Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đô la Mỹ tăng giá mạnh nhất trong 8 năm, dự báo áp lực giảm trong năm 2023

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tính đến tối ngày 30-12, đồng đô la Mỹ đã tăng 8,2% trong năm nay, theo chỉ số WSJ Dollar Index, theo dõi giá trị của của đồng bạc xanh so với 16 đồng tiền chủ chốt khác. Đây là mức tăng giá mạnh nhất của đô la từ năm 2015. Nhưng đồng bạc xanh kết thúc năm 2022 ở thế phòng thủ, giảm một nửa mức tăng so với mức đỉnh của nó được thiết lập hồi cuối tháng 9 trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt cược rằng lạm phát của Mỹ sẽ hạ nhiệt.

Giới đầu tư kỳ vọng đô la sẽ giảm giá trong năm tới khi lạm phát hạ nhiệt. Ảnh: Hindu Business Line

Hầu hết nhà đầu tư đã bất ngờ trước sức mạnh của đồng đô la trong năm 2022. Đồng tiền này đã tăng giá vào năm 2021 khi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay để kiềm chế đà tăng lạm phát được cho là tạm thời. Giờ đây, với lạm phát ở Mỹ đã tăng chậm lại, một số nhà đầu tư cho rằng đồng bạc xanh đang được định giá quá cao và sẽ giảm trong năm tới.

Trong năm nay, ít ai dự báo lạm phát tăng mạnh và lâu như vậy, hoặc Fed sẽ tăng lãi suất hơn 4 điểm phần trăm trong vòng 9 tháng. Lãi suất tăng thúc đẩy đô la tăng giá bằng cách thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới mua các tài sản của Mỹ như trái phiếu chính phủ Mỹ. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng tiếp thêm sức mạnh cho đô la khi giới đầu tư đổ xô đến các tài sản được coi là an toàn đồng thời giá năng lượng tăng cao đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.

Derek Halpenny, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu ở khu vực châu Âu của Ngân hàng MUFG (Nhật Bản), nhận định: “Nếu không có cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng đô la yếu sẽ suy yếu trong 2022. Cuộc xung đột này đã tạo ra sự thay đổi lớn vì nó tạo ra cú sốc lạm phát toàn cầu, buộc Fed phải đi theo con đường mà cơ quan này đã đi trong năm qua”.

Đô la tăng giá đã đẩy giá nhiều tiền tệ khác xuống các mức thấp trong lịch sử. Đồng euro đã giảm giá xuống mức thấp hơn đô la hồi tháng 7 và trong tháng 9, đồng bảng của Anh chạm mức thấp nhất trong hơn 200 năm giao dịch so với đồng đô la. Trong khi đó, khi đồng yen của Nhật giảm xuống mức yếu nhất kể từ năm 1990.

Andrew Keirle, nhà quản lý danh mục đầu tư có thu nhập cố định toàn cầu tại Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price, nói:  “Đồng đô la có thể giống như một cơn lốc xoáy. Khi nó bắt đầu tạo ra sức mạnh, những tài sản yếu hơn sẽ bị ảnh hưởng trước. Khi lực ly tâm của cơn lốc lớn dần, thì rốt cục, ngay cả những tài sản tốt cũng sẽ bắt đầu chao đảo”.Tính đến ngày 30-12, chỉ số WSJ Dollar Index, theo dõi giá trị của của đồng bạc xanh so với 16 đồng tiền chủ chốt khác la Mỹ, giảm một nửa mức tăng so với mức đỉnh được thiết lập vào ngày 27-9. Ảnh: WSJ

Biến động mạnh của đô la được cảm nhận trên toàn cầu vì đây là tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong thương mại và tài chính. Đà tăng giá của đô la đã khiến các mặt nông sản như như lúa mì và các hàng hóa khác của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nước ngoài. Điều đó khiến lạm phát tăng thêm ở các nước khác và gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia Mỹ ở thị trường nước ngoài.

Với một số nước nghèo, sức mạnh của đồng bạc xanh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sri Lanka gần như cạn kiệt đô la trong năm nay khi nước này dồn hết lượng đô la dự trữ, vốn đã cạn kiệt do đại dịch Covid-19, để chi trả cho hóa đơn nhập khẩu các mặt hàng cơ bản như nhiên liệu và thực phẩm.

“Trong khi các thị trường mới nổi lớn không trải qua bất cứ điều gì lên đến mức khủng hoảng, thì có một cuộc khủng hoảng thầm lặng hơn đã tấn công nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những nước thu nhập thấp. Đối với những nước này, mức tăng giá mạnh của thực phẩm và các hàng hóa cơ bản, có xu hướng được tính bằng đô la Mỹ, gây tổn thương lớn”,  Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Mỹ), nói.

Đồng đô la mạnh hơn gây ra các cuộc khủng hoảng nợ ở một số nước nghèo do chi phí trả các khoản nợ đô la của họ trở nên tốn kém hơn. Ghana đã trở thành quốc gia mới nhất bắt đầu quá trình tái cơ cấu nợ trong tháng này sau khi đồng tiền của nước này bị bán tháo nghiêm trọng, khiến chi phí trả nợ bằng ngoại tệ tăng lên.

Nhiều nhà đầu tư hy vọng giá đô la đã đạt đỉnh. Stephen Jen, Giám đốc điều hành quỹ phòng hộ Eurizon SLJ Capital, dự đoán đô la sẽ giảm giá từ 10-15% vào năm tới so với các đồng tiền chủ chốt khi lạm phát của Mỹ tăng chậm lại và các nhà đầu tư tập trung trở lại vào “những khiếm khuyết cấu trúc nghiêm trọng” của nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn như mức nợ cao.

Steve Englander, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối của G-10 ở Ngân hàng Standard Chartered, cũng cho rằng đô la sẽ suy yếu khi triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế khác được cải thiện trong năm tới. G-10, bao gồm Bỉ, Canada, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, là nhóm các quốc gia đồng ý cung cấp thêm tài chính để giúp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tăng nguồn lực cho vay.

Englander cho rằng việc Trung Quốc tái mở cửa kinh tế sẽ thúc đẩy các nền kinh tế bên ngoài, trong khi những lo ngại về an ninh năng lượng của châu Âu sẽ lắng dịu dần trong năm 2023.

Ông dự báo đô la sẽ tăng giảm đan xen trong năm tới cho đến khi bức tranh kinh tế toàn cầu trở nên rõ ràng hơn.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo đô la sẽ tăng giá thêm 5% so với các đồng tiền ở những đối tác thương mại lớn của Mỹ vào năm tới. Họ tin rằng nhu cầu đô la sẽ vẫn ổn định khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro suy thoái gia tăng.

Triển vọng của nước thu nhập thấp, chịu tổn thương nghiêm trọng bởi sức mạnh của đô la trong năm nay, vẫn ảm đạm. Nhiều trong số những nước này đã sử dụng hết vùng đệm dự trữ ngoại hối trong và vẫn đứng ngoài thị trường vay nợ toàn cầu.

Giáp sư Prasad nhận định: “Nếu Fed ngừng tăng lãi suất và đồng đô la tiếp tục giảm giá, điều đó sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các nước thu nhập thấp. Nhưng nhiều nước trong số này đang đối mặt với những tình thế khó khăn liên quan đến nguồn ngoại tệ thanh toán hàng nhập khẩu, mất khả năng tiếp cận với nguồn tài chính bên ngoài. Dù thế nào đi nữa, 2023 sẽ là một năm rất khó khăn đối với họ”.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới