Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để “hạ cánh nhẹ nhàng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để “hạ cánh nhẹ nhàng”

(TBKTSG) – Trong tình trạng hiện nay của Việt Nam, chính sách tỷ giá nên được coi là một công cụ chính sách thứ cấp mà tác động của nó không nên được đánh giá quá cao. Thậm chí kể cả khi tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ không thay đổi, “việc hạ cánh an toàn” có thể đạt được khi thực hiện gói các giải pháp trên.

Trong mấy tháng gần đây, lạm phát đã trở thành vấn đề kinh tế xã hội nổi cộm nhất ở Việt Nam. Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát là do một lượng vốn từ bên ngoài đổ vào khá lớn so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế Việt nam. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ về chi tiêu, bùng nổ xây dựng, thị trường tài sản mất ổn định, lạm phát và thâm hụt thương mại gia tăng. Thêm vào đó, sự phát triển quá nóng của nền kinh tế như đổ thêm dầu vào lửa khi chi tiêu công quá lớn và các cú sốc về cung như lạm phát hàng hóa toàn cầu, các thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh.

Một khi mọi thứ đã đến một ngưỡng nhất định, không thể tránh khỏi những thiệt hại có thể xảy ra đối với nền kinh tế. Mục tiêu của các chính sách hiện tại là rút ngắn và giảm đến mức tối đa những thiệt hại này. Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra mục tiêu là “hạ cánh nhẹ nhàng” đối với nền kinh tế thay vì tạo ra một cú hạ cánh đột ngột. “Hạ cánh nhẹ nhàng” nghĩa là giảm những bất ổn tạm thời trong tăng trưởng, đời sống, nguyên tắc thị trường và khu vực tài chính với mức tăng trưởng dương trong năm nay (nhưng thấp hơn so với mong đợi).

Đến năm 2009, giai đoạn tồi tệ nhất cũng sẽ qua. Ngược lại, hạ cánh đột ngột có thể khiến cho tăng trưởng xuống đến mức bằng không, thậm chí âm, đổ vỡ tín dụng, nợ xấu gia tăng và sụt giảm đáng kể phúc lợi của nhân dân trong ít nhất vài năm. Hiện tại là thời điểm thuận lợi để có thể thực hiện “hạ cánh nhẹ nhàng” nếu gói chính sách sau được thực hiện. Mặc dù chưa thực sự hoàn hảo, song Chính phủ Việt Nam cũng đã hướng theo việc thực hiện gói chính sách này.

Trước tiên, mục tiêu tăng trưởng của năm 2008 cần phải giảm xuống ở mức 7-7,5%. Điều này đã được thực hiện. 7,5% vẫn là một mục tiêu tăng trưởng rất ấn tượng trong giai đoạn xấu như hiện nay.

Thứ hai, tín dụng và tiền tệ cần được thắt chặt. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp mạnh tay như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay yêu cầu các ngân hàng mua tín phiếu bắt buộc. Một số ý kiến cho rằng đó không phải là các công cụ quản lý mang tính thị trường, nhưng trong giai đoạn “gần khủng hoảng” như hiện nay thì các giải pháp được thực hiện phải bao gồm các biện pháp hành chính. Điều quan trọng là các công cụ này cần được áp dụng phù hợp với tình hình và không được quá mức.

Thứ ba, chi tiêu công cần phải hạn chế, ít nhất là trong năm nay. Đầu tư có hai mặt, mặt cung và mặt cầu và hai mặt này có xu hướng sẽ mâu thuẫn với nhau. Trong khi xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng là rất cần thiết đối với việc duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn thì mặt khác, đầu tư cũng làm tăng cầu trong nước và do đó góp phần gia tăng lạm phát. Trong năm 2008 này, phải quan tâm đến tác động thứ hai và phải chấp nhận việc cắt giảm tạm thời chi tiêu công. Tăng cường đầu tư công có thể được tiếp tục sau khi cân bằng kinh tế vĩ mô đã được phục hồi trở lại. Đầu tư công cũng phải thực sự hiệu quả, nhưng điều này là một mục tiêu dài hạn chứ không thể đạt được ngay lập tức.

Thứ tư, bong bóng ở thị trường bất động sản cần phải được xì hơi. Trong nền kinh tế phát triển quá nóng, lạm phát hàng hóa và bong bóng tài sản thường song hành, và có tác động thúc đẩy lẫn nhau. Bong bóng thị trường chứng khoán Việt Nam đã căng phồng vào năm ngoái, và việc phát triển nóng này lại được chuyển từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản. Hiện tại, giá bất động sản đã ở mức quá cao mặc dù đã xuất hiện các dấu hiệu suy giảm. Giá bất động sản giảm sẽ kéo theo ảnh hưởng xấu đến bảng cân đối kế toán của các các ngân hàng thương mại (thông qua các khoản cho vay đầu tư bất động sản và tài sản thế chấp) nhưng Chính phủ cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này. Quy mô nợ xấu ở Việt Nam hiện nay, so sánh một cách tương quan, thì thấp hơn nhiều so với cú sốc về tín dụng nhà đất ở Mỹ hay khủng hoảng ngân hàng ở Nhật vào những năm 1990.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh và hạn chế các khoản cho vay bằng các biện pháp hành chính, nhất là các khoản cho vay bất động sản, cho đến khi các thị trường tài sản trở lại bình thường.

Thứ sáu, dòng vốn nước ngoài cần được quản lý chặt chẽ cả về số lượng và khu vực đầu tư. Các quy định hành chính cần được đưa ra một cách tạm thời, nếu cần thiết cho đến khi nền kinh tế trở lại mức ổn định.

Một điều rất quan trọng là các biện pháp này cần được thực hiện một cách đồng thời và vừa phải, tránh việc quá dựa vào một biện pháp nào. Ví dụ, thắt chặt tín dụng sẽ dễ dàng được chấp nhận nhưng nếu biện pháp này được sử dụng quá mạnh tay sẽ tạo ra những méo mó trên thị trường tài chính. Mức độ “vừa phải” cho mỗi biện pháp như thế nào là điều khó có thể nói trước. Chính phủ cần phải nhìn nhận một cách thực tế và thận trọng hơn trong việc điều chỉnh “liều lượng” của các giải pháp trên.

Còn việc kiểm soát giá và hạn chế độc quyền thì sao? Trên thế giới, các biện pháp này thường được sử dụng để trừng phạt “những kẻ ngốc” và chứng tỏ quan điểm của Chính phủ khi làm gì đó. Nhưng trên giác độ kinh tế, các giải pháp này hiếm khi có hiệu quả. Khi giá tăng, thật không công bằng khi phê phán các nhà bán hàng đã tăng giá.

Cuối cùng, việc thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt được rất nhiều nhà kinh tế và các tổ chức quốc tế khuyến cáo. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp cơ bản. Khi tăng trưởng quá nóng do dòng vốn bên ngoài đổ vào, điều chỉnh tỷ giá có thể cải thiện được chút ít sự đánh đổi vĩ mô. Giảm giá nội tệ có thể làm cho lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, trong khi đó tăng giá nội tệ lại làm giảm khả năng cạnh tranh.

Trong tình trạng hiện nay của Việt Nam, chính sách tỷ giá nên được coi là một công cụ chính sách thứ cấp mà tác động của nó không nên được đánh giá quá cao. Thậm chí kể cả khi tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ không thay đổi, “việc hạ cánh an toàn” có thể đạt được khi thực hiện gói các giải pháp trên.

KENICHI OHNO

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới