(KTSG Online) – Cuộc đình công kéo dài 8 ngày của lực lượng lao động ở cảng Felixstowe ở bờ biển phía đông nước Anh đang chặn đứng dòng chảy hàng hóa thông qua cảng container lớn nhất ở nước này, đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là nơi xử lý khoảng 1/3 khối lượng container xuất nhập khẩu của Anh và thậm chí chiếm một thị phần thương mại trực tiếp lớn hơn với châu Á, cảng Felixstowe có tầm quan trọng chẳng kém cảng Los Angeles và cảng Long Beach ở bang California (Mỹ), cửa ngõ giao thương với châu Á hay cảng Rotterdam (Hà Lan), trung tâm thương mại hàng hải của Liên minh châu Âu (EU).
Đình công đòi tăng lương khi thu nhập bị xói mòn do lạm phát
Ngày 21-8, hơn 1.900 công nhân viên của cảng Felixstowe bao gồm người lái xe cần trục, nhân viên kỹ thuật vận hành máy móc, công nhân bốc xếp... bắt đầu cuộc đình công kéo dài 8 ngày để yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát ở Anh tăng hơn 10%, mức cao nhất trong 40 năm, làm xói mòn thu nhập của họ. Cảng Felixstowe xử lý 4 triệu container mỗi năm từ 2.000 tàu. Đây là cuộc đình công đầu tiên ở cảng này kể từ năm 1989.
Hôm 19-8, Hutchison Ports, đơn vị chủ quản của Felixstowe, cho biết đã đưa ra một thỏa thuận dàn xếp công bằng: tăng lương 7% cộng thêm khoản tiền thưởng một lần 500 bảng (604 đô la). Công ty cho biết liên đoàn lao động của cảng Felixstowe, đại diện cho khoảng 500 nhân viên nắm giữ các vai trò giám sát, kỹ thuật và văn thư, đã chấp nhận thỏa thuận. Tuy nhiên, công đoàn Unite, đại diện cho cả lực lượng công nhân cảng Felixstowe, không chấp nhận vì cho rằng mức tăng lương 7% thấp hơn mức tăng lạm phát hiện tại.
Tổng thư ký công đoàn United, Sharon Graham cho biết cảng Felixstowe đạt mức lợi nhuận 61 triệu bảng trong năm 2020 và công ty mẹ, CK Hutchison (Hồng Kông), đã chi đến 91 triệu bảng để chia cổ tức cho các cổ đông trong năm đó. Vì vậy, bà cho rằng người lao động ở cảng Felixstowe cần được tăng lương với mức xứng đáng.
Cuộc đình công có thể làm gián đoạn hơn 800 triệu đô la thương mại, theo Công ty phân tích và dữ liệu Russell Group. Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá bất kỳ tác động nào lớn hơn, các công ty dự báo thời gian giao hàng kéo dài hơn và chi phí cao hơn sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế đang chịu áp lực lạm phát của Anh.
Các hãng tàu biển cảnh báo cuộc đình công có thể gây trở ngại cho thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số hãng đã phải chuyển hướng các tàu container của họ khỏi cảng Felixstowe, gây tốn kém thêm thời gian và chi phí vận chuyển
Tuần trước, hãng tàu biển lớn thứ hai thế giới, Maersk (Đan Mạch) cho biết hai tàu container của hãng sẽ không cập vào cảng Felixstowe như thường lệ và sẽ dỡ hàng ở các cảng khác ở châu Âu trước khi gửi chúng trở lại Anh khi cuộc đình công kết thúc. Một tàu container khác của Maersk sẽ chuyển sang cảng DP World London Gateway, cảng bận rộn thứ 3 của Anh.
“Chúng tôi có thể phải trả thêm chi phí vận chuyển giống như các khoản chi phí phát sinh khi tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3-2021. Đó là một rủi ro trong kinh doanh. Bạn phải vượt qua và cố gắng bán nhiều đồ chơi hơn”, Gary Grant, người sáng lập The Entertainer, một nhà bán lẻ đồ chơi, đang có lô hàng chờ giao ở cảng Felixstowe, cho biết.
Giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Anh đang trong xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch Covid-19. Tình trạng gián đoạn hơn nữa về phía nguồn cung có thể kết thúc xu hướng giảm này.
Nguy cơ thiếu hụt hàng hóa phục vụ Giáng sinh
Trước khi cuộc đình công diễn ra, cảng Felixstowe đã giảm tình trạng tắc nghẽn do tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid đối với thương mại thế giới. Nhưng cuộc đình công hiện tại có thể sẽ đảo ngược tiến trình đó, CK Hutchison cho biết khi chỉ ra rằng các cuộc đình công tương tự ở các cảng như Melbourne (Úc) và Montreal (Canada) đã làm tăng thêm thời gian vận chuyển container từ 15% đến 50%.
Công ty môi giới giao nhận hàng hóa Flexport ước rằng có thể mất 24 ngày để giải quyết hàng hóa tồn đọng ở cảng Felixstowe sau cuộc đình công. Các tác động lây lan có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn hậu cần bên ngoài nước Anh vì cảng Felixstowe có 15 dịch vụ vận chuyển hàng tuần bao gồm các tàu container và phà chở xe tải sang các nước lục địa châu Âu khác và châu Á.
Theo dữ liệu của OEC, một tổ chức giám sát thương mại quốc tế, các mặt hàng nhập khẩu lớn nhất qua cảng Felixstowe, nằm ở hạt Suffolk, cách London khoảng 112 km, là đồ nội thất, máy tính và phụ tùng ô tô. Một mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác qua cảng là hàng may mặc, đặc biệt là từ Ấn Độ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với hàng hóa xuất và nhập qua cảng Felixstowe.
Cảng này ghi nhận mức hụt thương mại lớn trong tháng 5, với kim ngạch xuất khẩu đạt 861 triệu bảng và nhập khẩu tổng cộng 3,84 tỉ bảng, cho thấy nó đóng vai trò trụ cột trong việc cung cấp hàng hóa cho các nhà bán lẻ ở Anh. Tình trạng thiếu hụt một số hàng hóa có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu cuộc tranh chấp lao động ở cảng Felixstowe tiếp tục kéo dài sang mùa thu, khi các cửa hàng ở Anh bắt đầu tích trữ hàng để phục vụ mùa mua sắm cao điểm dịp lễ Giáng sinh.
Chris Rogers, nhà kinh tế học chuỗi cung ứng của Flexport, cho biết cuộc đình công ở cảng Felixstowe diễn ra đúng lúc hành trình hơn 40 ngày vận chuyển các sản phẩm phục vụ lễ Giáng sinh từ Đông Nam Á đến Anh bắt đầu. Ông nói: “Các chuỗi cung ứng dựa vào thương mại toàn cầu của Anh sẽ không tránh khỏi một số gián đoạn”.
Cú sốc cho lĩnh vực hậu cầu và chuỗi cung ứng ở châu Âu
Các công nhân ở cảng Liverpool, cảng lớn thứ 4 ở Anh, một trung tâm quan trọng cho thương mại xuyên Đại Tây Dương, cũng đã được cấp phép tổ chức cuộc đình công yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát đang bào mòn thu nhập của họ. Trước đó, công nhân ở cảng này đã từ chối mức tăng lương 7%.
Các cuộc đình công ở các cảng nhộn nhịp nhất của Anh có thể tạo ra những cú sốc trong toàn bộ lĩnh vực hậu cần và chuỗi cung ứng của châu Âu, theo nhận định của S&P Global. Các cảng bận rộn nhất của châu Âu, đặc biệt là cảng Hamburg ở Đức và cảng Rotterdam ở Hà Lan, cũng đang chật vật xử lý tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Nếu các tàu container chuyển hướng từ cảng Felixstowe sang các cảng này, tình trạng tắc nghẽn sẽ càng gia tăng.
Tại Anh, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực hàng hải. Lực lượng lao động đường sắt quốc gia và tàu điện ngầm ở London cũng tổ chức các cuộc đình công đòi tăng lương vào tuần trước. Trong khi đó, hơn 115.000 nhân viên của Công ty bưu chính Royal Mail sẽ bắt đầu cuộc đình công kéo dài 4 ngày kể từ ngày 26-8 tới. Nhân viên ở các sân bay và hãng hàng không ở Anh cũng đang vướng vào cuộc tranh chấp với giới chủ và ngay cả giới luật sư tranh tụng (barrister) và y tá cũng đã tổ chức các đình công hoặc đang lên kế hoạch bỏ phiếu đình công.
Mặc dù tác động của riêng của cuộc đình công ở cảng Felixstowe có thể không đáng kể đối với GDP của Anh vì diễn ra vào giữa quí 3, chưa phải là mùa cao điểm của vận chuyển hàng hải, tác động tổng thể của các cuộc đình công sẽ tạo ra lực cản lớn đối với nền kinh tế Anh, theo nhận định của Chris Rogers.
Theo Bloomberg, Politico