(KTSG Online) - Các bộ, ngành, địa phương và các nhà thầu cần sớm hoàn thành việc phê duyệt dự án, chuẩn bị đẩy đủ các điều kiện về công tác quản lý, tư vấn, giải phóng mặt bằng, hồ sơ, dự toán, kế hoạch triển khai dự án để việc giải ngân vốn đầu tư công diễn ra thuận lợi ngay từ đầu năm 2023.
- Giải ngân đầu tư công không phải là một nguồn vốn giải cứu thanh khoản cho nền kinh tế!
- Thủ tướng yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng
Cần tiền, nhưng có tiền vẫn không thể tiêu
Tại một hội nghị gần đây, khi nói về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ rằng thành phố hiện ở trong cả hai tình trạng "có tiền mà không tiêu được" và "muốn tiêu nhưng không có tiền". Nguyên nhân là do vướng mắc về chính sách, kể cả đối với các dự án đầu tư về xã hội, do đó, cần giải pháp để hướng dẫn, thay đổi.
Theo đó, vế "có tiền mà không tiêu được" liên quan tới hai khía cạnh. Thứ nhất, ở những dự án đầu tư đang triển khai gặp vướng mắc rất nhiều về cơ chế, chính sách.
Thứ hai, số tiền 146.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ dành cho TPHCM chỉ vừa đủ để giải quyết những công trình đã có của nhiệm kỳ trước. Còn nhiệm kỳ này sẽ thể triển khai bất kỳ dự án nào nếu không có tiền.
Cũng liên quan tới việc "có tiền mà không tiêu được", ông Hoan cho biết chính quyền thành phố đã phân tích và dự báo thành phố có khả năng thu 119.000 tỉ đồng trong 5 năm tới, nhưng trong kế hoạch đầu tư công lại không xác định.
"Như vậy thành phố có khả năng, có tiền nhưng muốn sử dụng nó trong tương lai thì chắc chắn phải xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội. Đây là điểm khó, có tiền mà không tiêu được”, ông Hoan nói tại một phiên thảo luận chuyên đề thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra cách đây ít ngày.
Với vế "muốn tiêu nhưng không có tiền", ông Hoan cho biết TPHCM có rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn gồm nhà hát, bệnh viện, quảng trường, các tuyến metro với quy mô vốn lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, “room” nợ công của thành phố chỉ có 90% nguồn thu theo quy định, tức khoảng 70.000 tỉ đồng.
"Với room như vậy tầm nhìn sẽ hạn chế. Nếu không nhìn xa mà cứ nhìn gần thì thành phố ngày càng đi xuống, hạ tầng ngày càng xuống cấp và không thể đầu tư", ông Hoan nói và cho rằng cần có cơ chế về “room” cho TPHCM.
Cũng theo ông Hoan, việc "muốn làm mà không có tiền" còn do chính sách hiện nay ôm quá nhiều, kể cả dự án đầu tư về xã hội. Chẳng hạn, Luật PPP không cho phép áp dụng với công trình văn hóa, thể thao, trong khi chi phí đầu tư một cơ sở văn hóa, thể thao lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
"Luật PPP cứ ép ngân sách phải làm nhưng ngân sách làm sao làm cho kịp, nhanh bởi vốn lớn, quy trình phức tạp. Vì vậy chúng tôi kiến nghị xem lại”, ông Hoan nói.
Bên cạnh những vướng mắc trên, ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Đồng Tháp, cho biết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
“Qua rà soát công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nhưng đa phần là do vướng mắc về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, sự đồng thuận của người dân về phương án đền bù… là điểm nghẽn lớn trong việc triển khai thực hiện dự án”, ông Châu cho biết.
Về phía chủ đầu tư, ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc KHĐT TPHCM, cho biết công tác dự báo của chủ đầu tư chưa sát với yêu cầu và năng lực triển khai nên đăng ký kế hoạch vốn lớn hơn khả năng có thể giải ngân.
“Năng lực của một số chủ đầu tư chưa đảm bảo, công tác phối hợp nhà thầu chưa chặt chẽ, chưa theo sát tiến độ triển khai, khi có vấn đề phát sinh chưa chủ động đề xuất giải pháp để giải quyết, một số nhà thầu cố tình chậm, chây ì do tâm lý càng làm càng lỗ”, ông Chánh nói
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết việc chuẩn bị hồ sơ dự án với các phần việc gồm khảo sát, thiết kế dự toán còn sơ sài, chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng dẫn tới rủi ro phải thay đổi hoặc phát sinh chi phí khi triển khai.
“Đã phát sinh thì thủ tục thanh toán rất phức tạp, mất thời gian. Do đó, cần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh hơn nữa khâu chuẩn bị dự án và có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư trong việc ký thanh toán và xử lý phát sinh để tạo điều kiện cho các nhà thầu”, ông Hiệp nói.
Ngoài ra, hiện các nhà thầu đang gặp vướng mắc về đơn giá, định mức. Theo đó, đơn giá các phần việc trong định mức của Bộ Xây dựng thấp hơn nhiều so với đơn giá đầu vào nhà thầu phải chi trả.
Cụ thể, công tác đắp nền đường hiện áp dụng đơn giá theo định mức là 16.000 đồng một mét khối, nhưng giá thi công thực tế là 30.000 đồng; công tác đắp cấp phối áp dụng đơn giá định mức là 35.000 đồng một mét khối, nhưng giá thi công thực tế là 120.000 đồng; công tác đóng cọc bê công cốt thép áp dụng đơn giá định mức là 55.000 đồng một mét khối, nhưng giá thi công thực tế là 150.000 đồng. Đặc biệt, đơn giá nhân công hết sức bất hợp lý do các thông số thanh toán dựa trên hệ thống tiền lương cơ bản năm 2019, hiện sai lệch rất lớn so với thực tế.
Việc thiếu hụt một số định mức, đơn giá, theo ông Hiệp, ảnh hưởng rất nhiều tới các nhà đầu.
“Có nhà thầu như Vinaconex vừa bắt đầu triển khai gói thầu cao tốc Mai Sơn - Quế Lộ khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế phải triển khai đã thấy chắc sẽ phải lỗ khoảng 40%. Chưa kể hiện nay theo quy định chỉ định thầu các gói thấu được chỉ định ở giai đoạn 2 đều phải tiết kiệm cắt giảm 5% so với dự toán gói thầu”, ông Hiệp cho biết.
Với những yếu tố trên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư qua các năm thường bấp bênh và không hoàn thành 100% kế hoạch. Cụ thể, năm 2017 đạt 73%, năm 2018 đạt 66%, năm 2019 đạt 67%, năm 2020 đạt 82%, năm 2021 đạt 72%, 11 tháng năm 2022 đạt 53,8%.
Khơi thông nguồn lực đầu tư công
Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã khó, năm 2023 dự kiến sẽ khó hơn khi Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm sau với tổng số vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Năm 2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc giải ngân đầu tư công vẫn gặp khó khăn những năm gần đây do chưa xử lý được vấn đề về công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu. Ngoài ra, tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giá cả rất khó dự báo, khó lường, lạm phát có thể vẫn ở mức cao, theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT.
Còn ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) dự báo lượng vốn phải giải ngân năm 2023 có thể cao hơn hai lần năm 2022 nếu thêm tính phần chuyển nguồn từ năm nay sang.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân năm 2023, ông Trần Quốc Phương khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương cần xem đây là ưu tiên hàng đầu, thường trực trong tư duy nhận thức.
Từ các ví dụ ở một số địa phương, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân cao, ông Phương cho rằng nơi nào dành nhiều sự quan tâm đến đầu tư công thì nơi đó sẽ giải ngân vốn tốt hơn.
Tương tự, ông Dương Bá Đức cho rằng khăn vướng mắc về chính sách là giống nhau, nhưng vẫn có địa phương, bộ, ngành làm tốt – tức vấn đề chủ yếu nằm ở khâu thực hiện.
Theo ông Đức, trước đây có ý kiến cho rằng việc bộ, ngành giao danh mục dự án làm ảnh hưởng đến địa phương. Nhưng hiện quy định pháp Luật đã được sửa đổi theo hướng giao toàn quyền cho địa phương, gồm cả phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn.
“Vừa rồi Thủ tướng lập 6 đoàn công tác, chúng tôi đã đi thực tế một số địa phương, có những nơi 6 tháng trời vẫn có danh mục giải ngân bằng 0. Chứng tỏ là có vấn đề”, ông Đức nói.
Với các nhà thầu, ông Phương cho rằng các nhà thầu cần chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ, dự toán, kế hoạch triển khai dự án, đội ngũ tư vấn và giám sát trong bối cảnh các cơ quan quản lý cần thời gian khoảng một năm để rà soát, sửa đổi một Thông tư và nhiều hơn với Nghị định và Luật.
“Các nhà thầu cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, tránh tình trạng nước tới chân mới nhảy”, ông Phương nói và khuyến nghị nhà thầu tính toán phương án, kế hoạch, nguồn vốn dự phòng cho trường hợp phát sinh biến động, rủi ro.
Với các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Bộ KHĐT kiến nghị sớm hoàn thành việc phê đuyệt dự án; chuẩn bị đẩy đủ các điều kiện về bản quản lý dự án, tư vấn, giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng “thực hiện lễ khởi công mà không có nhà thầu”, dẫn tới không thể giải ngân cho dự án.
“Muốn giải ngân phải có khối lượng, muốn có khối lượng phải thi công, muốn thi công được thì nhà thầu phải tốt. Ngoài ra, công tác quản lý nguyên vật liệu đầu ra - đầu vào phải sẵn sàng. Chỉ cần thiếu một trong số các yếu tố như mặt bằng, giá nguyên vật liệu, giá nhân công thì nhà thầu đều không làm được”, ông Phương nói với KTSG Online bên lề một hội thảo.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng các cơ quan quản lý cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay. Ngoài ra, kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để bổ sung ngay trong quý 1-2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay.
Bên cạnh đó, bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng
Cũng theo ông Hiệp, cần có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu.
Về cơ chế, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần chuyển từ cơ chế xin - cho sang cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân có liên quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, cần có ngay cơ chế để bảo vệ lợi ích của chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
"Cếu có cơ chế này, chúng ta vẫn đảm bảo được tiến độ đầu tư công đồng thời giảm nhẹ được các tác hại của sự tăng giá tới việc triển khai các dự án. Tuy nhiên, cơ chế này cần phải được thiết kế và có tính khả thi cao để có thể áp dụng ngay được", ông Ánh lưu ý