Dạo mạng mua hàng hiệu
Nguyễn Phạm Khánh Vân
(TBVTSG) - Ai yêu thích hàng hiệu cũng biết, không dễ để có được món hàng New Arrival (hàng mới về) hay Limited Edition (sản xuất có hạn) tại Việt Nam. Ngoại trừ cách đi nước ngoài mua hàng, thì dân mê hàng hiệu chỉ còn cách mua trực tuyến…
Mua hàng trên mạng hay mua hàng trực tuyến hiện được rất nhiều người yêu thích vì có thể tiếp cận những đợt bán hàng giảm giá hoặc hàng mới một cách nhanh nhất.
Không đơn giản chỉ là mua hàng hiệu
Một ngày, trên eBay.com, một người bán hàng trên eBay (eBayer) rao bán chiếc túi Louis Vuitton (LV) của bà mình, chiếc Speedy 25 chất liệu canvas monogram bình thường. Chiếc túi rất cũ, nhưng chất liệu nhìn mềm mại theo thời gian sử dụng, chiếc quai da lên nước bóng đen, không thể tìm thấy màu vàng đặc trưng của da bò – chất liệu thường dùng cho quai và viền túi của LV. Ai yêu thích nhãn hàng này và có tìm hiểu về lịch sử phát triển của nó đều biết, mỗi chiếc túi sản xuất sau thập niên 1980 đều có mã hiệu thời gian sản xuất (datecode) riêng, nói lên thời gian và nơi sản xuất. Chiếc Speedy này là hàng chính hãng 100% nhưng lại không có datecode, nên rất nhiều người tham gia đấu giá để mong muốn sở hữu chiếc túi độc đáo này.
Những người yêu thích hàng hiệu thường gửi link cho nhau: louisvuitton.com, ebay.com, designersimport.com hay eluxury. Thế nhưng, ngoại trừ một số mạng sẵn sàng bán hàng và chuyển hàng về Việt Nam, có những trang web chỉ bán cho một số quốc gia và người mua có địa chỉ trên thẻ thanh toán quốc tế trùng với địa chỉ giao hàng. Lúc này, chỉ có cách nhờ thân nhân ở nước ngoài đứng ra mua giùm. Nếu không ngại mấy mươi phần trăm thuế dành cho hàng xa xỉ phẩm, đánh không căn cứ vào giá trên hóa đơn mà sẽ căn cứ vào đánh giá của hải quan thì cứ chuyển thẳng về Việt Nam và đương nhiên người mua sẽ phải chịu thuế. Tại hải quan có một số quy định về giá trị hàng hóa để người mua chịu thuế.
Mua cách này rất an toàn và hợp pháp nên nhiều người ưa chuộng. Có những dòng hàng hiếm hoặc hàng đã lỗi thời, không thể tìm thấy ở các cửa hàng thời trang, hay chính các công ty sản xuất cũng chẳng còn lưu giữ, nhưng lại có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Chỉ có điều không đơn giản là “bỏ tiền ra mua” vì hình thức thường gặp nhất là đấu giá hay đưa ra giá tốt nhất (best offer) với rất nhiều tips – mánh dành cho dân chuyên dạo chợ net.
“Tips” trên mạng
Câu hỏi thường gặp nhất là làm sao tìm được hàng chính hãng, không mua nhầm hàng nhái. Ngoại trừ một số trang web cung cấp dịch vụ xác thực nguồn hàng (như caroldiva), thì nói chung người mua vẫn phải tin nhau là chính. Muốn tin được, dân chuyên lùng hàng trên mạng thường mua hàng của những PowerSeller, có biểu tượng trên mỗi rao hàng. Hoặc thêm một cách là xem lời bình (comment).
Không phải như blog để có thể thoải mái đưa ra nhận xét. Trên eBay chỉ cho phép một lời nhận xét trên mỗi giao dịch được thực hiện, với thời hạn cụ thể (để chờ thanh toán và chuyển hàng) nên rất khó để đưa ra nhận xét ảo. Nếu trong phần nhận xét đã từng đề cập đến việc người bán ấy bán hàng nhái thì thường ít khách giao dịch. Nói chung là mua qua những mạng nghiêm túc thì thường an toàn hơn. Thậm chí khi người bán đã chuyển hàng, nhưng hàng bị phát hiện là không giống như miêu tả hoặc hàng nhái, người bán thường phải trả lại tiền vì có những mạng giữ tiền cho đến khi hai bên hoàn toàn thỏa mãn với giao dịch. Có khách hàng mua chiếc iPhone từ một eBayer là một công ty nghiêm túc của Hongkong, đến khi nhận hàng lại là hàng nâng cấp, người mua gửi trả lại hàng và yêu cầu trả lại tiền. Khi eBay can thiệp thì mới biết công ty rất đàng hoàng nhưng nhân viên phụ trách đã tìm cách tuồn hàng giả vô. Đương nhiên là bên bán phải trả lại tiền.
Làm sao để thắng các cuộc đấu giá mà không bị hớ? Những món hàng độc đáo, những sản phẩm đang thu hút sự chú ý thường được rất nhiều người trả giá và những khách hàng khôn ngoan thường chỉ bắt đầu đấu giá vào những giây cuối cùng trước khi hết giờ. Tham gia từ đầu chỉ làm tăng giá sản phẩm mà chưa chắc sẽ có được món hàng mình yêu thích.
Bản thân việc mua một món hàng đã là thú vị, mua qua mạng còn thú vị hơn, có thể đấu giá, xem kết quả hay đặt giá, chờ người bán trả lời, với nguồn hàng phong phú, từ giá trị tinh thần vô hình đến giá trị vật chất hữu hình, có thể là một chiếc giỏ da Hermes cực đẹp, viên kim cương De Beer cho đến bữa ăn tối… Chẳng thế mà nhiều người mê mua sắm đến nỗi suốt ngày lên mạng lướt “chợ online” và vui buồn cùng nó, để thấp thỏm đợi chờ đóng kết giao dịch.
Hiện nay, các mạng xã hội cũng rất phổ biến để họp chợ như Facebook, webtretho… nhưng các mạng này không có phương thức thanh toán và thường thì các quản trị viên mạng cũng hạn chế việc kinh doanh của các thành viên trên mạng. Cách thanh toán phổ biến nhất là chuyển tiền đặt cọc vô tài khoản, khi nhận hàng sẽ thanh toán hết, tuy không thuận tiện lắm nhưng đỡ rủi ro hơn việc dùng thẻ tín dụng thanh toán trên mạng vì nguy cơ mất thông tin cá nhân rất cao và nếu bị đánh cắp, có thể mất một số tiền rất lớn. Thế nên, cẩn thận trong tất cả các giao dịch là không bao giờ thừa.