Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đến năm 2030, cần gần 135 tỉ đô la đầu tư cho nguồn điện

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo quy hoạch điện VIII, đến 2030, tổng nguồn vốn đầu tư cho nguồn điện là khoảng 134,7 tỉ đô la Mỹ; trong đó, các dự án đầu tư ngành điện phải sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Ảnh: TL

Bộ Công Thương vừa có tờ trình số 6046 đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII), TTXVN cho biết.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện là 57,1 tỉ đô la Mỹ; trong đó nguồn điện là 48,1 tỉ đô la, lưới truyền tải là 9 tỉ đô la Mỹ. Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 77,6 tỉ đô la; trong đó nguồn điện là 71,7 tỉ đô la, lưới truyền tải 5,9 tỉ đô la. Như vậy, đến năm 2030, tổng nguồn vốn đầu tư cho nguồn điện là 134,7 tỉ đô la Mỹ.

Đáng chú ý, toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Cũng theo TTXVN, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về quy hoạch điện VIII. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo quy hoạch đã được duyệt.

Mục tiêu của kế hoạch là rà soát tiến độ các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện theo quy hoạch điện VIII; quy mô phát triển nguồn điện khác như điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, điện sinh khối và rác, pin lưu trữ, nguồn linh hoạt… được phân theo vùng hoặc theo tỉnh tại các mốc năm 2025, 2030; rà soát tiến độ các dự án lưới điện truyền tải quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện cần đưa vào vận hành.

Đồng thời, kế hoạch cũng hướng đến tính toán nhu cầu sử dụng đất tương ứng với kế hoạch đầu tư nguồn, lưới điện; phân loại dự án đầu tư công và dự án ngoài đầu tư công; nhu cầu vốn đầu tư công và vốn khác ngoài đầu tư công; xác định các nguồn lực và việc sử dựng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

1 BÌNH LUẬN

  1. Còn nhiều vấn đề bất hợp lý với bản kế hoạch này. Ai cũng biết là thiếu điện chủ yếu ở miền Bắc, do đó việc phát triển nguồn điện ở khu vực miền Bắc, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ cần nhiều nhất, sớm nhất, ưu tiên nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bảng phân bổ công suất đến 2030 của kế hoạch thì khối lượng nguồn điện lớn nhất vẫn ở khu vực Nam Trung bộ và miền Nam, bất chấp lưới điện truyền tải ra Bắc không đảm bảo và bị tắc nghẽn, không thấy phát triển điện gió ngoài khơi ở khu vực duyên hải khu vực Đông Bắc bộ và duyên hải Trung Trung bộ mà lẽ ra khu vực này cần nhất để cấp điện cho miền Bắc, phân chia tỷ lệ gió trên bờ bất hợp lý và không dựa trên số liệu thống kê thực tế về tiềm năng giữa các khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ; phân bổ điện mặt trời cũng thiên lớn tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên, điện mặt trời áp mái thì không rõ tổng công suất và phân bổ. Đồng thời, có rất nhiều các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất rất lớn đưa vào thực hiện trong Kế hoạch đến 2030 mà ai cũng biết rằng suất đầu tư điện khí LNG rất cao, khí LNG chủ yếu phải nhập khẩu với giá cao và phụ thuộc biến động thị trường, khí LNG phát thải CO2 cũng xấp xỉ bằng 1/2 so với than đá, để sử dụng điện LNG thì không chỉ nhập khẩu khí và xây nhà máy điện mà còn phải đầu tư xây dựng cơ sở lưu trữ LNG và nhà máy tái hóa khí và hệ thống vận chuyển LNG rất tốn kém và tất cả các chi phí đó sẽ đưa vào giá điện và người dân doanh nghiệp sẽ phải chi trả. Tiêu chí phát triển điện rác thải không chính xác, không quy định việc điều chỉnh bổ sung rà soát kế hoạch hàng năm sẽ thực hiện thế nào theo trình tự thủ tục và quy định pháp luật nào …. Tóm lại là rất nhiều vấn đề còn cần phải giải quyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới