Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điều cấp thiết đối với đảo ngọc Phú Quốc

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cậu lái xe taxi chở tôi đi lòng vòng thăm vài điểm tham quan mùa Tết ở đảo ngọc Phú Quốc, khoe với tôi công việc làm ăn của cậu ấy phát đạt mấy năm nay nhờ du lịch của đảo phát triển mạnh. Khách quốc tế nhiều năm qua đã xem đảo ngọc như là thiên đường du lịch khiến công việc lái xe đưa đón khách của cậu ấy khấm khá.

Thế nhưng, câu chuyện của chính cậu ấy kể cũng phần nào cho thấy có một thứ cấp thiết, còn quan trọng hơn cả du lịch, đối với tương lai phát triển của đảo ngọc.

Cậu lái xe kể, mấy năm trước, gia đình khoan giếng nước ngầm tới 60 mét mới có nước. Vậy nhưng cũng gọi là may mắn, vì theo cậu, nhiều nơi khoan giếng, mặc dù chính quyền nghiêm cấm, khoan hơn 60 mét vẫn kiếm không ra nước. Trong khi vùng cậu ấy sống, thời cậu còn trẻ, khoan chừng 25-30 mét là có nước ngầm dùng thoải mái.

Hiếm có hòn đảo nào ở Việt Nam có diện tích rừng và tầng nước ngầm phong phú như Phú Quốc. Diện tích của đảo gần 60.000 héc ta thì hiện nay diện tích rừng được cho là rừng tự nhiên và phòng hộ lên tới gần 40.000 héc ta, tức hơn 60% diện tích của đảo là rừng. Khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy chất lượng nước ngầm ở đảo khá tốt, có thể khai thác cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt với trữ lượng tiềm năng theo tính toán gần 123.000 mét khối/ngày đêm; trữ lượng có thể khai thác được xác định khoảng 36.900 mét khối/ngày đêm.

Hiện nay, hệ thống cấp nước sạch cho các xã, phường ở đảo Phú Quốc hoạt động gần hết công suất. Một hội thảo về nước trong năm 2022 cho thấy Nhà máy nước Dương Đông có công suất thiết kế 24.000 mét khối/ngày thì cung cấp khoảng 21.000-23.000 mét khối/ngày, tức gần bằng công suất thiết kế.

Nguyên nhân thì ai cũng rõ, dân số đảo tăng mạnh, đầu tư phát triển du lịch khá nhanh, chỉ trên trang web đặt phòng quốc tế thì đã có hơn 700 khách sạn ở Phú Quốc đăng ký đặt phòng qua mạng. Một người am hiểu về du lịch Phú Quốc nói với người viết rằng nhu cầu sử dụng nước cho du lịch khá "khủng khiếp". Theo lời ông thì một khu du lịch quy mô lớn vừa đi vào hoạt động ở đảo đã có nhu cầu dùng 500 mét khối nước mỗi ngày, trong khi khách sạn, khu du lịch quy mô lớn mọc lên như nấm.

Với tiêu chuẩn cấp nước cho khu vực đô thị khi đảo ngọc từ hành chính cấp huyện lên thành phố là 120 lít/người/ngày, với khách du lịch là 300 lít/người/ngày, cộng với nước cho công nghiệp - dịch vụ thì tổng nhu cầu cấp nước của Phú Quốc năm năm nay lên đến 70.000 mét khối/ngày, cao gấp nhiều lần công suất thiết kế.

Mặc dù là đảo giữa biển Tây Nam nhưng gần đây cứ mưa lớn là bị ngập cục bộ, có nơi ngập sâu hơn 1 m nước. Mà lý do là khá đơn giản: tốc độ xây dựng đô thị quá nhanh và độ nén đô thị cao khiến cống thoát nước quá tải. Thu gom và xử lý nước thải hiện chỉ có một số ít khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo được trang bị hệ thống này, còn lại hầu hết nước thải sinh hoạt của hơn 144.000 dân và hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh trên đảo đều xả trực tiếp không qua xử lý ra sông, suối, kênh rạch… rồi đổ ra biển.

Tình trạng này khiến đảo Phú Quốc bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ xung quanh đảo, vốn thuộc phạm vi khu bảo tồn biển Phú Quốc. Trong tương lai, nếu không có giải pháp triệt để, liệu đảo có còn là thiên đường du lịch biển nữa hay không?

Chính quyền đảo dự báo nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 là cấp nước sạch cho khoảng 500.000 người, với công suất 120.000 mét khối/ngày. Đồng thời, phải thu gom và xử lý khoảng 72.000 mét khối nước thải/ngày, sức ép không hề nhỏ cho một huyện đảo mới vừa lên thành phố thuộc tỉnh.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm ở Phú Quốc cho tương lai, chính quyền đảo đã đề nghị các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mới xây tuyệt đối không được khoan giếng nước ngầm riêng. Những nơi đã khoan thì yêu cầu đóng hẳn, chuyển sang dùng nước máy để tránh ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm của đảo. Nhưng đây là điều không dễ dàng. Khi nhu cầu sử dụng nước trong các khu nghỉ dưỡng đến hàng trăm, hàng ngàn mét khối mỗi ngày thì khoan giếng dùng nước ngầm là cách nhanh nhất, rẻ nhất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (Aus AID) cách nay không lâu đã tổ chức một hội thảo chủ đề thúc đẩy quản lý, sử dụng nước bền vững cho đảo Phú Quốc.

Tương lai phát triển của đảo ngọc Phú Quốc rõ ràng không hẳn là hàng chục, hàng trăm khách sạn, khu nghỉ dưỡng mọc lên, hàng triệu du khách đến mỗi năm… mà là… nước.

3 BÌNH LUẬN

  1. Để tồn tại, sau không khí, là nước. Hai thứ quý giá nhất trần gian. Trời đất quá hào phóng. Không phải vì của cho không bằng cách cho. Mà vì thiên nhiên muốn thử lòng người, vô tri/ vô cảm/ vô dụng đến mức độ nào.

  2. Nên có qui định các cơ sở kinh doanh, sản xuất lắp đặt hệ thống xử lý tái chế nước thải để sử dụng lại. Điều tôi quan tâm là nước thải nếu không được xử lý khi thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, lúc đó Đảo Ngọc sẽ không còn thu hút du khách .Phú quốc đang phát triển rất nhanh, nếu không có qui định kịp thời thì có hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.

  3. L.N.H có một comment, sâu sắc và đau đớn. Nhưng thực tế là vậy. Nếu cần thiết phải “xóa bài, làm lại” thôi. Tự nhiên rất hào phóng, nhưng cũng rất khắt khe. Nhưng bản chất của trời đất là luôn nhân từ với con người biết phục thiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới