Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để nhân viên lừa, ngân hàng chao đảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Để nhân viên lừa, ngân hàng chao đảo

Huỳnh Hoa

Để nhân viên lừa, ngân hàng chao đảo
Nick Leeson, thủ phạm làm sụp đổ Ngân hàng Barings, giờ đây là một diễn giả được mời mọc ở Anh; anh ta thường đến nói chuyện với các nhà doanh nghiệp về quản trị rủi ro trong ngành tài chính-ngân hàng. Ảnh: Nottingham Post

(TBKTSG) – Nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ để thực hiện hành vi lừa đảo, đầu cơ… dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng và ngân hàng không phải là chuyện hiếm. Những tổ chức tài chính không giám sát chặt chẽ nhân viên của mình, hệ thống kiểm soát nội bộ lỏng lẻo, không phát hiện sớm những giao dịch bất thường… đã phải trả giá rất đắt. Trường hợp của Ngân hàng Barings (Anh) và Ngân hàng Société Générale (Pháp) dưới đây vẫn còn là những bài học.

Nick Leeson và sự phá sản của Ngân hàng Barings

Nicholas “Nick” William Leeson sinh năm 1967, là nhân viên môi giới chứng khoán phái sinh của Ngân hàng Đầu tư Barings tại Singapore. Những hoạt động đầu cơ chứng khoán của Nick đã dẫn tới khoản thua lỗ hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ và “xóa sổ” luôn ngân hàng này năm 1995.
Nick Leeson tham gia Ngân hàng Barings năm 1989 và ba năm sau anh ta được bổ nhiệm làm giám đốc bộ phận kinh doanh chứng khoán phái sinh tại Sàn Giao dịch tiền tệ quốc tế Singapore (SIMEX). Trước khi sang Singapore, Nick đã bị Ủy ban Chứng khoán Anh Quốc từ chối cấp giấy phép hành nghề môi giới vì phát hiện gian lận trong hồ sơ xin hành nghề của anh ta.

Năm 1992, Nick Leeson đã tự ý thực hiện một số thương vụ đầu cơ; lúc đầu những thương vụ này có lãi lớn, mang về cho ngân hàng khoản lợi nhuận 10 triệu bảng Anh, tương đương 10% lợi nhuận hàng năm của ngân hàng và bản thân anh ta được thưởng 130.000 bảng, ngoài tiền lương 50.000 bảng Anh năm đó.

Tuy nhiên, những vụ đầu cơ kế tiếp lại thua lỗ và Nick Leeson phải dùng tài khoản 88888 – một tài khoản nội bộ của ngân hàng dùng để xử lý những vụ sai sót, nhầm lẫn trong giao dịch – để che giấu những khoản lỗ đó.

Sai lầm chết người của Ngân hàng Barings là cho phép anh ta vừa làm nhà kinh doanh chính (chief trader) vừa chịu trách nhiệm thu xếp tiền bạc cho các thương vụ – hai công việc lẽ ra phải do hai nhân viên khác nhau đảm nhiệm để tăng khả năng giám sát. Thế là Nick Leeson có điều kiện để giấu kín những vụ làm ăn thua lỗ của mình. Vào cuối năm 1992, số tiền thất thoát từ tài khoản này là 2 triệu bảng Anh, tăng lên tới 208 triệu bảng vào cuối năm 1994.

Thảm họa thật sự xảy ra vào ngày 16-1-1995, khi Nick Leeson đặt lệnh mua bán hai chiều trên sàn chứng khoán Tokyo và Singapore, phán đoán rằng thị trường chứng khoán Tokyo sẽ không thay đổi nhiều trong ngắn hạn. Bất đồ sáng sớm ngày hôm sau 17-1-1995, trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Kobe, đẩy các thị trường châu Á vào một cơn lốc. Leeson đã cố gắng vớt vát bằng cách đầu cơ hàng loạt thương vụ càng lúc càng rủi ro với niềm tin rằng chỉ số Nikkei sẽ sớm phục hồi nhưng điều đó không xảy ra.

Hơn một tháng sau, ngày 23-2-1995, anh ta để lại mấy dòng chữ “Tôi xin lỗi” rồi đào tẩu khỏi Singapore. Đến lúc ấy, tổng số tiền thua lỗ và thất thoát mà anh ta gây ra cho Ngân hàng Barings đã lên tới 837 triệu bảng Anh, tương đương 1,4 tỉ đô la Mỹ. Sau nỗ lực “cứu nguy” không thành của Ngân hàng Trung ương Anh Quốc, Ngân hàng Barings tuyên bố phá sản vào ngày 26-2-1995.

Nick Leeson bị bắt ở sân bay Frankfurt (Đức) và di lý về Singapore ngày 20-11-1995 để ra tòa về tội lừa đảo cũng như quy mô to lớn của những thiệt hại mà anh ta gây ra. Tòa án tuyên anh ta phạm hai tội “lừa dối Ngân hàng Barings và cơ quan chứng khoán Singapore” và “làm giả giấy tờ tài liệu”.

Mặc dù Leeson khai rằng, anh ta không hề mưu lợi cho bản thân mình nhưng năm 1996, báo The New York Times cho biết các điều tra viên đã phát hiện khoảng 35 triệu đô la Mỹ trong nhiều tài khoản có liên can tới anh ta.

Nick Leeson bị xử sáu năm rưỡi tù giam ở nhà tù Changi Singapore, nhưng đến năm 1999 thì anh ta được ân xá do bị chẩn đoán bị ung thư ruột kết; có điều anh ta vẫn sống khỏe mạnh từ đó đến nay, có thời anh ta làm CEO một câu lạc bộ bóng đá ở Ireland, còn nay thì chuyên đi nói chuyện với các doanh nhân về quản lý rủi ro trong kinh doanh (!).

Trong thời gian ở tù, Nick Leeson đã viết một cuốn sách, nhan đề Thương nhân lừa đảo (Rogue Trader) kể lại hoạt động của mình mà báo The New York Times nhận định là cuốn sách “phải đọc” của tất cả những người làm việc trong ngành ngân hàng và kiểm toán. Dựa theo nội dung cuốn sách này, năm 1996 đạo diễn Adam Curtis đã làm bộ phim tài liệu 25 triệu bảng Anh, sau đó có thêm một bộ phim truyện cùng tên với cuốn sách về hành vi lừa đảo trong ngân hàng do Ewan McGregor và Anna Friel thủ vai chính, ra đời năm 1999.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, vụ Nick Leeson xảy ra có phần lớn là do những khiếm khuyết trong cung cách quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Barings. Báo cáo của chính quyền Singapore cũng phê phán nặng nề hệ thống quản lý của Ngân hàng Barings, lưu ý rằng các nhà quản lý cấp cao của ngân hàng phải biết rõ hành vi của cán bộ dưới quyền chứ không thể để cho nhân viên tự tung tự tác và thoái thác trách nhiệm.

Ngân hàng Barings cũng đã phải trả giá. Với số vốn điều lệ 350 triệu bảng Anh, Barings không xử lý nổi khoản thất thoát 837 triệu bảng, buộc phải bán mình cho Ngân hàng ING Hà Lan với giá tượng trưng 1 bảng Anh, cùng với toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, kết thúc số phận của một ngân hàng có hơn 250 năm tuổi (ra đời năm 1762) và để lại một bài học lớn cho các ngân hàng khắp thế giới.

Jérôme Kerviel và Ngân hàng Société Générale (Pháp)

Khi gia nhập Ngân hàng Société Générale (Pháp) mùa hè năm 2000, Jérôme Kerviel mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp thạc sĩ tài chính tại trường Lumière Lyon 2. Trong năm năm đầu tiên anh ta làm việc tại bộ phận pháp lý của ngân hàng; đến năm 2005, Kerviel được đề bạt vào bộ phận kinh doanh Delta One của Ngân hàng Société Générale, chuyên quản lý các quỹ đầu tư, kinh doanh chứng khoán, hoán đổi tiền tệ, kinh doanh chỉ số chứng khoán tương lai…

Theo tài liệu của Société Générale, từ cuối năm 2006 đầu năm 2007, Kerviel thực hiện một số thương vụ mua bán chứng khoán phái sinh đem lại lợi nhuận cho ngân hàng nhưng quy mô tương đối nhỏ. Tuy nhiên, sang năm 2007, anh ta tùy tiện thực hiện những vụ đầu cơ có tổng giá trị lên tới 49,9 tỉ euro – cao hơn nhiều lần so với giá trị vốn hóa của ngân hàng. Các quan chức ngân hàng nói rằng, Kerviel cố tình che giấu hoạt động của mình bằng cách tạo ra những vụ kinh doanh thua lỗ trong khi những vụ kinh doanh có lời thì được anh ta giấu biệt.

Theo một bản tin của đài BBC, vào đầu năm 2008, Kerviel đã tạo ra khoản lợi nhuận bí mật 1,4 tỉ euro. Các quan chức cấp trên của Kerviel thì cho biết họ phát hiện những vụ mua bán tùy tiện, dẫn tới vai trò của Kerviel, vào ngày 19-1-2008. Ngân hàng đã ra lệnh đóng cửa các thương vụ này trong vòng ba ngày, bắt đầu từ ngày 21-1-2008. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thị trường lao vào lốc xoáy, các chỉ số chứng khoán tụt dốc thảm hại.

Quyết định bán tháo của Société Générale càng làm cho thị trường thêm hoảng hốt; trong ngày 21-1-2008 chỉ số chứng khoán châu Âu giảm tới 6%. Kết cục, Ngân hàng Société Générale bị thua lỗ, thất thoát khoảng 4,9 tỉ euro, tương đương 7 tỉ đô la Mỹ.

Ngân hàng Société Générale tuyên bố rằng Kerviel đã “có những thương vụ lừa đảo quy mô lớn trong những năm 2007-2008 liên quan tới các chỉ số chứng khoán châu Âu, vượt xa thẩm quyền của anh ta”. Tuy nhiên, giới phân tích hoài nghi làm thế nào những vụ kinh doanh lừa đảo quy mô lớn như thế lại không bị phát hiện sớm.

Phía ngân hàng cho rằng, để che giấu sự thua lỗ do mình gây ra, tránh bị phát hiện bởi hệ thống kiểm soát nội bộ, Kerviel đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn biến lỗ thành lãi trên sổ sách.

Khi bị phát hiện và điều tra, Kerviel đã thú nhận rằng, các nhân viên ngân hàng khác cũng làm như anh ta; mục đích của anh ta là tăng lợi nhuận cho ngân hàng chứ không nhằm thu lợi riêng từ những giao dịch đáng ngờ.

Những người thân trong gia đình thì nói rằng Kerviel “bị ngân hàng đưa ra làm con dê tế thần để hứng chịu những sự thất thoát to lớn của ngân hàng Société Générale”.

Ngày 24-1-2008, Ngân hàng Société Générale đệ đơn kiện “một nhân viên 31 tuổi” về tội tạo ra những tài liệu lừa đảo, sử dụng tài liệu giả mạo và tấn công vào hệ thống máy tính tự động của ngân hàng. Báo Le Figaro cho biết thêm, ngoài đơn kiện của ngân hàng, Kerviel còn bị một nhóm cổ đông kiện vì tội lừa đảo và giả mạo giấy tờ. Anh ta bị bắt giam ngày 26-1-2008 , bị truy tố vào ngày 28-1-2008.

Phiên tòa xử Kerviel được mở ngày 8-6-2010 và đến ngày 5-10-2010 anh ta bị tuyên án năm năm tù giam, thêm hai năm tù treo, bồi hoàn cho ngân hàng 6,7 tỉ đô la Mỹ và vĩnh viễn không được làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Kerviel kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm tại Paris ngày 24-10-2012 giảm án xuống còn 3 năm tù giam cộng với hai năm tù treo, bồi hoàn 4,9 tỉ euro. Tuy nhiên, theo bà Caroline Guillaumin, phát ngôn viên của Ngân hàng Société Générale, án phạt bồi hoàn tiền chỉ mang tính “tượng trưng” và ngân hàng không hy vọng sẽ thu được khoản tiền này. Kerviel tiếp tục kháng cáo và hồi tháng 3-2014 vừa qua, Tòa án Tối cao Pháp xử lại vụ án, giữ nguyên các mức phạt tù và tù treo nhưng miễn hình phạt bồi hoàn 4,9 tỉ euro. Cuối cùng thì chính Ngân hàng Société Générale phải gánh chịu toàn bộ tổn thất mãi mấy năm sau vẫn chưa phục hồi được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới