Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Dị nhân’ dùng blockchain chống Covid

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Dị nhân’ dùng blockchain chống Covid

Vũ Dung

'Dị nhân' dùng blockchain chống Covid
 

(TBKTSG Online) – Tiến sĩ Đào Hà Trung vẫn nhớ như in buổi sáng sớm một ngày Chủ Nhật, cách đây 4 năm, ông rúng động khi đọc được bản tin về vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều trẻ em phải cấp cứu tại bệnh viện. Ngay lập tức, ông Trung nhắn tin cho một người bạn nước ngoài của mình là ông Erik Árokszállási: “Ta phải làm gì đó để giảm thiểu việc này, nhiều nước cũng bị giống Việt Nam". Và quá trình hình thành TE-Food, doanh nghiệp có tên được ghép bởi hai chữ cái đầu tiên của hai nhà đồng sáng lập Trung-Eric, cũng bắt đầu từ đây.

Cũng tại thời điểm năm 2016, tình trạng heo bị bơm nước và sử dụng kháng sinh, kích thích tăng trưởng diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam mà các ngành chức năng không có cách nào kiểm soát được, bởi công tác quản lý chất lượng và quy trình trong chuỗi cung ứng thực phẩm còn nhiều mặt hạn chế. “Quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm là việc phức tạp và trước kia chưa có các  công nghệ mới với giá thành phù hợp ”, TS. Đào Hà Trung nói.

Hai nhà sáng lập cùng các cộng sự đã phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) áp dụng trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo tính minh bạch từng khâu trong chuỗi sản xuất từ thực phẩm tới bàn ăn.

Theo TS. Đào Hà Trung, người cũng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ cao TPHCM, công nghệ Blockchain có ưu điểm là giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng minh bạch thông tin, ghi nhận sự kiện theo thời gian thực. Ví dụ, các bên tham gia chuỗi cung ứng sẽ nắm được sản phẩm từ quốc gia nào, nông trại nào, nhà nông cho động vật ăn gì và khi nào, tiêm thuốc gì, giết mổ ở đâu, cán bộ thú y nào cho xuất trại và cho bán thịt…

 

Điểm đặc biệt, dữ liệu khi đã đưa vào hệ thống Blockchain không thể thay đổi, hoặc nếu thay đổi sẽ phải được sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia.

Công nghệ Blockchain có thể thay thế các loại giấy tờ, không cần đóng dấu, ký tên… Các thông tin nằm trên hệ thống đám mây, ai cũng có thể kiểm soát thông tin qua thiết bị di động kết nối.

Nhà chức trách khi nhận thấy sản phẩm không an toàn sẽ phát hiện trong vòng một nốt nhạc  để thu hồi sản phẩm kém chất lượng trước khi nó tới tay người tiêu dùng. Trong khi trước đây, một vụ ngộ độc thực phẩm phải mất từ 3-4 tháng, thậm chí không thể tìm ra được nguyên nhân ngay cả tại thị trường Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU).

Do giải quyết được những điểm bất cập của thị trường, công nghệ do TE-Food sáng chế đã nhanh chóng được đưa  vào chuỗi cung ứng của các “đại gia” Việt Nam trong ngành thực phẩm như Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà và tỏa ra cách chuỗi siêu thị như Co.opMart, Vinmart, BigC, Aeon, Satra…. TE-Food cũng là công ty đầu tiên đưa con heo, gà, trứng vào lịch sử Blockchain thế giới.

Nói về độ lớn của thị trường và khả năng mở rộng quy mô, vị Chủ tịch TE-Food cho rằng, thực phẩm là mảng rộng, nhiều đối tác, nhiều sản phẩm, nhiều quy định trong khi cũng xuất hiện vô số lỗ hổng. Nông sản đang là kế sinh nhai của hơn 65 triệu dân Việt Nam, với sản phẩm làm ra để cung ứng cho thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường thế giới ngày càng khó tính. Để tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm trong thời gian tới sẽ phải nghĩ tới Blockchain như một trong những giải pháp không thể thiếu để quản lý và truy xuất nguồn gốc.

Càng làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, ông Trung càng nhận thấy tình trạng giả mạo thương hiệu, bán sai sản phẩm, ngộ độc thực phẩm là vấn đề nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU. Vậy là đến năm 2018, TE-Food International đã thành lập tại Đức và có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hungary, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật khách hàng tại TPHCM.

“Hiện chúng tôi có mặt tại 16 quốc gia, trên mọi châu lục nhưng niềm tự hào lớn nhất vẫn là Việt Nam vì TE-Food đã sinh ra tại đây và  được người tiêu dùng yêu mến  và nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các bộ ngành”, ông Trung nói. “TE-Food tự hào là startup công nghệ phát triển từ Việt Nam và phục vụ toàn cầu”.

Kể từ khi thành lập, sứ mệnh của TE-Food là tìm kiếm lợi nhuận bằng giải quyết các vấn đề xã hội. Khi gặp thực phẩm bẩn, startup này tìm giải pháp kiểm soát chuỗi cung ứng, khi bệnh dịch tả châu Phi, họ xây dựng hệ thống kiểm soát đàn chăn nuôi và thông tin dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu, các kỹ sư của TE-Food lại tiếp tục bắt tay vào hành trình tìm kiếm giải pháp giảm nhẹ tác động của sự kiện có một không hai này. “Các kỹ sư của TE-Food lại ngày đêm nghiên cứu cách hỗ trợ chống Covid-19 và vực dậy nền kinh tế hậu dịch”, ông Trung nói.

Theo quan sát của ông, ngành hàng không là ngành mang con người đến với nhau  để tìm hiểu văn hóa xã hội và cùng nhau phát triển kinh tế. Đây cũng là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên, và có thể cũng là ngành phục hồi cuối cùng sau đại dịch. Theo báo cáo ngày 5-6 của Tổ chức Hàng không Quốc tế (ICAO), Covid-19 sẽ xoá 300-400 tỉ đô la Mỹ doanh thu của ngành hàng không năm 2020.

 

TE-Food đã thực hiện  ý tưởng áp dụng “Health Passport”, sử dụng công nghệ Blockchain và một loạt các ứng dụng khác của công ty như Block Seal, Digital ID nhằm kiểm soát con người, phương tiện, địa điểm. Đây là ứng dụng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư phù hợp với luật pháp của EU và Mỹ.

Giả sử một nữ hành khách muốn bay từ New York đến châu Âu vào tháng tới với một hãng hàng không tham gia chương trình kiểm soát dịch bệnh, cô ấy có thể tải ứng dụng trên Android hoặc Apple xuống điện thoại, quét mã vạch hộ chiếu và tạo mã phản hồi nhanh (QR) của riêng mình. Nữ hành khách làm theo hướng dẫn của hãng hàng không bằng cách thêm bất kỳ tài liệu thông quan y tế nào cần thiết, bằng cách nhờ bác sĩ quét kết quả kiểm tra y tế vào mã QR của cô hoặc tự khai báo tình trạng sức khỏe của chính mình. Cuối cùng, một nhân viên của hãng hàng không quét ứng dụng của hành khách để hoàn tất quy trình trước khi lên máy bay. Vị khách này có thể tự kiểm soát từ ghế ngồi đến thức ăn và phòng vệ sinh  để yên tâm chuyến bay đã được thực hiện với chu trình an toàn nhất .

Hệ thống này được xây dựng kết hợp chuyên môn phân tích dữ liệu của GE, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây Microsoft Azure, và ứng dụng truy xuất và Blockchain của TE-Food.

Hợp tác với GE Aviation là thành công  không phải công ty lớn nào của Việt Nam cũng có cơ hội, chưa nói tới startup mới chỉ 4 năm có mặt trên thị trường như TE-Food. Điều này cho thấy, cơ hội sẽ đến với mọi doanh nghiệp nếu họ kịp thời nắm bắt thời cơ và cho ra mắt các sản phẩm tốt, đột phá.

“Bài học mà chúng tôi là startup phải hành động nhanh hơn quyết định của các tập đoàn. Khi đó chúng ta mới có cơ hội cộng tác với họ”, ông Trung nói.

Dù là công ty có tiếng tăm trong làng công nghệ và blockchain, nhưng theo ông Trung, tất cả mọi người, từ giám đốc tới nhân viên trong công ty đều phải xoắn tay làm từ những việc nhỏ nhất. “Tổng giám đốc và giám đốc kỹ thuật cũng viết code. chủ tịch HĐQT cũng tự thiết kế chu trình, test ứng dụng….”, ông Trung nói. “Chúng tôi làm vậy để hiểu sâu về bài toán của khách hàng đặt ra và khó khăn mà đồng nghiệp phải vượt qua. Điều này cũng giúp cho team gần gũi, chia sẻ và tự tin tư vấn cho khách hàng các giải pháp tối ưu”.

TE-Food cũng tự hào khi sở hữu những “dị nhân công nghệ”, những người đang được các tập đoàn nước ngoài săn đón với “ mức lương  khủng”  mỗi tháng. Họ theo TE-Food đã nhiều năm, thậm chí, nhiều người còn nói họ sẽ gắn bó trọn đời với công ty, bởi họ tin vào tầm nhìn và sứ mệnh mà công ty đặt ra.

“Có lẽ họ thích hợp tác với TE-Food vì niềm tin của chúng tôi vào công nghệ Blockchain và cách chúng tôi kiếm lợi nhuận từ việc giải quyết các vấn đề xã hội. Ngoài ra, tất cả các bạn quốc tế đều thích ăn đồ Việt Nam và khen phụ nữ Việt Nam rất đẹp”, ông Trung cười nói.

Nhà khởi nghiệp 54 tuổi này luôn cho rằng, năng lượng sống dưới làn da của mình như những người tuổi 30. Mới đây, ông còn thành lập một hợp tác xã 4.0 với tên gọi COOP 4.0, quy tụ 7 công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là mô hình mới, với các xã viên là các công ty công nghệ và hoạt động theo hình thức mua chung, bán chung, nhằm giảm chi phí sản xuất và nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới nhất

Dưới con mắt của một doanh nhân công nghệ, Đào Hà Trung luôn tìm ra những cái mới, những vấn đề mới và cho rằng cơ hội ở khắp nơi nếu doanh nghiệp biết giải quyết các vấn đề mà xã hội đang gặp phải. “Tôi sẽ không chịu nổi sự nuối tiếc nếu không làm những gì mình cho là đúng”, ông chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới