Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp CNTT còn thiếu “giấy thông hành quốc tế”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp CNTT còn thiếu “giấy thông hành quốc tế”

Thu Hiền

Gia công phần mềm tại Công ty Global Cybersoft, một trong những công ty gia công phần mềm có chứng chỉ CMMi5. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Việt Nam hiện có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm và nội dung số nhưng con số các doanh nghiệp đạt chuẩn CMMi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, CMMi là một giấy thông thành trên thị trường quốc tế nhằm khẳng định thương hiệu và năng lực của doanh nghiệp.

Ít doanh nghiệp đạt chuẩn CMMi

Tại hội thảo về hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi diễn ra tại TPHCM hôm 9-6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, cho biết trong những năm gần đây, ngành CNTT phát triển rất nhanh và có nhiều doanh nghiệp CNTT được thành lập. Số lượng nhiều nhưng quy mô nhỏ, chất lượng còn hạn chế dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường còn rất yếu.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tổng số gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực gia công phần mềm và nội dung số, hiện mới có 10 doanh nghiệp đạt được chứng chỉ CMMi, khoảng 30 doanh nghiệp khác mới tuyên bố sẽ áp dụng chuẩn CMMi.

“Doanh nghiệp Việt Nam không thể cứ bé nhỏ mãi và tự mày mò áp dụng các tiêu chuẩn của riêng mình để tăng năng suất và chất lượng. Để nâng cao sức cạnh tranh, không có gì khác là doanh nghiệp phải xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đã có sẵn như CMMi để hội nhập và cạnh tranh trong bối cảnh nhiều tập đoàn đầu ngành công nghiệp CNTT đã vào Việt Nam”, ông Lai nói.

Cũng theo ông Lai, hiện đã nhiều doanh nghiệp quan tâm, tham gia và áp dụng chuẩn CMMi song số lượng doanh nghiệp đạt chuẩn này còn ít. Nguyên nhân do đây là một tiến trình phức tạp, tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ, doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cũng như các tài liệu để triển khai.

Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm

Để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” triển khai cho doanh nghiệp muốn xây dựng CMMI ở mức độ 3 trở lên (trên tổng số 5 mức độ áp dụng CMMi).

Dự án sẽ tập trung vào đào tạo tổng quan về CMMi, tư vấn đánh giá thực trạng và hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch triển khai xây dựng áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi, tư vấn xây dựng, đánh giá quy trình cũng như áp dụng vào dự án thực tế). Mục tiêu của dự án là giúp 90 doanh nghiệp CNTT Việt Nam đạt chuẩn CMMi đến năm 2012.

Theo kế hoạch, trong 3 năm (2010-2012) dự án được triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỉ đồng (mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ 25.000 đô la Mỹ, thực hiện trong 18 tháng) được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cụ thể hơn, 15.000 đô la giúp doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình CMMi; 10.000 đô la còn lại hỗ trợ đánh giá, lấy chứng chỉ.

Trao đổi về mức độ hỗ trợ tài chính, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết trên thực tế, số tiền này sẽ không đủ để giúp cho doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi. Nếu tính trung bình, mỗi doanh nghiệp cần phải bỏ ra khoảng 50.000 đô la, do vậy dựa trên nguyên tắc nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện, bộ đề xuất mức 25.000 đô la.

“Với sự hỗ trợ về tài chính, bộ cũng lập ra ban quản lý dự án, các tổ chuyên gia cung cấp các dịch vụ tư vấn, lựa chọn nhà tư vấn, hỗ trợ các yêu cầu kỹ thuật khác cho doanh nghiệp,” ông Đường nói.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm hiện nay đã có 60 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hỗ trợ triển khai quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi. Tuy nhiên, trong năm 2010 bộ chỉ lựa chọn ra 30 doanh nghiệp để tham gia. Các tiêu chí lựa chọn sẽ ưu tiên các doanh nghiệp lần đầu triển khai CMMi, xét về doanh thu từ hoạt động sản xuất phần mềm, số lượng nhân sự quản lý chất lượng phần mềm…

Chuẩn CMMi (Capability Maturity Model Intergration – Mô hình trưởng thành năng lực tích hợp) là chuẩn đánh giá về mức độ thuần thục trong quy trình sản xuất phần mềm do Viện Công nghiệp phần mềm (SEI) của Mỹ phát triển, hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Việc sở hữu chứng chỉ quốc tế như CMMi sẽ giúp doanh nghiệp phần mềm và nội dung số chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đồng thời có được công nhận quốc tế về năng lực và cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới