Thứ Sáu, 26/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Để thiếu trường, thiếu giáo viên, lỗi do đâu?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cứ vào đầu năm học mới là điệp khúc thiếu trường lớp và thiếu giáo viên lại xuất hiện trên báo chí. Nếu như trước đây nguyên nhân chính là không đủ kinh phí thì trong vài năm gần đây tình trạng này lại đáng lo ngại hơn vì nguyên nhân thiếu hụt đa phần do công tác triển khai chậm vì quy trình, thủ tục… ở một số địa phương.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến đầu năm học 2022-2023 vừa qua cả nước có 1.227.000 giáo viên, chỉ tăng thêm khoảng 71.000 người so với đầu năm học 2015-2016, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu. Theo thống kê, số giáo viên các môn học mới đến năm học 2025-2026 sẽ thiếu hơn 26.000 người.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Kết thúc năm học 2022-2023, theo thống kê sơ bộ, cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên, con số thiếu này tăng thêm 11.000 so với năm học 2021-2022.

Xu thế đáng lo ngại trong bối cảnh thiếu giáo viên hiện nay là lượng giáo viên nghỉ việc đang ở con số khá cao. Năm học 2021-2022 có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục và con số này trong năm học 2022-2023 vừa qua là hơn 9.000 giáo viên.

Trong khi tình trạng thiếu giáo viên tiếp diễn thì ở một số địa phương, việc tuyển dụng giáo viên lại bị “đóng băng”. Lý do là chính quyền địa phương đã áp dụng một cách máy móc khi thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để…thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế!(1)

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hiện tại các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu giáo viên chưa được tuyển dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải đề nghị các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng chỉ tiêu còn tồn đọng này.

Không chỉ thiếu giáo viên, tại một số nơi trường học cũng đang thiếu trầm trọng. Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội là địa phương cứ vào mùa làm thủ tục nhập học là được báo chí nhắc đến với cuộc khủng hoảng thiếu trường học. Cảnh phụ huynh phải xếp hàng từ 1-2 giờ sáng để có thể đăng ký nhập học cho con mình thường xuyên diễn ra trong nhiều năm qua tại quận này.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có nơi như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) dân số hiện tại trên 80.000, hàng năm có khoảng 1.500 – 1.800 trẻ được sinh ra nhưng chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở nên các trường luôn quá tải.

Tại thời điểm đầu năm học 2022-2023, trong khi phường Hoàng Liệt thiếu trầm trọng phòng học thì 12 lô đất dành để xây trường lại bị bỏ hoang, cho thuê làm bãi giữ xe. Trong số 12 lô này có 6 lô đất được quy hoạch xây trường học với tổng diện tích 6-7 héc-ta được giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Xây dựng) từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được xây trường(2).

Việc thiếu trường lớp là điều có thể thấy được từ rất sớm vì trên địa bàn phường này có tới 85 lô chung cư. Trong khi quy trình từ cấp phép đến xây dựng và có người vào ở ổn định phải mất 2-3 năm. Không rõ trong suốt thời gian đó, các nhà quản lý đô thị và ngành giáo dục đã làm gì mà không thể xây trường trong khi kinh phí không thiếu và mặt bằng lại có sẵn.

Và không chỉ có riêng phường Hoàng Liệt, trong cả năm 2022, toàn thành phố Hà Nội chỉ xây dựng thêm được 51 phòng học mới. Có thể thấy con số này khó lòng đáp ứng nhu cầu cho số lượng học sinh tăng thêm.

Muốn phát triển một dự án nhà ở cần phải đáp ứng kèm theo đó là việc phát triển các hạ tầng phục vụ dân sinh như đường giao thông, bãi đậu xe, trường học… tương ứng với quy mô dân số.

Trách nhiệm của tình trạng này đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương trong quản lý đô thị vì đã không triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh song song với các dự án nhà ở.

Ngay cả việc các chủ đầu tư dự án nhà ở không làm đủ trách nhiệm theo quy định về hạ tầng phục vụ dân sinh có liên quan đến dự án cũng thuộc trách nhiệm của chính quyền. Lẽ ra, với trách nhiệm, quyềm hạn và công cụ quản lý nhà nước của mình, chính quyền địa phương phải buộc chủ đầu tư làm đầy đủ trách nhiệm, không thể để cho họ “khất nợ” rồi “xù nợ” luôn.

Đâu thể cứ mãi lặp lại điệp khúc “do dân số tăng quá nhanh” để thoái thác trách nhiệm của chính quyền, để mặc gánh nặng tăng dân số khiến hạ tầng phục vụ dân sinh trong các đô thị ngày càng tệ hơn hơn?

Có thể nói, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường học đã được dự báo trong nhiều năm với các số liệu chi tiết về tăng dân số sẽ cần thêm bao nhiêu giáo viên. Thế nhưng, việc tuyển thêm giáo viên, xây thêm trường học lại diễn ra hết sức chậm chạp dù số liệu dự báo không thiếu, chỉ có hành động để triển khai là thiếu.

Để tình trạng thiếu trường, thiếu giáo viên cứ mãi tiếp diễn như vậy trong nhiều năm qua, đó là lỗi rất lớn của chúng ta với thế hệ con cháu mai sau.

——————

(1) https://thanhnien.vn/thieu-giao-vien-ngay-cang-tram-trong-tiep-dien-tinh-trang-giao-vien-nghi-viec-185230721191333364.htm

(2) https://tuoitre.vn/bi-thu-ha-noi-thieu-truong-lop-nen-di-hoc-phai-boc-tham-toi-xot-ruot-qua-20221012194017454.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Học tập là quyền hiến định của con trẻ, đặc biệt là cấp mầm non và phổ thông. Nhà nước ta đã minh định rất rõ điều này. Không ai, không cấp nào được phép làm trái chủ trương này. Khi tiến lên cấp học càng cao, nhất là đại học và trên đại học, thì sự lựa chọn sẽ đa dạng hơn, tùy vào nhu cầu và khả năng của người học. Cơ chế xã hội hóa có thể được áp dụng ở mọi loại hình, nhưng riêng cấp mầm non và phổ thông, nhà nước phải có trách nhiệm chủ đạo trong việc định hướng, định hình sự phát triển ổn định, bền vững, công bằng, hợp ý cho quá trình học hành và trưởng thành mọi mặt của con trẻ. Trong đó, vấn đề quyết định vẫn là chất lượng giáo viên, nội dung chất lượng chương trình giáo dục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới