(KTSG Online) - Một cuộc khảo sát mới cho thấy các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Trung Quốc đang tăng tốc chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á, một xu hướng được thúc đẩy bởi Chính sách hướng nam mới (NSP- New Southbound Policy) của người đứng đầu Đài Loan, Thái Anh Văn.
- Trung Quốc tập trận gần Đài Loan, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe doạ
- Đài Loan cạnh tranh với Mỹ, vươn lên thành trung tâm thiết kế chip toàn cầu
Đây là xu hướng ghi nhận được từ cuộc khảo sát hơn 500 lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan đang kinh doanh ở Trung Quốc được tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), có trụ sở ở Mỹ và được công bố trong tuần đầu tháng 10.
Hơn một phần tư (25,7%) trong số các doanh nghiệp Đài Loan được khảo sát cho biết đã chuyển một số hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc tìm nguồn cung ứng mới bên ngoài nước này, và một phần ba khác đang xem xét làm như vậy. Trong số những doanh nghiệp đang rời đi, phần lớn (63,1%) cho biết sẽ đến Đông Nam Á.
Chen Kuan-ting, Giám đốc điều hành Taiwan NextGen Foundation, một tổ chức tư vấn có tại Đài Bắc, nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Chính sách NSP đã được đưa ra kịp thời để ứng phó các vấn đề về chi phí và độ tin cậy mà chúng tôi đang gặp phải ngày càng nhiều trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc”.
Vào năm 2016, người đứng đầu Đài Loan, Thái Anh Văn giới thiệu Chính sách NSP mới nhằm thúc hợp tác với 18 nước đối tác ở phía nam và giảm sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Chính sách này ưu tiên các mối quan hệ giao lưu nhân dân, thương mại và đầu tư của Đài Loan với các nước Đông Nam và Nam Á.
Chen Kuan-ting cho biết Chính sách NSP là một phần của sự thay đổi chiến lược lớn hơn của Đài Loan, trong đó các nhà đầu tư Đài Loan tìm cách hỗ trợ phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á.
Phát biểu tại Diễn đàn Ngọc Sơn hôm 7-10, một cuộc đối thoại khu vực thường niên do Quỹ Giao lưu Đài Loan-châu Á tổ chức tại Đài Bắc, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh Chính sách NSP sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác của Đài Loan với phần còn lại của châu Á sau đại dịch Covid-19.
Bà nói với những người tham dự: “Các doanh nghiệp Đài Loan đã tăng đầu tư vào Đông Nam Á với tốc độ mạnh mẽ”.
Bà chỉ ra rằng trong bảy tháng đầu năm nay, đầu tư của Đài Loan vào 18 quốc gia trong Chính sách NSP đã vượt 2,2 tỉ đô la, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan trong cùng kỳ.
Kết quả khảo sát của CSIS cũng cho thấy doanh nghiệp Đài Loan rất lo ngại về sự phụ thuộc quá mức của họ vào nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với nước này. Hơn ba phần tư (76,3%) doanh nghiệp Đài Loan cho rằng Đài Loan cần giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
“Do vậy, Đài Loan đã hỗ trợ đáng kể để mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư thông qua các thỏa thuận khu vực và song phương với Mỹ, cũng như để duy trì lợi thế công nghệ thông qua chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đồng thời gia tăng các hạn chế chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc”, báo cáo của CSIS cho biết.
Cuộc khảo sát của CSIS được thực hiện vào cuối tháng 7, ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi tới Đài Bắc. Sau đó, để trả đũa, Bắc Kinh thông báo cấm nhập khẩu một loạt nông sản và thực phẩm của Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh hòn đảo này. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng sức ép chính trị, kinh tế và quân sự đối với Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Báo cáo của CSIS cho biết khi các doanh nghiệp Đài Loan đa dạng hóa chuỗi cưng ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc tương tư như cách làm của các công ty đa quốc gia khác, “một số yếu tố trong mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đang bị suy giảm và định hình lại theo cách mà một thập niên trước đây mọi người không hình dung được”.
CSIS nhận định chính quyền Đài Loan cần hỗ trợ thêm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, giáo dục, năng lượng để giúp doanh nghiệp Đài Loan duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Theo CSIS, một sửa đổi liên quan đến Đạo luật an ninh của Đài Loan và các quy định khác trong quá trình thực hiện sẽ giúp ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, CSIS kết luận Đài Loan phải tìm ra sự cân bằng giữa việc đa dạng hóa khỏi Trung Quốc với việc duy trì các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh có lợi cho Đài Loan.
Theo Nikkei Asia