(KTSG) - Buổi mai ở một ngôi làng vùng sơn dã.
- Hội An: Hình thành ngôi làng hạnh phúc theo hướng di sản gắn với du lịch
- Những ngôi làng Hàn Quốc trên đất Hậu Giang
Qua làn gió nhẹ, những bông chè trong vườn trải mùi hương êm dịu. Tháng Chạp đang chậm rãi qua, dường như những cội chè ở vùng trung du này cố trỗ cho kỳ hết đợt bông cuối cùng vừa để tiễn biệt mùa đông vừa để đón chào mùa xuân kề cận.
Những con ong có lẽ được đánh thức bởi mùi bông chè. Thật tươi vui khi nhìn những cánh ong nhỏ bé chợt bay, chợt đậu bên những bông chè số đang mãn khai số còn hàm tiếu dưới trời hửng nắng. “Ong lấy mật bông chè mới mấy bữa nay. Chưa nhiều, đây là lứa ong mở đầu mùa mật năm tới”, người chủ vườn nói khi thấy tôi mải ngắm nhìn lũ ong lăn tăn bên những lùm chè.
Nhà khắp làng tuyệt không cổng ngõ với chốt khóa lỉnh kỉnh (như ở vùng đồng bằng), thật yên bình. Tôi rảo bước cùng khắp. Đá trong vườn, từ những tảng lớn đến những viên nhỏ được cài xếp thành những bờ ngăn để giữ đất phủ đều rêu xanh, chen vào là những loại dương xỉ nhỏ cùng các giống cỏ đá mềm mại, óng ánh màu ngũ sắc. Một sinh cảnh nhỏ nhoi nơi miền đất cận rừng mưa nhiệt đới Đông Trường Sơn vẫn chứa đựng một phần triết lý cộng sinh của thiên nhiên vô cùng tận!
Những vườn chè chỗ thưa chỗ dày đâu cũng rộn rịp lũ ong, có chỗ xen vào những con bướm có đôi cánh sặc sỡ. Cảm kích xiết bao, loài vật với thân hình mềm yếu cùng đôi cánh mong manh này đã khổ nhọc ẩn mình suốt những ngày đông với mưa sa gió táp để sống sót hòa mình vào với muôn sắc xuân phía trước!
Những bông chè tươi rạng trên cành cùng số rơi đầy dưới gốc, tôi chợt nhận ra sự tương cận giữa chúng với bông mai. Vẫn năm cánh mỏng nở đều ra bên chùm nhụy vàng tua tủa, bông chè nhìn gần trông không mấy khác với loại mai trắng năm cánh, chỉ khác là chúng được bung nở từ những cành lá xanh thẫm chứ không từ những cành rụng hết lá như hoa mai. Tuyệt vời thay, thiên nhiên đã sinh ra loài cây không chỉ cho con người loại nước uống tốt lành mà còn cho ra một loại bông mang sứ điệp báo trước mùa xuân!
Những dãy núi xa, những dãy đồi gần chắn viền cả một thung lũng lớn (với nhiều làng mạc bên trong) toát lên sự yên ắng, sự tĩnh tại của thời khoảng giao hội giữa hai tiết mùa trong nỗi đợi chờ nao nức không chỉ của người. Từ phía cuối làng, nơi tiếp giáp với chân đồi bỗng trỗi lên tiếng chim tu hú. Không nhiều, chú chim chỉ gióng lên chừng dăm tiếng tu hú, tu hú, rồi im bặt.
“Hay quá! Tu hú về lại rồi, chắc năm nay nhuần nên nó về sớm đó” - người chủ khu vườn mà tôi vừa mới rảo đến, nói, vẻ mặt lộ niềm vui. Từ bao đời truyền lại, cứ vào đầu mùa xuân, có khi cuối mùa đông, hễ tu hú từ nơi di trú trở lại vùng trung du, vùng đồng bằng cất tiếng kêu là biển giã sẽ vào mùa cá chuồn - loại cá ngon được cả kẻ chợ cũng như nậu nguồn(*) mong đợi. Như trong những câu ca dao:
Tu hú kêu bớ cá chuồn
Cô ả về nguồn có nhớ anh không
Hay
Nhón chưn kêu bớ nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên
Thật tuyệt vời với những cư dân nơi quê làng sơn cước khi họ được nghe những âm giai thân thiết đầu mùa của loài chim được coi là sứ giả của tiết mùa, của sự kết liên hai cõi biển - nguồn!
Vị chát nhẹ thoảng mùi thơm của một bông chè hàm tiếu tôi bứt nhai cho tôi cảm giác như được nhấp một hớp nước chè tươi. Dãy núi phía trước làng trông thẩm đậm hơn khi vừng hồng lên cao. Lại có tiếng tác của con mang từ phía núi xanh vọng xuống. Có lẽ con mang đã không nén được tiếng vui trước sự phấn khích từ cái nắng hanh báo mùa sắp đến. Và tôi cũng không cầm lòng được trước nỗi vui không ngờ có: đã lâu lắm tôi mới được nghe lại được tiếng kêu của loài vật rất đỗi hiền lành và dễ thương nơi hoang dã này.
Nhiều người trong làng cùng túa ra đường hướng nhìn lên phía núi. Rất may cho con vật, qua những gì họ nói với nhau, tôi biết người làng sẽ không săn bẫy loài mang để tránh điều xui rủi cho làng ở thời điểm cuối năm - đầu năm.
Con mang trên rừng sẽ không bị dân làng săn giết, được chừa cho sống sót để thung thăng nhảy nhót bên những cỏ non mầm mới của tiết xuân, vui biết bao! Tôi nhìn lên những núi đồi thẳm màu cây, nhìn lại những ngôi nhà, vẫy chào những ai mình đã gặp nơi đây. Trên đường đi vẫn vọng vang, vẫn hiện bên tôi âm sắc của con chim tu hú, của con ong con bướm vờn đậu trên bông chè; tất cả như một khúc điệu luân vũ trước thềm xuân nơi lũng làng sơn cước!
(*) Người ở vùng cao