Thứ ba, 10/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để con đường nhượng quyền thương hiệu đến thành công

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhận nhượng quyền thương hiệu cũng là một cách để các nhà đầu tư khởi nghiệp bắt đầu sự kinh doanh của riêng mình nhanh chóng và sớm đi vào ổn định. Nhưng thực tế cho thấy, không phải cứ thấy thích thì quyết định “xuống tiền” đầu tư là thành công. Chủ thương hiệu cũng không thể chỉ nghĩ hễ mình kinh doanh được thì cũng nhượng quyền thương hiệu được.

Trưng bày sản phẩm được nhượng quyền bên lề hội thảo về nhượng quyền ở TPHCM vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: Quốc Hùng

Nguyễn Duy Tiến Trung tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ở Anh và có vài năm làm việc ở xứ xở sương mù trước khi về nước lập gia đình và quyết định khởi nghiệp với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em Care With Love theo cách nhượng quyền. Đó là tháng 4-2021 - năm Covid-19. Tiến Trung nói ngành kinh doanh này không dính gì đến chuyên môn đã học nhưng lại có khởi đầu từ một nhu cầu rất thực tế: chăm vợ bầu bì, chăm con thơ bé. Tiến Trung khi ấy chẳng biết gì khác ngoài tự chăm sóc cho bản thân như thời du học, nhưng nhờ sử dụng dịch vụ Care With Love mà học được cách chăm sóc sức khỏe cho vợ và con.

“Từ trải nghiệm thực tế của bản thân và được nhìn thấy sự tận tâm của đội ngũ nhân viên chăm sóc, sự ân cần của người quản lý chuỗi Care With Love mà tôi có niềm tin rất lớn vào thương hiệu này. Tôi đã nhiều lần thuyết phục nhà sáng lập Care With Love để được quyền kinh doanh dưới thương hiệu này”, anh Trung nhớ lại.

Còn với anh Nguyễn Thành Nam, người đã mở các cửa hàng nhượng quyền của chuỗi thức uống Phúc Tea, cho biết đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh cho mình nếu được nhận nhượng quyền thương hiệu. Trên thực tế, anh Nam từng làm việc ở Phúc Tea và trải nghiệm môi trường làm việc mà anh cho là rất ấm áp và tràn ngập năng lượng. Sau dịch Covid-19 khi thị trường khởi sắc, anh Nam quay lại ngay với Phúc Tea nhưng lần này trong vai đối tác kinh doanh nhượng quyền.

“Tôi rất có niềm tin vào mô hình kinh doanh này và đã dốc hết vốn liếng mở cửa hàng nhượng quyền Phúc Tea”, anh Nam nói.

Câu chuyện khởi nghiệp bằng cách nhận nhượng quyền thương hiệu của hai anh Tiến Trung và Thành Nam rõ ràng có bước khởi đầu thuận lợi, có điểm chung là người trực tiếp tham gia hoặc sử dụng dịch vụ nhận nhượng quyền, vừa yêu thích vừa hiểu rõ hướng phát triển của các thương hiệu đó.

Cần sự song hành từ hai phía

Care With Love là dịch vụ chăm sóc mẹ và bé tại nhà do vợ chồng chị Trần Thảo Vi mở cách đây 11 năm, hiện có 11 chi nhánh và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có thêm 9 chi nhánh nữa. Người sáng lập Care With Love cho hay cô đã thay đổi suy nghĩ từ chỉ tự làm lấy đến cho chuyển nhượng thương hiệu bởi cô mong có thể mở rộng dịch vụ đến với nhiều bà mẹ và em bé hơn. Thảo Vi nói, chị mong thương hiệu Care With Love có thể đến tay của 1 triệu khách hàng, nhưng kiểu tự kinh doanh luôn bị giới hạn về khả năng tài chính, nguồn lực con người (mười năm chỉ mới có 150.000 khách hàng mẹ và bé - NV) nên chị đã chọn cách cho nhượng quyền.

Về kinh nghiệm của chủ thương hiệu, chị Thảo Vi nói: “Chủ doanh nghiệp khi xác định cho nhượng quyền thương hiệu phải tư duy theo hướng sẽ triển khai mô hình này rộng khắp. Từ đó mới có sự thay đổi về cách thức vận hành bên dưới, từ khâu đóng gói sản phẩm, bao bì, pháp lý, tiếp thị, R&D, quy trình vận hành… để có thể chuyển giao được mô hình này đến người khác và họ vận hành thành công được như mình”, chị Vi nói.

Theo chị Thảo Vi, bên nhận nhượng quyền không chỉ hiểu rõ mà còn phải tin tưởng vào đối tác nhượng quyền của mình và ngược lại. Để làm được điều đó cả bên cho và nhận quyền đều phải chân thành tìm hiểu, trao đổi các vấn đề liên quan đến sự vận hành, hướng đi sau nhượng quyền. Thông qua đó, bên trao quyền có thể đánh giá được đơn vị nhận quyền khai thác có thật sự yêu thích, đam mê và phù hợp với lĩnh vực của doanh nghiệp mình hoạt động hay không và liệu họ có đủ thấu hiểu để cùng tiến hoặc lùi theo từng giai đoạn hoạt động của thương hiệu?

“Hai bên cần phải cởi mở mọi thứ ngay từ giai đoạn đầu, không bằng mọi giá để nhượng được thương hiệu, hoặc nhận được quyền kinh doanh thương hiệu”, chị Vi lưu ý.

Anh Tiến Trung cũng cho rằng, trong nhượng quyền, lòng tin là yếu tố đầu tiên để xây dựng sự kết nối, gắn bó lâu dài với thương hiệu. Khai trương sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, sau đó lại đối mặt với đợt dịch mới lớn hơn, thị trường chưa kịp lên đã giảm xuống, cửa hàng Care With Love của anh Tiến Trung tại quận 7 sống sót được là nhờ vào quy trình và sự chia sẻ của chủ thương hiệu khi đối mặt với rủi ro.

Với số vốn ban đầu hơn 1 tỉ đồng, bao gồm phí nhượng quyền, phí đào tạo, đầu tư trang thiết bị, nguyên vật liệu.., chi nhánh nhượng quyền Care With Love ở quận 7 hiện đang vận hành với doanh thu ổn định, mức lợi nhuận hàng tháng là 20%. “Đến nay, chi nhánh của tôi đã chuẩn hóa được quy trình làm việc với thương hiệu, phía thương hiệu cũng đã chuẩn hóa được nguyên liệu. Tôi đang nghiên cứu thêm thị trường để mở chi nhánh tiếp theo”, anh Trung nói.

Trong khi đó, anh Thành Nam, cho biết cửa hàng nhượng quyền Phúc Tea đầu tư ở Long An đã thu hồi được vốn sau hơn sáu tháng vận hành. Anh mở chi nhánh thứ hai theo mô hình take-away và đầu tháng 5 vừa qua lại thêm một cửa hàng khác ở Tiền Giang. “Người thân hỗ trợ vận hành ba cửa hàng, tôi chủ yếu quản lý từ xa, mỗi ngày dành khoảng 2-3 giờ để kiểm tra sổ sách, hàng hóa. Hiện tại, lợi nhuận hàng tháng khoảng 20-25% tùy chi nhánh”, anh Nam chia sẻ.

Không phải ai cũng làm được…

Không phải chủ thương hiệu và nhà đầu tư nhượng quyền nào cũng thành công như hai câu chuyện kể trên. Theo chuyên gia về nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Go Global Holdings, thực tế rất nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, về các vấn đề pháp lý liên quan đến nhượng quyền, thậm chí các hình thức nhượng quyền của họ còn nhiều lỗ hổng hoặc không phù hợp... dẫn đến những mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc.

Chính ông Trần Nhật Vũ, Chủ tịch chuỗi thức uống Phúc Tea, cũng cho biết trong bối cảnh nhượng quyền còn mới và thiếu các kênh thông tin, đào tạo, thì chủ thương hiệu phải chịu khó học hỏi, tự tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm... Cùng với sản phẩm, bên nhượng quyền phải xây dựng được quy trình nhượng quyền có tính pháp lý rõ ràng.

“Ban đầu tôi cứ nghĩ bán được là nhượng quyền được và người ta mua thì tôi bán thôi, tôi làm theo suy nghĩ thuần túy của người làm kinh doanh. Sau đó tôi gặp biến cố lớn ở cửa hàng thứ 4 do tính pháp lý không chặt chẽ ngay từ đầu. Và tôi đã tìm luật sư, xây dựng quy trình pháp lý nhượng quyền. Theo tôi, kinh doanh hay hợp tác kinh doanh với ai cũng được, người thân hay người lạ đều được, nhưng phần pháp lý thì phải rõ ràng ngay từ đầu”, ông Vũ lưu ý. Sau sáu năm kinh doanh, chuỗi Phúc Tea đã có 135 chi nhánh và 80% là cửa hàng được nhượng quyền.

Bà Phi Vân nhận định, sự thiếu hiểu biết một cách đúng đắn và đầy đủ về nhượng quyền của các nhà đầu tư cũng dẫn đến các lựa chọn mô hình chưa phù hợp, không mang đến hiệu quả, hoặc thậm chí là thất bại. Nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào những trường hợp nhận nhượng quyền thành công mà vội vã “xuống tiền”. Thay vào đó, nhà đầu tư phải biết mình muốn gì để chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. Nếu có tinh thần doanh nhân, chấp nhận rủi ro và sẵn sàng dành nhiều thời gian, công sức, nhà đầu tư có thể mua nhượng quyền và tự vận hành cơ sở.

Còn nếu chỉ muốn đầu tư và hưởng thu nhập thụ động, có thể lựa chọn hình thức đầu tư tài chính, thuê thương hiệu vận hành hộ. Ngoài ra, nếu không thích rủi ro, nhà đầu tư nên chọn thương hiệu có chiều dài lịch sử lâu đời, còn nếu thích mạo hiểm và sáng tạo thì có thể chọn thương hiệu trẻ.

Chọn thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường thì chi phí nhượng quyền cao và khó đàm phán, còn thương hiệu trẻ sẽ dễ có những thỏa thuận có lợi hơn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù lựa chọn hình thức nào, thương hiệu nào, nhà đầu tư cũng cần tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền, từ các vấn đề về nhân sự, vận hành đến marketing...

“Hãy làm bạn với các nhà sáng lập thương hiệu và đội ngũ của họ để tận dụng hết mức có thể các nguồn lực của họ, thay vì tập trung vào việc đàm phán phí nhượng quyền như cách hiểu sai phổ biến hiện nay”, chuyên gia Vân nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới