Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất thuê nhà từ 15 m2 mới được đăng ký thường trú nội thành Hà Nội

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong dự thảo đang lấy ý kiến người dân, UBND thành phố Hà Nội có đề xuất quy định người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2.

Công an Hà Nội hướng dẫn người dân thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú - Ảnh: TL

Theo Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội, dự thảo nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ được các cơ quan soạn thảo của thành phố xin lùi thời gian thông qua, do tiếp tục xin ý kiến của người dân và các chuyên gia.

Dự thảo lần 2 sau góp ý, chỉnh sửa đã thêm nội dung mới: diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ, theo đó người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2, giảm 5 m2 so với dự thảo lần 1; khu vực ngoại thành là 8 m2 (17 huyện và thị xã Sơn Tây).

TTXVN đưa tin, một số tỉnh hoặc huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký cư trú ở những khu vực Hà Nội, TPHCM tăng nhanh và biến động nhiều ở nhóm có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ.

Điều 20 Luật Cư trú quy định những trường hợp thuê, mượn, ở nhờ được đăng ký thường trú khi đáp ứng các điều kiện: chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; bảo đảm diện tích về nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

Để nhập khẩu vào Hà Nội, TPHCM hoặc các thành phố trực thuộc trung ương khác, công dân cần có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại đó, nghĩa là người mua nhà ở quận, huyện nào, có sổ đỏ mang tên mình sẽ được đăng ký thường trú tại nơi đó.

Do đó khi cụ thể hóa Luật Cư trú, để tạo cơ sở pháp lý cho các thành phố lớn quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ giao HĐND cấp tỉnh quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu khi đăng ký thường trú nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong trường hợp người dân có chỗ ở hợp pháp nhưng không thuộc quyền sở hữu của mình mà lại muốn nhập khẩu Hà Nội cần phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau: vợ, chồng về ở với nhau; con về ở với cha, mẹ hoặc ngược lại; người cao tuổi về ở với anh, chị, em, cháu ruột; người khuyết tật nặng, không có khả năng lao động hoặc bị bệnh tâm thần về ở với người thân ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Ngoài ra, công dân còn được đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội khi đáp ứng các điều kiện như: được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm đó và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND thành phố quy định.

Một điều kiện nữa là người dân có thể đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở; cơ sở trợ giúp xã hội...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới