Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất lập sàn giao dịch nông sản ĐBSCL

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bên cạnh hình thành trung tâm tích hợp sản xuất và phát triển logistics, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần sớm có sàn giao dịch nông sản để nâng tầm giá trị nông sản của khu vực này.

Những đề xuất, ý tưởng trên được nêu ra tại hội thảo phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hoá giữa TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL vào chiều ngày 17-12 trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2021.

ĐBSCL là khu vực sản xuất sản lượng lớn các loại nông, thủy sản gồm lúa gạo, rau quả, tôm, cá tra cho cả nước. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ thì hầu hết nông sản, thủy sản của khu vực này đều được cung ứng cho thị trường TPHCM, khu vực Đông Nam bộ và xuất khẩu thông qua nhiều kênh cung ứng.

Cần thiết lập sàn giao dịch nông sản ĐBSCL. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khi TPHCM và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, việc tổ chức sản xuất đầu vào, thu hoạch, tiêu thụ nông sản các tỉnh, thành vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các thương lái thu mua, các công ty phân phối, chợ đầu mối bị hạn chế đi lại và vận chuyển. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến ở ĐBSCL cũng đối mặt với nhiều thách thức về năng suất, tâm lý của người lao động và gia tăng nhiều chi phí…

Nhắc lại thời điểm tháng 6-9 vừa qua khi hệ thống chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, cho biết ĐBSCL không tiêu thụ được nông sản trong khi tại TPHCM, người dân khó tiếp cận được, giá tăng đột biến. “Đây là mối quan hệ hữu cơ”, ông Thư nói.

Tương tự, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng chuỗi cung ứng của ĐBSCL trong thời gian qua đã cung cấp cho TPHCM thông qua các siêu thị. Ngược lại, TPHCM đã hỗ trợ dịch vụ, nhân lực có trình độ cao cho ĐBSCL. Ông Nghĩa nhấn mạnh TPHCM rất cần ĐBSCL và ngược lại. Đó là mối quan hệ cộng sinh. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng điểm yếu của ĐBSCL là chưa có địa phương đứng ra chỉ huy và thiếu sự liên kết chặt chẽ. “Thực tế, sự hợp tác chưa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, thời gian qua sự phát triển của hệ thống các siêu thị nói chung và Saigon Co.op nói riêng đã tác động lớn đến xu hướng tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông đề nghị Saigon Co.op gắn kết chặt chẽ hơn với bà con nông dân, đảm bảo khâu sản xuất và cả khâu tiêu thụ.

Phiên thảo luận phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hoá giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh: BTC

Bên cạnh chuỗi bán lẻ rộng lớn ở TPHCM, Saigon Co.op cũng có hơn 20 siêu thị ở khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng dịch bệnh vừa qua cho thấy có hai chiều đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá. Sự đứt gãy của từng địa phương, ngay cả những tỉnh lân cận với nhau cũng không có khả năng luân chuyển hàng hoá.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Phạm Thiện Nghĩa, nhiều ý kiến cho rằng ĐBSCL là kho nông nghiệp tại sao không làm siêu thị nông sản, sàn giao dịch để nâng tầm giá trị nông sản. Bởi phần lớn nông sản ĐBSCL chở lên TPHCM hoặc Đông Nam bộ để chế biến rồi phân phối trở lại, qua nhiều khâu trung gian, chi phí tăng…

Ông Steven Starmans, chuyên gia người Hà Lan đang sống ở ĐBSCL, cho rằng ý tưởng sàn giao dịch nông sản ở ĐBSCL rất tốt nhưng cơ sở hạ tầng khu vực này quá yếu, đáng chú ý là logistics ở ĐBSCL rất tệ. “Vì vậy, muốn có sàn giao dịch nông sản thì việc cải thiện hạ tầng cơ sở phải ưu tiên hàng đầu”, ông Steven Starmans nói.

Với góc nhìn của đơn vị phân phối hàng hóa, Tổng giám đốc Saigon Co.op đề nghị, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước hợp tác mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng phải ngồi lại với nhau, cởi mở với nhau, kết nối với nhau vì mục tiêu chung. Ông Đức đề nghị cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp như có những mô hình, vựa, sàn giao dịch ĐBSCL thu hút các sản phẩm của tất cả các tỉnh thành. Với đề xuất của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông Đức cho rằng Saigon Co.op sẵn sàng tham gia và đứng ra chủ trì sàn giao dịch nông sản tại khu vực ĐBSCL.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới