Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Định vị thương hiệu để trái cây ‘chinh phục’ thị trường

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cây ăn trái là ngành hàng chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để ngành hàng này “chinh phục” thị trường tốt hơn, bên cạnh việc củng cố nền tảng nội tại, theo các chuyên gia là cần phải định vị lại thương hiệu sản phẩm.

Củng cố nền tảng nội tại, định vị thương hiệu để giúp trái cây Việt Nam chinh phục thị trường tốt hơn. Ảnh: Trung Chánh

Từ củng cố “nền tảng” nội tại...

Tại phiên thảo luận chuyên đề “Chuyển đổi trái cây ĐBSCL hướng tới hiệu quả, bền vững, phát thải thấp” diễn ra hôm 20-12 trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup lần 1- năm 2022 ở tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành cây ăn trái là có nhà máy, nhưng thiếu vùng nguyên liệu tập trung. Điều này đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là làm chi phí tăng cao.

Thông qua chính sách "dồn điền, đổi thửa", các doanh nghiệp ngành hàng trái cây kỳ vọng tương lai vùng ĐBSCL sẽ hình thành được các vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo cho chế biến và xuất khẩu.

Ông Bùi Hồng Quân, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit, cho biết qua kinh nghiệm của đơn vị này, việc xây dựng vùng nguyên liệu nên thực hiện ở quy mô tối thiểu 60-70 héc ta nhằm đảm bảo không bị ảnh hưởng từ những khu vực xung quanh. “Bởi, trường hợp có diện tích chỉ vài ngàn mét vuông hoặc vài héc ta thì rất dễ bị nhiễm chéo phân thuốc nên rất khó cho việc đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm”, ông Quân giải thích.

Đối với trái cây, hiện xuất đi Trung Quốc phải có mã số vùng trồng và yêu cầu được quốc gia này đưa ra là vùng trồng đó phải có diện tích lớn hơn 10 héc ta. “Không phải ngẫu nhiên mà họ (Trung Quốc) đưa ra con số 10 héc ta, cho nên, chính sách của Nhà nước cũng phải làm sao cố gắng đảm bảo vùng nguyên liệu nhiều hơn qua chính sách "dồn điền, đổi thửa" nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường”, ông Quân nói.

Trong khi đó, đối với logistics, theo ông Quân, cần phải xây dựng hệ thống chuỗi logistics lạnh, bởi nếu không có chuỗi này thì trái cây rất dễ hư hỏng.

Bên cạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất như phân, thuốc bảo vệ thực vật cần được quản lý chặt, loại bỏ những hoạt chất ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành cây ăn trái nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các viện, trường trong nghiên cứu nhằm thúc đẩy phát triển các loại giống cây ăn trái phù hợp với yêu cầu của thị trường. “Giống rất là quan trọng, bởi nhiều sản phẩm chúng ta nói rất ngon, nhưng thị trường liệu có cần loại trái cây đó hay không?”, ông đặt câu hỏi.

Trao đổi với KTSG Online, PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, dẫn chứng, bơ là loại cây trồng chủ lực của khu vực Tây Nguyên và được sản xuất với mục đích để lấy dầu, chứ không phải ăn như những loại cây ăn trái khác. Tuy nhiên, loại bơ Việt Nam đang trồng hiện nay lại không được các nước nhập khẩu vì không đáp ứng được yêu cầu là lấy dầu. “Do đó, chúng ta phải chọn trồng cho đúng loại giống, chẳng hạn thế giới hiện chỉ nhập khẩu giống bơ hass thôi”, ông nhấn mạnh.

...đến định vị thương hiệu từ làm nông tử tế

"Trái cây “made in Việt Nam” sẽ được định vị như thế nào trong thời gian tới?", bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đặt câu hỏi và cho rằng đây là vấn đề mang tầm vĩ mô, để thực hiện được điều này thì mỗi người tham gia vào chuỗi liên kết ngành hàng phải là một nhân tố kiến tạo nên hình ảnh, hiệu quả để tự tin với sản phẩm “made in Việt Nam”.

Theo bà Vy, đối với Nhật Bản, các sản phẩm được dán nhãn “made in Japan” thì được sự tin tưởng và có giá trị rất cao so với các sản phẩm cùng loại được sản xuất ở những nước khác. Bà cho rằng đó là nhờ vào việc định vị sản phẩm của người Nhật.

Định vị thương hiệu sản phẩm phải gắn liền với niềm tin ở người tiêu dùng, trong đó, với doanh nghiệp là nhờ vào sản phẩm. Chính vì vậy, để trở thành “đầu tàu” kéo các sản phẩm khác đi theo, việc định vị thương hiệu “made in Việt Nam” là rất quan trọng, bởi đây là cơ sở để xây dựng đề án nhằm giúp ngành hàng trái cây đạt kỳ vọng đề ra.

“Ví dụ, ĐBSCL có nhiều sản phẩm trái cây, tuy nhiên, chúng ta nên chọn ra 3-5 sản phẩm chủ lực để làm tốt và từ đó sẽ có những chiến lược và kinh nghiệm để tiếp tục lôi kéo những sản phẩm khác đi theo”, bà Vy nói. Bà cho rằng cần phải đặt ra chỉ tiêu bắt buộc phải hoàn thành cho các thành phần tham gia.

Muốn làm được như vậy, gốc rễ của vấn đề là phải xây dựng được nền nông nghiệp tử tế, tức là người nông dân phải tử tế, doanh nghiệp cũng tử tế và quan trọng hơn hết là cơ quan quản lý cũng phải tử tế để làm được câu chuyện minh bạch và có trách nhiệm trong canh tác, sản xuất và quản lý.

Trong khi đó, ông Bùi Hồng Quân đề nghị thành lập liên hiệp các hội ngành hàng cho từng loại sản phẩm cụ thể, chứ không phải chung của toàn ngành, vì mỗi loại trái cây khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau. “Ví dụ, bưởi bảo quản dễ hơn trái xoài chẳng hạn vậy”, ông nói.

Theo ông, khi thành lập liên hiệp các hội ngành hàng trái cây cụ thể thì sẽ thuận lợi trong việc đưa ra được chiến lược phát triển cho từng loại trái cây, bao gồm chiến lược marketing; chiến lược vùng trồng và các tiêu chuẩn liên quan cũng sẽ phù hợp.

Tại diễn đàn Mekong Startup lần 1- năm 2022 diễn ra ở tỉnh Đồng Tháp vào ngày 20-12, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, và ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, ký kết hợp tác chuyển đổi số toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.Thỏa thuận hợp tác được kỳ vọng phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, huy động nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như góp phần mang lại lợi ích chung cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.Ngoài ra, tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành và một số địa phương ĐBSCL đã cam kết xây dựng Đồng Tháp thành Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực.UBND tỉnh Đồng Tháp; Ban IV và một số hiệp hội ngành hàng đã cam kết tăng cường hợp tác công- tư, phối hợp nguồn lực, đẩy mạnh các nỗ lực, nhất là đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để xây dựng Đồng Tháp thành "Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực từ năm 2023".Theo đó, các bên cam phối hợp đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và khuyến khích hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu, xu hướng giải pháp liên quan tới "nông nghiệp phát thải thấp".Cụ thể, khởi động thí điểm ít nhất một mô hình giải pháp sáng tạo về giảm phát thải hay có phát thải thấp trên một lĩnh vực nông nghiệp trọng điểm của tỉnh (trái cây, lúa gạo, thủy sản) và đánh giá thí điểm vào năm 2024 để có căn cứ nhân rộng các mô hình.Giai đoạn 2023-2025, xây dựng và vận hành thành công Liên minh sáng kiến giảm phát thải tỉnh Đồng Tháp nhằm thúc đẩy hiệu quả nỗ lực của tất cả bên liên quan; góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với chủ đề, mục tiêu giảm phát thải nông nghiệp cho tỉnh và khu vực…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới