(KTSG Online) – Rủi ro nợ xấu với các ngân hàng đã hiện hữu, nhưng không quá đáng ngại nhờ việc chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro, duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao và phát hành cổ phiếu để cải thiện hệ số an toàn vốn.
- Ngân hàng báo lãi lớn quí 3, đối mặt chi phí vốn tăng cao quí 4
- Sửa đổi quy định cho vay đối với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt
Lợi nhuận chịu tác động từ “room” tín dụng
Bức tranh ngành ngân hàng quí 3-2022 phần nào được thể hiện qua báo cáo tài chính hợp nhất của các ngân hàng.
Với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, VietinBank công bố lợi nhuận sau thuế gần 3.320 tỉ đồng tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2022, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 6.070 tỉ đồng, tăng khoảng 32%. BIDV ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế ở mức 5.350 tỉ đồng, tăng hơn 152%.
Với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, MB ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 5.035 tỉ đồng, tăng 61,3%. Với ACB, Techcombank, MSB và VPBank, con số này lần lượt là 3.587 tỉ đồng, 5.637 tỉ đồng, 1.202 tỉ đồng và 3.542 tỉ đồng, lần lượt tăng 70,6%, 27,1%, 48,5% và 59,7%.
Ngược lại, NCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 196 tỉ đồng trong quí 3-2022 do thu nhập lãi thuần giảm. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tăng do ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại.
Còn ABBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 69 tỉ đồng, giảm 79% do tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khi phải trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt (VAMC), đồng thời thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo thông tư mới.
Tổng kết, Fiin Trade cho biết 20/27 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý tính tới ngày 24-10, với lợi nhuận sau thuế tăng 53,6% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 3,7% so với quí 2-2022. Nguyên nhân chính là do tín dụng tăng chậm lại khi phần lớn hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp đã được sử dụng trong nửa đầu năm 2022.
Ngoài ra, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cũng cải thiện mạnh so với cùng kỳ và so với quí 2 ở các ngân hàng có ưu thế về cho vay tiêu dùng như ACB, VPBbank, MSB. Đồng thời, thu hẹp ở nhóm ngân hàng có tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ tín dụng ở mức cao như Techcombank, MB, TPBank.
Bên cạnh đó quyết định tăng lãi suất của NHNN trong ngắn hạn cũng khiến NIM quý 3-2022 của một số ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm 2021, như NCB giảm 1,64%, VietBank giảm 1,02%, EximBank giảm 0,88%, theo thống kê của Công ty chứng khoán An Bình (ABS).
Nợ xấu không đáng ngại nhờ “bộ đệm” dự phòng rủi ro
Bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc, chất lượng nợ vay tại nhiều ngân hàng có dấu hiệu xấu giảm sút khi tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh sau khi Thông tư 14/2021 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6-2022.
Với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước Vietcombank ghi nhận hơn 9.000 tỉ đồng nợ xấu tính tới 30-9-2022, tăng 47% so với đầu năm. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng tăng từ 0,64% lên 0,8%.
BIDV ghi nhận khoảng 20.125 tỉ đồng nợ xấu, tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay là 1,35%, tăng 0,35%.
VietinBank ghi nhận 17.650 tỉ đồng nợ xấu, tăng 23%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay là 1,4%, tăng 0,1%.
Với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank ghi nhận 20.193 tỉ đồng nợ xấu tính tới 30-9-2022, tăng 24% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng là 5,02%, tăng 0,45% so với đầu năm. Đáng lưu ý, giá trị nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) của ngân hàng không thay đổi nhiều, nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lên tới 5.679 tỉ đồng, tăng 180% so với đầu năm. Với riêng ngân hàng mẹ, tổng nợ xấu là hơn 8.497 tỉ đồng tính tới 30-9, tăng 51%. Trong đó nợ nhóm 5 là 4.234 tỉ đồng, tăng 320%. Còn tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng là 2,83%, tăng 0,82%.
Tương tự VPBank, một số ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng mạnh gồm SeABank với mức tăng 11,2%, HDBank với mức tăng 35%, Techcombank với mức tăng 46%, Eximbank với mức tăng 21%.
Nợ nhóm 5 cũng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nợ xấu của một số ngân hàng, gồm BacABank với 83,5%, PGBank với 75%, VietBank với 74%, VietCapitalBank với 68%, Saigonbank với 65%, SeABank với 66,4%, ABBank với 63%, TPBank với 46,7%, MB với 34%.
Trong số các ngân hàng trên, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt 3%, gồm BaoVietBank với 3,2%, VietBank với 4,3%, VPBank với 5,01%, NCB với 14,7%.
Với bối cảnh trên, nhiều ngân hàng đã chủ động gia tăng trích lập dựng phòng rủi ro. Cụ thể, Vietcombank duy trì tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trên 400%. Tương tự, VietinBank tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 39.000 tỉ đồng tính tới 30-9, tăng 52%. Đồng thời đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 220%.
VPBank dành hơn 15.141 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng tính tới 30-9-2022, tăng 11% so với cùng kỳ 2021. Trong bản giải trình biến động lợi nhuận sau thuế quý 3-2022, ngân hàng cho biết chi phí dự phòng rủi ro tín dụng riêng lẻ giảm 5,69% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hợp nhất tăng 8,92% so với cùng kỳ.
Saigonbank và ABBBank cũng nâng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 183 tỉ đồng và 962,8 tỉ đồng tính tới 30-9-2022, tăng 13% và 19% so với cùng kỳ năm trước.
Việc ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, theo TS Châu Đình Linh - giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM, là điều dễ hiểu trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, sức mua của người dân giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và trả nợ của nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thông tư số 11/2021 của NHNN quy định về phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng có những quy định chặt chẽ hơn, nên mức trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng so với cùng kỳ.
“Các ngân hàng đã chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu trong tương lai”, ông Linh nói
Về tỷ lệ nợ xấu, ông Linh cho rằng tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang tăng lên ở nhiều ngân hàng nhưng có sự phân hoá. Với ngân hàng nhóm dưới, tỷ lệ nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận trong năm nay.
Với ngân hàng lớn, mức độ ảnh hưởng không cao nhờ quản trị rủi ro tốt và việc chủ động trích lập dự phòng không chỉ với những khoản nợ xấu mà cả những khoản nợ xấu tiềm tàng.
Còn Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết đa số các ngân hàng hiện vẫn duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao kỷ lục. Việc này sẽ giúp những ngân hàng này củng cố bộ đệm an toàn vốn khi các khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu, đồng thời tạo nguồn lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai.
“Rủi ro nợ xấu là hiện hữu nên phải tiếp tục theo dõi sát sao. Nhưng các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục, công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được nâng cao trong hệ thống ngân hàng, nên vấn đề nợ xấu không quá lo ngại”, Agriseco đánh giá.
Đơn vị này cũng kỳ vọng việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), gia tăng vốn chủ sở hữu và nguồn vốn trung dài hạn, phát triển kinh doanh.
Hiện BIDV, VietinBank, VietcomBank, SHB, TPBank đều có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư để nâng vốn điều lệ trong những tháng cuối năm 2022.
Lợi nhuận giảm tốc vì “room” tín dụng và lãi suất
Về triển vọng ngành ngân hàng, Agriseco dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021 khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Còn NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Đồng quan điểm, ABS cho rằng động thái tăng lãi suất của NHNN sẽ buộc các ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất huy động lên mức cao hơn. Ngược lại, Chính phủ vẫn sẽ giữ lãi suất đầu ra ở mức thấp. Điều này khiến NIM của các ngân hàng bị thu hẹp phần nào trong thời gian tới.
Để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, đơn vị này cho rằng các ngân hàng cần những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng qua việc đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ và tăng thu ngoài lãi.
Việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và tăng NIM với các khách hàng lớn trong năm 2022.
Bên cạnh đó, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) dự báo sẽ tiếp tục sôi động và là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng.
“Ngân hàng nào có lợi thế lớn ở mảng miếng này, hoạt động kinh doanh cũng khả năng sinh lời vẫn tiếp tục được duy trì ổn định”, Agriseco dự báo.