Đến lượt Bắc Âu rơi vào suy thoái
(TBKTSG Online) – Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển đã gia nhập danh sách các nước đang chống chọi với khủng hoảng, đánh dấu sự kết thúc của cái gọi là ngoại lệ Bắc Âu, theo L’Expansion.
So với tỷ lệ tăng trưởng trung bình của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), những quốc gia giàu có ở Bắc Âu luôn đạt mức cao hơn. Nhưng các nước này cũng không miễn dịch trước khủng hoảng kinh tế. Do quá lệ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt hướng đến khu vực đồng euro (trong đó chỉ Phần Lan là thành viên), nên các quốc gia này có cùng hiện trạng: nhu cầu tiêu dùng co lại do người dân mất lòng tin, sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu tụt giảm mạnh.
Trong quí 4-2008, GDP của Đan Mạch bị giảm 2% so với quí 3. Cơ quan thống kê của nước này cho biết đầu tư và tiêu dùng giảm thấy rõ trong quí 4 vừa qua, trong khi chi tiêu công lại tăng. Trong quí 1 năm ngoái, Đan Mạch là nước EU đầu tiên bước vào suy thoái, nhưng nền kinh tế nước này đã hồi phục trong quí 2, trước khi lại rớt xuống ba tháng sau đó.
“Có thể Đan Mạch đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nước này gặp phải từ sau Thế chiến thứ hai”, nhà phân tích Anders Matzen của tập đoàn ngân hàng Nordea hàng đầu của Bắc Âu bình luận. “Nhưng cũng không có gì bất thường khi một nền kinh tế nhỏ lệ thuộc vào xuất khẩu bị ảnh hưởng như vậy”.
GDP của Phần Lan cũng bị giảm 1,3% sau khi từng mất đi 0,3% (con số đã được điều chỉnh) trong quí 3. Theo cơ quan thống kê Phần Lan, nước này đang bị suy thoái. Gần như tất cả các lĩnh vực công nghiệp đều bị ảnh hưởng, với doanh số xuất nhập khẩu giảm hơn 14%. Đầu tàu kinh tế của nước này là Nokia chỉ đạt tăng trưởng 0,9%, sau khi từng đạt 4,5% trong năm 2007 và rất cao ở những năm trước đó.
Ở Thụy Điển, tình hình còn đáng lo ngại hơn khi GDP giảm đến 2,4% trong quí 4-2008 so với quí trước đó. Phát ngôn viên Sofia Runestav của Cơ quan thống kê SCB nhấn mạnh với AFP rằng Thụy Điển đã bước vào suy thoái từ quí 2-2008 chứ không phải từ quí 3 như công bố vào tháng 11.
Tính mức độ trượt giá hàng năm, GDP của nước này giảm đến 4,9% trong quí 4. SCB cho biết tình trạng tụt giảm tác động đến cả xuất khẩu (-7,2%) lẫn nhập khẩu (-5,4%), trong khi sản xuất công nghiệp giảm 6,1%. Đặc biệt Thụy Điển bị ảnh hưởng nặng do lĩnh vực sản xuất ô tô nước này bị điêu đứng, trong đó rõ nhất là hai thương hiệu Saab và Volvo Cars.
“Đây là con số rất bi kịch”, thủ tướng Fredrik Reinfeldt bình luận và được hãng thông tấn TT trích dẫn. Trong khi đó, bộ trưởng phụ trách thị trường Mats Odell cho rằng “tình hình rất xấu”. Trong khu vực này, Na Uy cho biết GDP tăng 1,3% trong quí 4-2008 nhờ tăng cường khai thác dầu hỏa và khí đốt. Hiện quốc gia này đang là một trong những nhà xuất khẩu dầu hỏa hàng đầu thế giới. Nhưng nếu không tính đến phần đóng góp của dầu hỏa và vận tải biển, GDP của Na Uy giảm 0,2%.
Năm 2009 sẽ là năm mà kinh tế của cả khu vực Bắc Âu bị suy thoái.
TẤN LỘC