(KTSG Online) - Trong bối cảnh thị trường quốc tế vẫn còn biến động kèm theo những thách thức mới từ "hàng rào kỹ thuật" của các nước nhập khẩu nhưng ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Đây được coi là thách thức lớn bởi con số trên tương đương với "đỉnh" của ngành này lập được vào năm 2022.
- Dệt may mong đã vượt qua ngày giông bão
- Cần làm gì để đẩy nhanh tốc độ ‘xanh hóa’ của ngành dệt may?
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may là 40,3 tỉ đô la, thấp hơn gần 10% so với năm 2022 và thấp hơn khá nhiều mục tiêu ban đầu ngành đặt ra (47-48 tỉ đô la Mỹ). Dù kinh tế các thị trường xuất chính như Mỹ, châu Âu... có một số tín hiệu khả quan nhưng dự báo về ngành dệt may năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn bởi giá xuống thấp, rủi ro xung đột địa chính trị, lạm phát vẫn còn ở mức cao...
Đơn hàng có cải thiện nhưng vẫn thấp
Báo cáo với cổ đông gần đây, lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho biết hiện công ty đã nhận được khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quí 1 năm 2024. Như vậy, sau khi trải qua 11 tháng của năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận lần lượt bị giảm 25% và 29% so với cùng kỳ, việc lấp đầy được đơn hàng sản xuất khẩu trong quí đầu năm được cho là tích cực trong tình hình hiện nay.
Tương tự, Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean) gần đây cũng nhận được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu với 1 triệu sản phẩm. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty, cho rằng đây là tín hiệu tích cực trong khởi đầu năm 2024, sau khi doanh nghiệp trải qua năm 2023 tăng trưởng âm, doanh thu giảm 20% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, tín hiệu về hoạt động sản xuất tích cực và đơn hàng trở lại như trường hợp của TCM hay tại VitaJean chưa phản ánh được bức tranh chung của doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hiện nay.
Trao đổi với KTSG Online, lãnh đạo một doanh nghiệp tại TPHCM chuyên xuất khẩu sản phẩm may mặc đi thị trường Mỹ và các nước EU cho biết, đơn đặt hàng vẫn còn rất yếu, chưa có tín hiệu khả quan so với những tháng trước đó. Vì vậy, hơn 40% lượng lao động của doanh nghiệp này mất việc trong năm qua hiện vẫn chưa có cơ hội quay trở lại nhà xưởng công ty.
Đánh giá về thực trạng đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp trong ngành, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), thừa nhận tình hình đơn hàng tại các doanh nghiệp chưa tốt. Thông thường trong quí 1, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất dồi dào, nhất là đồ ấm đáp ứng thời tiết lạnh mùa đông của các nước nhập khẩu. Nhưng năm nay tình hình có vẻ ảm đạm hơn.
"Đơn hàng có quay trở lại nhưng chưa đạt được như sự kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp may mặc vẫn còn khó khăn, làm những đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp và người lao động chưa quay lại guồng làm việc như trước", ông Hồng cho hay.
Theo AGTEK ghi nhận, khó khăn của ngành dệt may khiến cho 10% lực lượng lao động của ngành phải rời thị trường năm 2023. Đến nay, tình hình đơn hàng chỉ ở mức 80-90% năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Thực tế, người lao động ngành dệt may thường mong mỏi được tăng ca, tăng giờ làm để tăng thu nhập trang trải cuộc sống, nhất là dịp lễ, Tết. Nhưng thời điểm này doanh nghiệp rất khó tăng giờ làm, công nhân có công việc làm đã là may mắn.
"Nhìn chung tình hình đơn hàng dệt may có cải thiện nhưng chưa được nhiều, giá trị còn thấp và doanh nghiệp khó đưa ra dự báo cho năm tới vì xu hướng vẫn chưa rõ ràng", Chủ tịch AGTEK nói.
Áp lực với mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ đô la
Những khó khăn hiện nay của ngành dệt may được nối tiếp của 2023, năm mà tình hình thị trường xuất khẩu rất khó khăn. Doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực, thách thức lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, dư âm của đại dịch Covid-19, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu suy yếu dẫn đến việc cắt giảm lao động lẫn giờ làm.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng 2023 là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may nếu không tính năm 2021 thế giới đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Ngành đã có một năm lao động vất vả hơn, làm nhiều hơn nhưng hiệu quả thấp hơn.
Dù kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh năm 2023 nhưng ngành dệt may vẫn có một số bứt phá. Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm qua, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 2023 ước đạt khoảng 40,3 tỉ đô la, giảm hơn 9% so với năm 2022 và tụt xa mục tiêu ban đầu đặt ra là với 47-48 tỉ đô la.
Tại hội nghị tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam năm 2023, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đã đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỉ đô la, tức tăng 9,2% so với năm 2023 và là gần tương đương với kết quả kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành là vào năm 2022 (với 44,4 tỉ đô la).
Theo ông Cẩm, hiện nay tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang có dấu hiệu phục hồi, điều này làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm ngoái. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp.
"Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt sẽ là một trong những lợi thế lớn”, ông Cẩm nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cho rằng ngành dệt may trong nước nhìn chung đang tiếp tục xu hướng phục hồi. Sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, thị trường được dự báo về sự "ấm dần" trong năm 2024.
Ngành dệt may trong nước còn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Đó là 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đang được thực thi, 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán và sớm có hiệu lực.
"Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS đặt mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ đô la”, ông Giang kỳ vọng.
Dù vậy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu này của ngành, giới phân tích và các doanh nghiệp cho là gặp không ít khó khăn để trở thành hiện thực. Bởi lẽ kinh tế thế giới còn nhiều biến động và hết sức bất định. Đơn hàng xuất khẩu dự báo tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao.
Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỉ giá giảm, xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Đáng chú ý, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ "hàng rào kỹ thuật" của các quốc gia nhập khẩu, nhãn hàng thời trang. Đó là việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Chủ tịch VITAS cũng lưu ý, năm 2024 doanh nghiệp dệt may còn gặp thách thức khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc. Trong đó, đáng chú ý là các quy định liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…
Giới phân tích thị trường dệt may cũng lưu ý với doanh nghiệp rằng không nên sớm lạc quan đặt mục tiêu cao và nhận thất vọng như năm 2023, dù ngành này cũng đã nỗ lực hết sức.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT TMC, cho rằng, cùng thời điểm này những năm trước, doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng cho quí 1 và 50% đơn hàng cho quí 2. Nhưng năm nay doanh nghệp mới chỉ có 90% đơn hàng cho quí 1.
“Tình hình có thể cải thiện vào quí 2, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm hy vọng cho doanh nghiệp dệt may. TMC đặt mục tiêu kinh doanh tăng 13-15% doanh thu trong năm nay”, ông Trần Như Tùng nói.
Tuy vậy, để doanh nghiệp chờ được cơ hội này, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ để tồn tại và phát triển như tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tiếp tục giảm thuế phí cho doanh nghiệp...
Với những đặc điểm cơ bản của thị trường trong giai đoạn tới, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành. Đó là cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Với dự báo biến động liên tục về thị trường, các nhà máy cần phải linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo năng lực tìm kiếm đơn hàng.
Theo ông Lê Tiến Trường, môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, áp lực cạnh tranh ngày càng cao trong khi các lợi thế về chi phí của Việt Nam đã không còn như trước. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu, sáng tạo các giá trị mới để duy trì thị trường và khách hàng. Dựa trên những bài học kinh nghiệm của năm 2023 cần hướng đến phát triển bền vững, đi đôi với những yêu cầu của thị trường toàn cầu về dệt may bền vững.
Bối cảnh hiện nay đã có thay đổi, song khó khăn vẫn có thể kéo dài, thậm chí đủ dài để sàng lọc và loại khỏi “cuộc chơi” những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Thị trường sẽ lựa chọn những doanh nghiệp nào luôn đổi mới, sáng tạo.