Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Dịch vụ công trực tuyến đang ở đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dịch vụ công trực tuyến đang ở đâu?

Tuyết Ân

Người dân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch-Đầu tư TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) - Bộ Thông tin-Truyền thông vừa công bố kết quả khảo sát đánh giá, xếp hạng các trang thông tin điện tử của các bộ ngành và địa phương. Đây cũng là dịp để nhìn lại những thành quả  ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính trên cả nước.

Đây là lần thứ hai Bộ Thông tin-Truyền thông tiến hành khảo sát và xếp hạng các trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, lần khảo sát này được thực hiện với quy mô rộng trên toàn quốc, từ các bộ, cơ quan ngang bộ đến tất cả các tỉnh thành.

Các tiêu chí đánh giá việc cung cấp thông tin cũng được cải tiến đáng kể, với tám nội dung về mức độ cung cấp thông tin, chỉ số truy cập và số dịch vụ hành chính công được cung cấp đến người dân.

Vẫn còn ít dịch vụ cấp độ 3

Nếu tính theo bốn cấp độ của các dịch vụ hành chính công trực tuyến được áp dụng đối với chính phủ điện tử thì cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nào cung cấp được dịch vụ ở cấp độ 4 – cấp độ cao nhất, cho phép thực hiện một chu trình khép kín từ nộp hồ sơ, giải quyết hồ sơ đến thanh toán chi phí trực tuyến, gửi và nhận kết quả qua mạng.

Dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 năm 2009 đã có sự gia tăng cả về số lượng dịch vụ và đơn vị cung cấp, từ sáu tỉnh thành với 30 dịch vụ năm 2008 lên 18 tỉnh thành với 254 dịch vụ. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin-Truyền thông, con số này vẫn còn rất thấp so với số lượng dịch vụ hành chính công cần cung cấp cho người dân.

Mặt khác, các dịch vụ cũng chưa đa dạng và thiếu đồng đều giữa các địa phương. Ba địa phương cung cấp nhiều dịch vụ cấp độ 3 nhất là Bình Phước, Lào Cai và Đà Nẵng (hơn 30), tuy nhiên các dịch vụ này chủ yếu liên quan đến việc thành lập, giải thể… doanh nghiệp, các loại giấy phép xây dựng.

Một số dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 khác đáng chú ý là thủ tục hải quan điện tử ở Thừa Thiên-Huế; quản lý các cơ sở bức xạ, đấu thầu trực tuyến, quản lý cán bộ công chức của Đà Nẵng.

Với hơn 3.800 dịch vụ công trực tuyến, TP.HCM là địa phương triển khai được 15 dịch vụ công cấp độ 3, trong đó có một số lĩnh vực quan trọng như cấp giấy phép về xây dựng, văn hóa, lao động, hộ tịch, khai sinh, chứng tử…

Năm 2009 cũng có sáu bộ và cơ quan ngang bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 so với con số hai cơ quan hồi năm 2008. Dẫn đầu là Bộ Công Thương với hai dịch vụ: quản lý - cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử và cấp giấp phép nhập khẩu tự động. Bộ Thông tin-Truyền thông với ba dịch vụ: đăng ký cấp phép tần số vô tuyến điện, đăng ký tên miền tiếng Việt và thông báo sử dụng tên miền quốc tế.

Các đơn vị khác cung cấp được một dịch vụ gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Khoa học-Công nghệ. Ở nhóm bộ ngành, các trang thông tin điện tử của các Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ chưa cung cấp được bất kỳ dịch vụ hành chính công trực tuyến nào.

Năm 2009 cũng có 25 tỉnh thành cung cấp được các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2, dẫn đầu là Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình. Dịch vụ cấp độ 1 được 50 tỉnh thành cung cấp.

Những nơi hiện chưa cung cấp được bất kỳ một dịch vụ công trực tuyến nào là Hải Phòng, An Giang, Vĩnh Long, Nam Định, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Quảng Ninh và Sơn La.

Chưa kể các tỉnh như Yên Bái và Điện Biên đến nay vẫn chưa có trang thông tin điện tử; hoặc các tỉnh Sóc Trăng, Hòa Bình, Lai Châu và Đắk Nông có trang thông tin điện tử nhưng không truy cập được.

