Thứ Sáu, 19/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Điều chỉnh chính sách để thúc đẩy phát triển ngành nội dung số

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nội dung số là ngành được đánh giá là có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Song, theo các chuyên gia, chính sách hiện hành cũng như dự thảo chính sách quản lý hoạt động trong nước và nước ngoài đang kìm hãm sự phát triển của ngành này.

Nội dung số là ngành được cho là có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Sconnect

Nội dung số là ngành có tiềm năng phát triển

Tại một hội nghị được tổ chức mới đây, ông Vũ Kiêm Văn, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, đã phân tích về tiềm năng phát triển đối với ngành sáng tạo nội dung số Việt Nam.

Theo ông Văn, nội dung số nằm trong nhóm ngành đã được Chính phủ quan tâm thúc đẩy từ năm 2007. Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển công nghiệp nội dung số với đặc điểm về lao động trẻ và giàu tính sáng tạo, về hạ tầng viễn thông internet phát triển vào tốp đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cởi mở trong việc tiếp nhận các nền tảng số nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Những đặc điểm này đã đặt các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam vào bối cảnh dễ dàng được gia nhập thị trường toàn cầu thông qua nền tảng xuyên biên giới; việc kinh doanh của các doanh nghiệp nội dung số cũng có nhiều thuận lợi. Vì thế, theo ông Văn, đó là những tiềm năng hứa hẹn nội dung số trở thành ngành công nghiệp tỉ đô.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin Truyền thông, cho biết, lĩnh vực nội dung số phát triển rất nhanh trong thời gian qua, với doanh thu năm 2022 ước tính là khoảng 800 triệu đô la Mỹ.

Trò chơi trực tuyến là một trong những mảng phát triển mạnh của ngành nội dung số. Tại Diễn đàn Game Việt 2023 được tổ chức mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết cơ quan này đặt kế hoạch sau 5 năm nữa, doanh thu ngành game tăng từ 600 triệu đô la Mỹ lên một tỉ đô la Mỹ. Số lượng đơn vị phát hành game tăng trở lại, lên mức 100 – 150 doanh nghiệp và kéo thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp mới trong lĩnh vực này trong 5 năm tới.

Cũng tại diễn đàn trên, dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, đánh giá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất nhì thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, riêng Việt Nam có 54,6 triệu người chơi.

“Trong bối cảnh Việt Nam có hạ tầng Internet tốt, rẻ, dân số dùng smartphone lớn, ngành game Việt có nhiều dư địa phát triển cho cả các nhà phát hành, phát triển”, ông Thắng nhận định.

Còn ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC Game, đánh giá game đã tạo ra một lĩnh vực mới là thể thao điện tử. Lĩnh vực này có thể trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế số. Dẫn số liệu thống kê trên thế giới, ông Bảo cho biết thể thao điện tử có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 8% và dự kiến có 640 triệu người theo dõi bộ môn này năm 2025. “Nếu chỉ quan tâm đến trò chơi thì có 10%, nhưng quan sát cả hệ sinh thái thì sẽ thấy có 90% còn lại đóng góp vào nền kinh tế số”, ông Bảo nhấn mạnh.

Chính sách đang kìm hãm sự phát triển

Tại một hội nghị được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, sáng tạo nội dung số là một trong những cấu phần quan trọng của công nghệ số, là một trong những ngành không thể thiếu trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số Việt Nam xây dựng được vị thế cho riêng mình trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng sự phát triển của ngành vẫn chưa được như kỳ vọng vì vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, đặc biệt trong hoạt động quản lý nội dung và thuế. Mặc dù sáng tạo nội dung số được xác định như một hoạt động kinh doanh thông thường, nhưng chưa có các quy định cũng như ưu đãi cho ngành nghề. Thậm chí còn bị tình trạng thuế chồng thuế khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới.

Tại hội nghị “Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Tiệp, chuyên viên cao cấp về kế toán thuế, Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam, đã giải thích về việc các cá nhân, tổ chức tham gia sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên nền tảng quốc tế đang bị nộp “thuế chồng thuế”.

Phân tích một trường hợp cụ thể với các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, ông Nguyễn Việt Tiệp dẫn chính sách của nền tảng và cho rằng, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế.

Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).

“Như vậy, các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế”, ông Tiệp cho hay.

Ông Tiệp thông tin thêm, từ năm 1992 tới nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 60 hiệp định đã có hiệu lực áp dụng. Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ đã được 2 nước ký kết năm 2015. Tuy nhiên, đến nay do phía Mỹ chưa phê chuẩn nên Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa 2 nước chưa có hiệu lực.

Trong Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ quy định người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam. Với Mỹ, nhà đầu tư/quỹ đầu tư Mỹ tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho Mỹ.

“Việc sớm thực thi hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ là bước đi quan trọng trong việc giảm gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam đề xuất Tổng cục Thuế xem xét áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 lần với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Riêng với thị trường Mỹ, liên minh kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.

Cùng với đó, với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài, liên minh đề xuất áp dụng thuế suất VAT là 0%, với cả cá nhân và doanh nghiệp. Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam, cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế thu nhập cá nhân 1%; với doanh nghiệp VAT là 10%.

Trước các vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là về thuế đối với hoạt động doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam cũng cho biết, với vai trò là nơi bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nội dung số, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, hội đã kiến nghị đến Tổng cục Thuế và sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.

Được biết vừa qua, Bộ Tài chính đã đề nghị xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó đề xuất bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, trò chơi trực tuyến là loại hình giải trí có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.

Sau đó, các doanh nghiệp, chuyên gia đã có ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan về tính bất hợp lý khi đưa trò chơi trực tuyến vào diện phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt. Sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính đưa trò chơi trực tuyến ra khỏi danh mục dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhân viên một công ty nội dung số đang làm việc. Ảnh: Sconnect

Chương trình đồng hành với doanh nghiệp ra nước ngoài

Trước thực tế Việt Nam đã có những đại diện chứng minh được năng lực có thể sản xuất ra các sản phẩm và được nhiều người dùng thế giới sử dụng (Sconnect sản xuất phim hoạt hình, trò chơi Flappy bird gây sốt toàn cầu…), tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nội dung số vẫn than rằng họ đơn thương độc mã khi đi ra quốc tế. Về việc này, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận chưa có nhiều chương trình, đề án cụ thể đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình tiến ra nước ngoài.

Ông Long cho hay bộ sẽ triển khai các hoạt động cụ thể khi các doanh nghiệp đi ra nước ngoài với sự hỗ trợ của nhiều công cụ, nhiều chương trình cùng sự phối hợp của rất nhiều bộ ngành (như Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên thị trường nước ngoài.

Trong năm 2023, bộ sẽ tập trung triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp nội dung số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Chương trình bao gồm chuỗi các hoạt động, các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số ở nước ngoài, ký kết các hiệp định về đối tác số với các nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả hơn, bộ cũng đã thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, một số hiệp hội chuyên ngành và doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới