(KTSG Online) – Có thể nhìn nhận CSR là một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh tốt trong mắt của đối tác, khách hàng và xây dựng được lòng tin đối với nhân viên trong bối cảnh xã hội có nhiều sự thay đổi như hiện tại.
- Saigon Times CSR 2021 tôn vinh các doanh nghiệp vì cộng đồng
- CSR và câu chuyện về sự đồng lòng: Chìa khóa thoát ra khỏi đại dịch bền vững
Đây là nhận định của ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC, tại buổi hội thảo mang chủ đề “Muốn đi xa thì đi cùng nhau” trong buổi lễ tôn vinh Saigon Times CSR 2021 do Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào tối ngày 17-12.
Doanh nghiệp định hình CSR - Corporate social responsibilities
Những năm gần gây, trước các biến động lớn về kinh tế - xã hội, ngày càng có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vài trò cũng như giá trị khi hướng đến trách nhiệm với xã hội và những giá trị nhân văn, đây được coi là một trong những yếu tố góp phần tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chuyên gia nhượng quyền thương mại, bà Nguyễn Phi Vân (Doanh nhân và Nhà đầu tư thiên thần), cho rằng việc thực hiện chính sách CSR thực sự là một phần quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. CSR thể hiện vai trò toàn diện của doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội, người lao động, đồng thời góp phần không nhỏ trong chiến lược phát triển thương hiệu của chính doanh nghiệp.
“Đã đến lúc, doanh nghiệp cần định hướng lại các hoạt động CSR để các hoạt động này có thể thực hiện được những trách nhiệm xã hội lớn lao hơn và trở thành giá trị của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Phi Vân nhận định.
Ông Lê Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân, cho biết ngay những ngày đầu thành lập, lãnh đạo công ty đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm với xã hội và xác định đó là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững.
“Công ty đã thể hiện trách nhiệm với xã hội không chỉ ở việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, không gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng; không gây ra những tác hại xấu đối với môi trường sinh thái, mà còn quan tâm đến người lao động, môi trường làm việc và những chế độ phù hợp dành cho cán bộ nhân viên đang làm việc tại công ty”, ông Lê Anh nói.
Việc tiếp cận CSR dưới góc độ kiến tạo giá trị vào chiến lược kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp định hình và có cái nhìn nhẹ nhàng hơn khi thực hiện những trách nhiệm xã hội. Đồng thời, CSR hiện nay được xem như là tiêu chuẩn để xác định vai trò của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người và đáp ứng các mối quan tâm của khách hàng nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh.
Rào cản và những thách thức
Mặc dù nhận thức rõ việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng nếu doanh nghiệp muốn thành công, vươn xa hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, nhưng trong quá trình hội nhập toàn diện hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sức ép cạnh tranh ở cả ba cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia), năng lực sản xuất, hay các vấn đề cải cách thể chế, chính sách...
Là đơn vị đồng hành với rất nhiều doanh nghiệp hoạt động CSR, bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc điều hành LIN Center, cho rằng so với các năm trước, thời gian gần đây, những chủ đề về CSR đã trở nên phổ biến hơn nhưng doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong cách thức thực hiện.
“Cụ thể, để thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở viêc cung cấp nguồn lực, mà cần đi sâu vào giải pháp thực tế, giải quyết các vấn đề phát sinh để từ đó thực hiện tốt CSR”, bà Lâm Ngọc Thảo nhận định.
Có ý kiến cho rằng CSR hay phát triển bền vững là câu chuyện của các tập đoàn lớn với tiềm lực kinh tế hùng hậu, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp lực về tài chính và định hướng phát triển vẫn đang là một rào cản lớn.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng nếu nói về bền vững là nói về một cái gì đó xa, còn khi nói đến chiến lược chúng ta chỉ nói về tầm nhìn. Việc quyết định thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội là phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp trong quản trị rủi ro và cũng là cơ hội để nhìn lại bước đi của mình trong tương lai. Doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế hạn chế trước tiên cần phải có hiệu quả kinh tế để tồn tại, việc trở thành một “tế bào tốt” trong nền kinh tế cũng đã là một đóng góp có ích cho xã hội.
“Tôi không đánh giá cao doanh nghiệp làm từ thiện tốt nhưng không tuân thủ pháp luật, hoặc làm từ tiện nhiều nhưng hằng năm vẫn lỗ. Đó không phải là những tế bào bền vững. Tùy vào năng lực mà doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội theo từng bậc khác nhau”, ông nói.
Bên cạnh việc đề cao sự phát triển của doanh nghiệp gắn với các hoạt động CSR, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng đánh giá cao vai trò truyền thông của báo chí trong việc lan toả tinh thần CSR đến các doanh nghiệp và cộng đồng; đưa việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến gần hơn với chính người tiêu dùng; phổ biến khái niệm CSR, tạo sức ép để các doanh nghiệp chuyển đổi, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Qua đó, các doanh nghiệp mong muốn báo chí sẽ cùng đồng hành trong câu chuyện CSR nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương trong tiến trình phát triển theo xu hướng hội nhập toàn cầu.
Ngày 17-12, sau gần bảy tháng triển khai chương trình Saigon Times CSR 2021,Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (The Saigon Times Group) đã tổ chức lễ tôn vinh 42 doanh nghiệp có các hoạt động CSR thiết thực và hiệu quả, giúp xã hội phát triển bền vững và thịnh vượng. Lễ tôn vinh được tổ chức tại khách sạn Rex, quận 1, TPHCM, với sự tham dự của khoảng 150 khách mời, bao gồm đại diện các doanh nghiệp, ngoại giao đoàn và các doanh nghiệp đối tác của Saigon Times Group.