Các cổng thông tin điện tử và các dịch vụ công trực tuyến chính là nơi phản ánh xu hướng hiện thực hóa cải cách hành chính đang tiến triển tới đâu. Đây cũng chính là cơ sở để xác định mức độ sẵn sàng của nền hành chính điện tử.

Vì thế, xem ra chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 là đẩy mạnh việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 cho người dân và doanh nghiệp vẫn đang là một thách thức lớn đối với tất cả các tỉnh thành hay bộ ngành, chẳng hạn đặt ra chỉ tiêu đến năm 2015 có 80% người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ khai thuế qua mạng; 90% cục hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử; 30% các cuộc đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn cho các cơ quan nhà nước được thực hiện qua mạng…

Các chỉ tiêu này cho thấy chặng đường phía trước của nền hành chính công điện tử quả là còn rất nhiều khó khăn.

Sự đổi ngôi

TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1 cả nước về số lượng dịch vụ công cung cấp trên mạng lẫn số lượng người dân truy cập thông tin. Hà Nội đứng thứ hai, tăng hai bậc so với bảng xếp hạng năm trước với hơn 2.200 dịch vụ công trực tuyến nhưng mức độ hấp dẫn vẫn còn thấp với số lượng truy cập chỉ đứng ở vị trí thứ 34/60.

Trong khi đó, địa phương có sự tiến bộ lớn nhất là Quảng Ninh, vươn lên vị trí thứ 4 so với thứ 49 năm 2008; Hải Phòng cũng từ vị trí số 35 lên thứ 5; An Giang từ thứ 29 lên 9. Năm 2009 cũng có nhiều địa phương bị tụt hạng, như Tuyên Quang từ 47 xuống 60, Quảng Nam từ 11 xuống 38, Bình Định từ 9 xuống 30...

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy có nhiều vị trí thay đổi. Tuy nhiên, Quảng Bình vẫn giữ vững vị trí thứ nhất về mức độ cung cấp thông tin trên trang web, đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng thể trang thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các địa phương. Nếu xét theo tiêu chí số lần truy cập tính trên đầu người thì Đà Nẵng dẫn đầu, Cà Mau về nhì, TP.HCM đứng thứ 3, Quảng Bình thứ 20 và Hà Nội thứ 21.

Cuộc khảo sát lần này cho thấy các địa phương như Bình Phước, Đồng Tháp, Hậu Giang… đang tiến khá nhanh trên bảng xếp hạng. Chẳng hạn Bình Phước từ vị trí 48 về mức độ cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử, năm 2009 đã nhảy lên vị trí thứ 4; Quảng Ninh cũng tiến rất mạnh về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đứng thứ 2 trong khi năm 2008 địa phương này không có điểm nào về dịch vụ công.

Ở nhóm các bộ và cơ quan ngang bộ, tiêu chí quan trọng nhất là mức độ cung cấp thông tin, thì Bộ Tài chính đứng đầu bảng thay vị trí của Bộ Giáo dục-Đào tạo năm ngoái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vị trí thứ 3, trong khi hai vị trí kế tiếp thuộc về Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi đó, trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng theo số truy cập trên toàn thế giới dù bộ này chỉ xếp thứ 8 về mức độ cung cấp thông tin trên trang web.

Các vị trí kế tiếp thuộc về Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục-Đào tạo. Mặc dù chỉ xếp thứ 10 nhưng trang web của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại đứng đầu về số lượng dịch vụ công trực tuyến (286 dịch vụ), cao hơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (264 dịch vụ) và Ngân hàng Nhà nước (224 dịch vụ). Bộ Nội vụ là nơi có số lượng dịch vụ công trực tuyến ít nhất với hai dịch vụ ở mức độ 1.

Khó có thể so sánh cụ thể về chất lượng dịch vụ và mức độ tương tác với người dân tại các tỉnh nhỏ với các trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội như TP.HCM hay Hà Nội, nhất là trong một lĩnh vực liên quan mật thiết đến quyền hưởng thụ công nghệ của người dân. Tuy nhiên, các chỉ số cơ bản của kết quả khảo sát cũng đã phác họa một bức tranh của nền hành chính điện tử trong lộ trình phát triển. Điều này phản ánh rõ nét hơn công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc xây dựng chính phủ điện tử trên cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới