Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đến Israel để vào thị trường Trung Đông và Nam Âu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Israel sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm đến thị trường khoảng 9,5 triệu dân ở đất nước này, đồng thời từ đây mở rộng sang thị trường các nước ở khu vực Trung Đông, Nam Âu...

Israel là đất nước đầu tiên ở khu vực Tây Á mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (VIFTA) vào ngày 25-7 vừa qua.

Doanh nghiệp Việt Nam và Israel thảo luận cơ hội hợp tác kinh doanh trong khuôn khổ sự kiện diễn ra tại TPHCM ngày 15-8. Ảnh: Hùng Lê

Ông Nir Barkat, Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Công nghiệp Israel, đã chia sẻ như trên trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel diễn ra tại TPHCM ngày 15-8. Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TPHCM (VCCI HCM) phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức.

Theo Bộ trưởng Nir Barkat, nhiều doanh nghiệp châu Âu đưa hàng hóa vào tiêu thụ ở thị trường Israel với giá bán khá cao. Đất nước thuộc khu vực Tây Á này đang cởi mở chính sách hơn trong giao thương để có thêm nhiều sản phẩm, hàng hóa mới.

"Bất cứ sản phẩm nào đã được đưa vào thị trường khu vực EU thì cũng có thể đưa vào kinh doanh ở thị trường Israel", ông Nir Barkat nói, và cho rằng Israel sẽ "mở cửa" và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường với gần 10 triệu dân nơi đây.

Đáng chú ý, theo ông bộ trưởng, đến Israel, doanh nghiệp Việt Nam khộng chỉ có lượng khách hàng ở đất nước khoảng 9,5 triệu dân này mà từ đây còn có thể mở rộng sang thị trường các nước đầy tiềm năng ở khu vực Trung Đông và Nam Âu... "Chúng tôi đón tiếp nồng nhiệt doanh nghiệp Việt Nam đến kinh doanh và đầu tư", ông Nir Barkat nói.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết hiệp định thương mại tự do. Ông bộ trưởng tin rằng Hiệp định VIFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho hai nước. Trong đó doanh nghiệp Israel đến Việt Nam sẽ không chỉ tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân mà từ đây có thể mở rộng sang các nước khác ở khu vực Đông Nam Á và cả khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Theo ông bộ trưởng, Israel cũng muốn tạo quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tạo hệ sinh thái thuận lợi để các doanh nghiệp Israel có cơ hội hợp tác, đầu tư. "Doanh nghiệp Israel xem Việt Nam là cửa ngõ đầu tư vào Đông Nam Á với dân số 700 triệu người", ông nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nir Barkat mong muốn hai chính phủ cần xem xét việc cải thiện đường hàng không giữa 2 nước thuận lợi hơn, vì hiện tại từ Israel đến TPHCM phải đi quá cảnh nhiều chặn mất khá nhiều thời gian. Nếu có đường bay thẳng thì chỉ mất khoảng 8 giờ, điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước hơn.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng qua diễn đàn này sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp TPHCM và Israel hợp tác đầu tư, kinh doanh. Chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện, thúc đẩy sự hợp tác đầu tư này.

"Chính quyền thành phố luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi và tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, có các nhà đầu tư Israel, đến đầu tư, kinh doanh tại TPHCM", ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, hiện nay, Israel là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Ông tin rằng hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel vừa ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho hai nước, trong đó có TPHCM.

Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Israel hôm nay là một trong những nỗ lực của Israel và TPHCM trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và Israel có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác tiềm năng và đáng tin cậy trong thời gian tới.

“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng sau sự kiện hôm nay, nhiều mối quan hệ mới sẽ được thiết lập, nhiều hợp đồng mới sẽ được ký kết và nhiều thành quả mới sẽ được kiến tạo đối với quan hệ Việt Nam - Israel nói chung và giữa Israel với TPHCM nói riêng”, ông Hoan nhấn mạnh, và ông hy vọng sẽ được đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp Israel sang thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố.

TPHCM quan tâm và mong muốn thúc đẩy để quan hệ hợp với tác đối tác Israel, đặc biệt ở các lĩnh vực như: kinh tế số, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, quản trị đô thị…

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI HCM, cho biết về đầu tư, lũy kế tới 20-7-2023, Israel có 40 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 140 triệu đô la Mỹ, xếp thứ 47 trong tổng số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về thương mại, ông Liêm cho biết, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông. Israel là đối tác thương mại lớn thứ 33 trên tổng số hơn 200 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có xuất nhập khẩu hàng hóa. Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp của Israel thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ thủy sản; công nghệ thông tin & an toàn thông tin; thiết bị y tế; công nghệ thực phẩm; công nghệ tài chính; công nghệ y tế; an ninh quốc phòng,... đã gặp gỡ với doanh nghiệp Việt Nam để trao đổi hợp tác kinh doanh.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới