Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Để giảm thiểu nguy cơ sạt lở vùng đồi núi Việt Nam

Lê Anh Tuấn(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sạt lở được xem là một trong những nguy cơ gây nhiều thương vong cho con người, phá hoại tài sản, công trình hạ tầng, thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và thay đổi xấu cho cấu trúc tự nhiên và tàn phá hệ sinh thái nghiêm trọng ở nước ta.

Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ tàn phá trong những năm gần đây. Bài viết không chỉ phân tích các nguy cơ sạt lở ở vùng đồi núi Việt Nam mà còn bàn về cách để giảm thiểu các nguy cơ sạt lở.

Tại các vùng đồi núi hoặc các vùng có độ dốc cao, khi một khối lượng đất, đá hoặc bùn bất ngờ chuyển dịch khỏi vị trí trước đó của nó, trượt hoặc rơi đổ theo sườn dốc dưới tác dụng của trọng lực xuống vị trí thấp hơn. Sạt lở hay trượt lở có thể ở những dạng khác nhau, như đá vỡ, đá rơi, đất đổ, trượt, chảy thành dòng bùn nhão, trộn lẫn với các vật chất khác như cây, cỏ và các chất xác bã thực vật tích tụ trên mặt đất hoặc trong đất. Đôi khi sạt lở kết hợp cả lún sụt, được xem là một trong những loại tai biến địa chất, nghĩa là một vùng đất bị hạ thấp cao độ một cách đột ngột hoặc từ từ diễn ra theo thời gian. Sạt lở có các đặc điểm riêng và có thể xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn từ vài phút đến kéo dài nhiều giờ, hoặc nhiều năm.

Tại các vùng cao như khu vực đồi núi, vùng bán sơn địa, thung lũng… của nước ta như vùng cao các tỉnh phía Bắc, vùng miền Trung giáp với dãy Trường Sơn và vùng đất Tây Nguyên có nhiều kiểu hình sạt lở khác nhau, bao gồm các hiện tượng đá rơi, đá đổ, đất trượt cuộn, đất trượt tịnh tiến, đất trượt khối, đất sạt trên diện rộng, cuội sỏi chảy thành dòng, đất chảy thành dòng, lũ bùn (hình 1). Căn cứ vào hình thái chuyển động và vật liệu sạt lở thì có thể phân loại các hình kiểu sạt lở như hình 2.

Có nhiều nguyên nhân gây sạt lở, tuy nhiên nước có vai trò lớn như một tác nhân gây nên sạt lở hoặc kiềm chế sạt lở. Với lượng nước quá lớn, các lỗ rỗng trong đất bị gia tăng áp lực, giảm ma sát và đẩy nhanh quá trình xói mòn, hay bị tình trạng lầy hóa, đất mất ổn định làm sạt lở, tạo ra các hiện tượng lũ bùn, sạt mái dốc. Ngược lại, khi đất bị khô do thiếu nước, kết cấu hạt trở nên bời rời, có thể bị mất liên kết dễ bị sạt lở. Như vậy, một lượng nước duy trì vừa phải nào đó có thể làm tăng sự gắn kết của đất, hạn chế được xói lở, đặc biệt là các vùng còn duy trì cây rừng tự nhiên hoặc nguyên sinh với hệ thống rễ dày và có cấu trúc đa dạng, phức tạp.

Bên cạnh yếu tố tai biến địa chất như động đất, các tác nhân nhân tạo hoặc hoạt động của con người, có thể gây sạt lở, như gây địa chấn nhân tạo (nổ mìn, đóng cọc bê tông…), các hoạt tải năng tác động đột ngột hoặc thường xuyên (giao thông), phá rừng trên một diện rộng, khai thác đất đá, khoáng sản, xây dựng nhà cửa, công trình sát mái ta-luy âm của núi, gây phong hóa vật lý, hòa tan hóa học…

Việc khắc phục hậu quả sạt lở và phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội sau sạt lở rất tốn kém về kinh phí cũng như nhân lực và khó có thể nhanh chóng về thời gian được. Nếu tính trên một đơn vị diện tích như một héc ta thì nơi xảy ra sạt lở gây tổn thất gần như cao nhất xét trên mọi phương diện trong các loại hình thiên tai cực đoan. Có những hệ sinh thái đặc hữu hay một di tích lịch sử, điểm du lịch tự nhiên hay vùng khảo cổ ở một khu đất nào đó, nếu bị sạt lở lớn, kèm theo hiện tượng lũ quét, lũ ống tàn phá thì việc mất mát gần như không phục hồi như xưa được.

Việc ngăn ngừa sạt lở bao gồm các khảo sát đánh giá vùng tiềm năng sạt lở, phân loại nguy cơ sạt lở, ước lượng các thiệt hại nếu có các tổ hợp thiên tai như bão tố, mưa to và kéo dài, lũ quét, cuồng phong, sạt lở riêng rẽ hoặc đồng thời xảy ra, dự báo sạt lở, truyền thông thiên tai, diễn tập cứu nạn, di tản và xây dựng các giải pháp phòng tránh bằng cả biện pháp công trình và phi công trình. Các quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội vùng phải có các tích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai, trong đó có sạt lở.

Khi khảo sát đặc điểm khí tượng và thủy văn khu vực (mưa, độ ẩm, gió, dòng chảy sông suối tự nhiên…), kết hợp đánh giá cấu trúc đất, độ dốc địa hình và tính chất địa mạo, lớp phủ thực vật và các cấu trúc công trình cũng như các hoạt động của con người, nếu thấy có các nguy cơ tiềm năng xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc rà soát lịch sử các trận sạt lở trước đó, phải có những bảng cảnh báo ở vị trí dễ nhìn, dễ đọc, dễ hiểu để hạn chế con người đến hoạt động sản xuất hoặc khai thác thiên nhiên ở đó.

Trong quy hoạch phát triển, không bố trí các công trình, nhà cửa và sản xuất ở những nơi có nguy cơ sạt lở. Ở các vùng có nguy cơ sạt lở, phải có những biện pháp trồng và khôi phục rừng, tạo ra những hành lang hoặc mương máng dẫn nước, thoát nước hữu hiệu. Các vùng đèo có nguy cơ đất lở, đá đổ phải có những cấu trúc công trình cứng hóa, bằng bê tông cốt thép hoặc lưới thép để ngăn chặn rủi ro cho con người hoặc các phương tiên giao thông đi ngang qua.

Ngày 27-10-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1262/QĐ-TTg, ký ngày 27-10-2023 với nội dung phê duyệt “Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”, bao gồm các công tác chính (i) Rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét; (ii) Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét; (iii) Lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn; (iv) Thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; và (v) Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh báo sớm.

Hiện nay, trên thế giới đang phát triển các hệ thống cảnh báo từ xa bằng các phương tiện hiện đại như theo dõi, dự báo thời tiết bằng vệ tinh, bóng thám không và công nghệ máy bay không người lái (UAV hay Drone) để theo dõi các nguy cơ chuyển dịch đất đá và cảnh báo từ trên cao. Tại các vùng có tiềm năng sạt lở, các cảm biến đo ma sát đất, độ ngậm nước trong đất đá và các cọc cố định có gắp thiết bị theo dõi từ xa các chuyển vị của địa chất và địa mạo để nhanh chóng dự báo và báo động qua nhiều phương tiện truyền thông như còi báo động, nhắn tin qua điện thoại di động và kích hoạt hệ thống đối phó.

Các mô hình toán dự báo sạt lở hoàn toàn có thể áp dụng trong điều kiện canh tác nông nghiệp trên đồi dốc ở Việt Nam như Mô hình xói lở WEPP (Water Erosion Prediction Project) là một chương trình máy tính do các cơ quan như Cục Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên (USDA-Natural Resources Conservation Service), Cục Lâm nghiệp, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA-Forest Service) Văn phòng Quản lý Đất đai, thuộc Bộ Thủy nông Mỹ (USDI-Bureau of Land Management) phát triển các mô phỏng liên tục các diễn biến thời tiết và hoạt động của con người như canh tác trên triền dốc để dự đoán lượng đất bị mất đi và lắng đọng như một dạng trầm tích từ dòng chảy trên sườn đồi, tập trung trong các kênh nhỏ và các hồ chứa trong một lưu vực cụ thể nào đó (hình 3).

Trên những vùng đồi núi, đất dốc, các cột dân sóng có gắn cảm biến và hệ thống khuếch đại được chuyển vào một hệ thống xử lý theo thời gian thực có thể tự tạo ra các hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời di tản người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm do sạt lở (hình 4). Thiết bị này sẽ lắng nghe các rung động do các hạt đất tạo ra trong vài phút hoặc vài giờ trước khi xảy ra sạt lở đất.

Trong công tác quản lý thiên tai, quan trọng là gia tăng nhận thức của cộng đồng và chính quyền địa phương, cần phải thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn và thực hành diễn tập báo động, đối phó và cứu nạn. Tất cả người dân phải tham gia các hoạt động này như là một trách nhiệm gia tăng kỹ năng cần thiết để đối phó với các thiên tai bất thường đang có nguy cơ xảy ra thường xuyên trong bối cảnh gia tăng các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và sự suy giảm chất lượng rừng và hệ sinh thái tự nhiên.

(*) Trường Đại học Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới