Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dịch chuyển đầu tư Nhật từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch chuyển đầu tư Nhật từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam đã diễn ra vài năm nay, và xu hướng này sẽ càng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.

Dịch chuyển đầu tư Nhật từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn
Trao đổi giữa doanh nghiệp Nhật Bản (bên trái) và lãnh đạo TPHCM cùng đại diện các sở-ban-ngành của TPHCM (bên phải) – Ảnh: Hùng Lê

Ông Takahisa Onose, Trưởng ban Tài chính – Thuế – Hải quan, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM, đã nhận định như trên với báo chí ở bên lề Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản 2018 giữa lãnh đạo TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) vào ngày 18-12.

Theo ông Takahisa Onose, môi trường đầu tư Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là khá tốt. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp xứ hoa anh đào đều có kế hoạch đầu tư mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc diễn ra căng thẳng đã thúc đẩy làn sóng dịch chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc sang Việt Nam nhiều hơn.

"Trước đây, đã có xu hướng di chuyển dòng vốn đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam. Và làn sóng này đang mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây, nên Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để tận dụng dòng vốn này", ông Takahisa Onose nêu ý kiến.

Tại hội nghị, ông Kawaue Junichi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, cho biết hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại TPHCM. Số doanh nghiệp Nhật đến TPHCM ngày càng gia tăng và người Nhật ở thành phố ngày càng nhiều, ngành nghề đầu tư cũng đa dạng hơn.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019, sẽ tạo động lực và mở ra nhiều cơ hội hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp của hai nước.

Tại hội nghị, lãnh đạo TPHCM cho biết thành phố luôn đánh giá Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Tính đến tháng 11-2018, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ năm tại TPHCM với 1.247 dự án còn hiệu lực, và tổng vốn đầu tư đạt gần 4,2 tỉ đô la Mỹ. So với năm 2017, thành phố đã có thêm hơn 200 dự án đăng ký mới và hơn 200 triệu đô la vốn đầu tư gia tăng từ Nhật Bản. Hiện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM đã có 1.000 thành viên, tăng khoảng 70 thành viên tính từ năm ngoái.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết Hội nghị Bàn tròn giữa lãnh đạo TPHCM và JCCH là một trong số ít sự kiện được tổ chức thường niên xuyên suốt trong 17 năm qua, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM.

Mặc dù vậy, kết quả đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào thành phố được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia. Do đó, lãnh đạo thành phố hy vọng các hội nghị bàn tròn sẽ nâng cao niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản vào chính quyền để an tâm sản xuất, mở rộng đầu tư.

Với mong muốn thành phố luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Liêm cho rằng thành phố luôn lắng nghe những ý kiến trao đổi chân tình, thẳng thắn và cởi mở của các doanh nghiệp Nhật Bản. Lãnh đạo thành phố tin rằng, sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn không chỉ đặt ra yêu cầu mà còn tạo động lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương.

"Hiện thành phố đang triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và mô hình đô thị thông minh, sáng tạo, các doanh nghiệp Nhật đang, sẽ đầu tư vào thành phố có thêm điều kiện, cơ chế, môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa", ông Liêm lưu ý.

Để chủ động kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản, trong năm qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cũng đã thực hiện 2 chuyến công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tại Nhật Bản và tiếp 17 đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu thông tin.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, đánh giá qua quá trình làm việc, các sở, ban ngành thành phố đã thể hiện rất tốt tinh thần trách nhiệm, thông qua sự phản hồi nhanh chóng, tích cực, rõ ràng và cụ thể. Lãnh đạo UBND thành phố khẳng định thành phố không chỉ kêu gọi đầu tư mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động tại đây. Do đó, những thắc mắc, câu hỏi tiếp theo của các doanh nghiệp liên quan đến môi trường đầu tư sau hội nghị này cũng sẽ được chính quyền thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất.

Ông Phạm Thiết Hòa cho biết để chuẩn bị cho sự kiện này, ngay từ tháng 6-2018, ITPC đã làm việc với JCCH tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Đến giữa tháng 10-2018, Ban tổ chức hội nghị đã tổng hợp được 38 câu hỏi liên quan đến 4 nhóm lĩnh vực: Môi trường – Đời sống; Pháp luật – Lao động; Thuế; Hải quan. Trong đó có 16 nội dung vấn đề phát sinh mới trong năm 2018 và 22 nội dung đánh giá lại các vấn đề của các năm 2016 – 2017.

Từ ngày 29-10 đến ngày 01-11-2018, ITPC đã phối hợp với 19 sở, ngành tổ chức 4 phiên họp trù bị với JCCH, thảo luận 17 nội dung liên quan lĩnh vực Môi trường – Đời sống; 9 nội dung liên quan lĩnh vực Pháp luật – Lao động; 8 nội dung liên quan lĩnh vực Thuế; 4 nội dung liên quan lĩnh vực Hải quan.

Sau 4 phiên họp trù bị, JCCH đã thống nhất phần trả lời của 34/38 câu hỏi; còn lại 4 vấn đề được trao đổi thêm tại Hội nghị chính thức, bao gồm:
– Đề nghị cung cấp dự thảo mới nhất của Nghị định sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật môi trường
– Đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc kiểm định chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn, kế hoạch bảo trì và nâng cấp đường ống cấp nước.
– Đề nghị các cơ quan chức năng có những giải pháp chấn chỉnh, giải quyết ô nhiễm tiếng ồn.
– Kiến nghị về công nhận chi phí hợp lý tính thuế dựa trên Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới