(KTSG) - Đồ nội thất được sản xuất hàng loạt bán nhiều trong thời gian đại dịch có thể chẳng mấy chốc gây tắc nghẽn các bãi chôn lấp rác, theo New York Times. Đây là tín hiệu vui cho ngành xuất khẩu đồ nội thất nhanh của Việt Nam, nhưng kèm theo cơ hội là trách nhiệm lớn hơn với môi trường.
- Vượt Trung Quốc ở thị trường Mỹ, nội thất Việt đối diện với thách thức
- Nội thất Hòa Phát đổi tên thành The One: Tiếp nối giấc mơ đưa nội thất Việt vươn xa
Theo một công ty dữ liệu thị trường, trong năm 2020 người Mỹ đã mua số bàn, ghế và thiết bị sân nhà nhiều hơn hơn 4 tỉ đô la so với năm 2019. Nhưng điểm đến tiếp theo của những món đồ này sẽ là bãi rác.
Đồ nội thất nhanh, được sản xuất hàng loạt và tương đối rẻ, rất dễ mua và sau đó cũng dễ bị bỏ đi.
Deana McDonagh, giáo sư thiết kế công nghiệp tại Đại học Illinois, Urbana-Champaign, cho biết nhiều chiếc giường Ikea và bàn Wayfair mua trong thời gian phong tỏa do Covid-19 được thiết kế để sử dụng khoảng 5 năm. “Tôi liên hệ đồ nội thất nhanh như tôi làm với đồ ăn nhanh”, cô McDonagh nói. “Nó trống rỗng về văn hóa và không mang theo bất kỳ lịch sử nào với nó”.
Ngày càng nhiều người cho thuê và chủ nhà lựa chọn nhanh và rẻ, hay như Amber Dunford, Giám đốc phong cách tại Overstock.com, định nghĩa đó là “đồ nội thất thiếu bàn tay con người”. Và họ không giữ nó lâu. Mỗi năm, người Mỹ vứt bỏ hơn 12 triệu tấn đồ đạc, tạo ra hàng núi chất thải rắn đã tăng 450% kể từ năm 1960, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường.
Bất chấp tất cả những khiếm khuyết, đồ nội thất nhanh mang đến cho hàng triệu gia chủ cơ hội sống trong một ngôi nhà đầy phong cách với mức giá phải chăng.
Sebastien Long thành lập Lodgeur, công ty cho thuê ngắn hạn các căn hộ được trang bị nội thất ở Texas, vào năm 2019. Công ty ông tự thiết kế các căn hộ và hầu như chỉ dựa vào các nhà bán lẻ như Wayfair, Target, West Elm và CB2.
Ông nói, lý do là vì nhiều dự án của công ty cần thời gian quay vòng nhanh, nhưng cũng vì chúng tôi có thể tạo ra những căn hộ đầy phong cách và thoải mái. Ông nói thêm, mô hình kinh doanh của công ty khiến ông không quan tâm nhiều đến độ bền của đồ đạc.
Nhưng ngay cả đối với những người đã thề rằng không bao giờ mang đồ đạc thấp cấp vào nhà, thì sự cần thiết có thể là ngoại lệ. Trong thời gian xảy ra đại dịch, Georgia Zikas, chủ sở hữu của Georgia Zikas Design, đã làm việc với một khách hàng ở New Jersey, để cung cấp nội thất và trang trí một ngôi nhà trị giá hàng triệu đô la sẽ được sử dụng như tổ ấm thứ hai. Họ đóng cửa nhà vào tháng 11-2020 và muốn có thể sử dụng hồ bơi ở sân sau vào mùa xuân, nhưng gián đoạn sản xuất và vận chuyển toàn cầu có nghĩa là các sản phẩm nội thất đặt làm riêng bị trì hoãn nhiều tháng.
Bà Zikas nói: “Họ có hạn chót thực hiện. Vì vậy, tôi đã đến gặp một trong những nhà thiết kế của mình: Chúng ta có thể có gì trong tám tuần?”.
Trong thập kỷ qua, một số công ty tập trung vào tính bền vững đã tham gia thị trường với hy vọng đưa ra giải pháp.
Kaiyo, một thị trường trực tuyến cho đồ nội thất đã qua sử dụng, thành lập vào năm 2014, cho biết kể từ đó họ đã ngăn hơn 1.590 tấn đồ nội thất khỏi bị chôn lấp. Alpay Koralturk, Giám đốc điều hành cho biết những người có đồ đạc cần loại bỏ đề nghị giao cho Kaiyo và nếu được chấp nhận thì công ty mua khoảng một nửa số đồ được chào bán - đồ đạc sẽ được nhận miễn phí và người bán sẽ nhận một tấm séc.
“Mọi người đều có hàng đống đồ nội thất. Rất ít sản phẩm phổ biến như vậy”, ông Koralturk nói. “Tôi đang cố gắng hình dung giải pháp của thế kỷ 21 nên như thế nào”.
Wayfair, công ty chứng kiến doanh số giảm sút vào mùa hè này sau khi buôn bán phát đạt trong đại dịch, đã cam kết trong báo cáo trách nhiệm doanh nghiệp gần đây nhất là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - chủ yếu được tạo ra bởi quá trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm - tới 63% vào năm 2035.
Ikea cũng đặt ra các mục tiêu khí hậu táo bạo trong chiến lược phát triển bền vững của mình, cam kết sẽ hoàn toàn tuần hoàn - tức chỉ sử dụng các vật liệu tái chế hoặc tái tạo và không tạo ra chất thải - vào năm 2030.
Hãng Ikea của Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố: “Giữ giá thấp là nền tảng kinh doanh của chúng tôi. Nhưng điều này không bao giờ phải trả giá bằng con người và môi trường”.
Theo The New York Times