Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp đăng ký với Chính phủ xây gần 1,3 triệu căn nhà ở xã hội

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cả nước sắp có thêm gần 1,3 triệu căn nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đăng ký xây dựng trong thời gian tới, tăng gấp 8,5 lần con số hiện có. Kết quả trên được ghi nhận từ cuộc hội nghị về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 1-8.

Một dự án nhà ở xã hội. Ảnh minh họa; TTXVN

Phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu: đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng cho rằng muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người. Nghiên cứu thực tiễn các nước cho thấy đa số các nước đều có chính sách nhà ở xã hội, như cho mua và thuê mua nhà ở xã hội. Người công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở, nên phải có các chính sách như thuê mua, trả góp…

“Thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội” - Thủ tướng nói.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tính đến nay cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích gần 7,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích gần 23 triệu m2.

Việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tính đến tháng 7-2022, có 41/63 địa phương có báo cáo. Trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỉ đồng.

Nêu những tồn tại, khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình triển khai các quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.

Một khó khăn được bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu ra là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn.

“Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư,” ông Nghị nói.

Thêm nữa, Bộ trưởng Bộ Xây dựng còn cho biết, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng: trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư.

Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn.

Về thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, ông Nghị cho hay theo quy định của pháp luật về nhà ở thì Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại).

Tuy nhiên theo pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC) thì yêu cầu Chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng thì phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn, trong khi Chủ đầu tư đã dùng lợi nhuận của phần kinh doanh thương mại (trong cơ cấu giá bán đã tính tiền sử dụng đất) để bù đắp, giảm giá thành cho nhà ở xã hội dự án.

Ông Nghị cho hay, Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí...

Giải pháp từ góc nhìn chính sách và nhà đầu tư

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian tới. Như cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Lập phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030. Bộ Xây dựng chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án. Thủ tướng Chính phủ giao quy hoạch, định hướng các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hiến kế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, thành phố đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội, để làm sao có điều chỉnh phù hợp với quy hoạch và thủ tục. TPHCM  đã chủ động rút ngắn thủ tục  - ngắn nhất là 137 ngày, dài nhất 217 ngày.

Ông Mãi cho hay, TPHCM đã cố gắng rút ngắn để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến hành, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều vấn đề. Vì vậy, ông cho rằng trong dự thảo chỉ thị mà Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan nên có cơ chế. Trong đó tổ công tác phải cùng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hơn.

Một dự án nhà ở xã hội. Ảnh: TTXVN

Còn giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết, giai đoạn 2006-2020, các doanh nghiệp đã xây dựng tại TPHCM khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội. Giai đoạn từ 2021-2025, TPHCM quy mô dân số dự kiến tăng 1 triệu người và cần xây dựng 35.000 căn hộ xã hội. Từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê.

Ông Quân cho biết TPHCM thống nhất với những vướng mắt và khó khăn do Bộ Xây dựng trình bày và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành của Trung ương như sau:

Kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, nhà ở xã hội ở các địa phương - triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian để giải quyết hồ sơ cũng như các hoạt động về đầu tư xây dựng.

Đề xuất cho ban hành hướng dẫn việc xác định phân bổ và hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại - trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Điển hình hóa các thiết kế nhà ở xã hội được thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng để triển khai xây dựng hàng loạt, góp phần giảm thời gian thủ tục đầu tư và giá thành căn hộ.

Cho phép UBND TPHCM được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2-10 héc ta.

Bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện các chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014, để doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vinhomes cho biết, doanh nghiệp này phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội. Ông cho rằng để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ông Hoa cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau: chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề quy hoạch, hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70 m2. Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.

Ông Hoa đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không gia vào việc này.

Thứ ba, ông Hoa cho rằng hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu có khi phải 600 ngày hoặc dài hơn. Nên ông Hoa đề nghị những bước nào làm song song được thì làm như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư… để rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.

Thêm nữa ông Hoa còn cho rằng chính quyền cần thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính. Bên cạnh đó cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Để thúc đấy phát triển nhà ở xã hội, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group đề xuất một số cơ chế, chính sách sau: theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là các cá nhân. Quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội. Do vậy, ông Trường kiến nghị cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó có nhu cầu.

Ông Trường kiến nghị như trên và cho biết thời gian qua, Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn.

Theo ông Trường, trong trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng mong các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Còn chủ Tập đoàn Him Lam kiến nghị Chính phủ không chỉ nên kêu gọi doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong khi đó ông thấy nguồn lực lớn nhất để xây dựng loại hình nhà ở này là người dân. Ông nêu ví dụ như ở TPHCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân. Ông cho rằng việc huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Đại diện Him Lam cho rằng cần xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê. Vị đại diện này cũng cho biết doanh nghiệp này sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đại diện doanh nghiệp này cho biết đây là quỹ đất mà doanh nghiệp này đã có nhưng cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục. Bởi Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội - nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội, sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân. Phó thủ tướng cho biết, qua ý kiến của doanh nghiệp, chúng ta đã có nhiều ưu đãi để kích thích động viên phát triển nhà ở xã hội cho công nhân. Nhưng qua đó, cũng thấy rằng tiến độ, thủ tục đầu tư liên quan tới quy định còn rất nhiều vấn đề có thể giảm bớt. Ví dụ như về tiền kiểm, hậu kiểm để có nhà ở xã hội… Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng việc thực hiện còn hạn chế ở các địa phương và văn bản pháp lý hướng dẫn, cần tiếp tục được thúc đẩy.

Tháo gỡ khó khăn về thủ tục

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phù hợp, trong đó chỉ đạo cụ thể các định hướng, giải pháp sửa đổi, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành, tiếp tục giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân, người thu nhập thấp.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ 15/8.

Theo Thông tư này, các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ xây nhà mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.

Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách:

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15-8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai. Lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.

Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng gần 1,3 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin.

Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ... Trong đó, nghiên cứu việc quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực để phát triển nhà ở xã hội...

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới