian Stark, tổng giám đốc một đại lý ô tô của hãng Ford ban đầu hoài nghi khi đại điện MG tiếp cận để đề nghị bán xe điện của MG. Nhưng sau khi chạy thử một chiếc xe điện MG và biết được rằng phụ tùng của xe đến từ nhà cung cấp danh tiếng như Bosch, Valeo và Continental, ông quyết định bổ sung thêm xe điện của MG trong showroom và bán được 3 chiếc ngay cả khi chưa dựng biển quảng cáo xe mới. Ông cho biết khách hàng mua xe MG bị thu hút bởi giá bán mềm và thời gian giao xe tương đối ngắn.

Thị trường châu Âu đang thiếu xe vì cơn khan hiếm chip bán dẫn toàn cầu, vì vậy, thời gian chờ giao xe của các hãng xe ở khu vực này bị kéo dài. Các hãng xe như Renault phải phân bổ nguồn dự trữ chip quý giá cho những mẫu xe cao cấp, có biên lợi nhuận cao hơn.

Châu Âu rất khó tính với các hãng xe nước ngoài

Châu Âu là một thị trường nổi tiếng khó tính đối với các hãng xe nước ngoài. Ford Motor (Mỹ) chỉ chiếm 4%  thị trường ô tô ở Liên minh Châu Âu (EU), trong khi đó, con số này của Toyota (Nhật Bản) là cao hơn 6% một chút, dù hãng đang chiếm thị phần ô tô lớn nhất thế giới.

Những nỗ lực trước đó của các hãng xe Trung Quốc để thâm nhập vào châu Âu đều thất bại. Vào năm 2013, Qoros, một thương hiệu ô tô khởi nghiệp của Trung Quốc, đã công bố kế hoạch xây dựng mạng lưới đại lý rộng khắp ở châu Âu nhưng rốt cục chỉ mở một đại lý.

Thời điểm này có thể thuận lợi hơn đối với các hãng xe Trung Quốc khi doanh số xe điện tiêu thụ ở châu Âu tăng gấp đôi kể từ năm 2020 bất chấp thị trường ô tô nói chung trì trệ. Nhà phân tích Schmidt cho biết khoảng 9% trong tổng số xe hơi mới được bán ở Tây Âu trong 8 tháng đầu năm nay, tương đương 644.000 xe, chạy bằng pin. Nếu tính cả xe hybrid, thị phần xe điện là 18%.

Mặc dù điều kiện thị trường có thể đã chín muồi đối với xe điện của Trung Quốc, nhưng bầu không khí chính trị giữa EU và Trung Quốc có thể không tốt đẹp như vậy. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu chia sẻ mối quan ngại của những người đồng cấp ở Mỹ về các thực hành thương mại bất công của Trung Quốc. Họ cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp cho các công ty trong nước để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trên thị trường quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh mẽ vào công nghệ xe điện, giúp thiết lập một mạng lưới các nhà cung cấp rộng lớn đủ để đáp ứng nhu cầu của các hãng xe điện.

Sau cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 9, các lãnh đạo chính trị Đức đang đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh có khả năng bao gồm Đảng Xanh, đảng ủng hộ đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc so với Thủ tướng Angela Merkel, người sắp mãn nhiệm.

MG có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước những lo ngại về sự trộn lẫn giữa lợi ích của chính phủ và doanh nghiệp vì công ty mẹ của nó, SAIC Motor, có cổ phần đa số do nhà nước nắm giữ.

Các hãng xe châu Âu đang thận trọng theo dõi các đối thủ Trung Quốc. Martin Daum, thành viên hội đồng quản trị của hãng xe  Daimler (Đức), nói: “Chúng tôi rất coi trọng mọi tay chơi mới. Nhưng mặt khác, chúng tôi không bao giờ e ngại sự cạnh tranh”.

Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức nói rằng các nước nên tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WHO), bao gồm quy định cấm chính phủ trợ cấp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty trong nước.

Các hãng xe Trung Quốc đang nỗ lực định vị mình là thương hiệu quốc tế và giảm bớt sự chú ý vào nguồn gốc Trung Quốc. MG vẫn giữ được một số đặc trưng Anh quốc của mình bằng cách thiết kế những chiếc xe hơi ở London. Trung tâm thiết kế toàn cầu của hãng xe điện Nio được đặt ở TP Munich của Đức, trong khi đó, hãng Polestar có trụ sở tại Goteborg, Thụy Điển.

Thomas Ingenlath, Giám đốc điều hành Polestar, nói rằng tất cả các hãng xe đều tìm cách bán sản phẩm của họ ra nước ngoài và không có gì bất thường về những gì các hãng xe Trung Quốc đang làm.

Theo NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới